Những đóng góp mới trong luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Xuân

23/04/2020 16:16


Đề tài luận án: Phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thời kỳ đến năm 2030

Chuyên ngành: Kinh tế phát triển                                               Mã số: 9 31 01 05

Nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Xuân 

Người hướng dẫn: PGS.TS. Bùi tất Thắng

Cơ sở đào tạo: Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những đóng góp mới của luận án:

Về lý luận: Luận án đã xây dựng được khung nghiên cứu về PTKTBV cấp tỉnh như sau:

- Thứ nhất, luận án đã đưa ra được nội hàm của PTKTBV cấp tỉnh theo cách tiếp cận PTKTBV cấp tỉnh là trụ cột thứ nhất, là hạt nhân cho PTBV của tỉnh, PTKTBV của tỉnh còn góp phần thực hiện các mục tiêu PTKTBV của quốc gia và PTKTBV của tỉnh là dựa trên khai thác thế mạnh của mỗi tỉnh, đồng thời phải liên kết với các tỉnh khác khai thác hiệu quả nguồn lực chung. Theo đó, PTKTBV cấp tỉnh là duy trì trạng thái phát triển kinh tế liên tục của một tỉnh trong một thời gian dài. Từ đó, PTKTBV cấp tỉnh phải đảm bảo các điều kiện (i) tăng trưởng kinh tế được duy trì, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng cao và được duy trì ổn định, (ii) chất lượng tăng trưởng cao và được cải thiện, thể hiện ở cấu trúc tăng trưởng hợp lý và các nguồn lực cho phát triển kinh tế phải được sử dụng hiệu quả (iii) các chủ thể bình đẳng trong tham gia và hưởng thụ các thành quả của phát triển kinh tế và (iv) các yếu tố đảm bảo phát triển kinh tế được tái tạo và gia tăng.

- Thứ hai, luận án đề xuất được bộ tiêu chí gồm các chỉ tiêu cụ thể và các yêu cầu, xu hướng của các chỉ tiêu này để đánh giá PTKTBV cấp tỉnh trên các khía cạnh: (i) khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng của tỉnh, (ii) Chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh; (iii) Bình đẳng trong tham gia và hưởng thụ các thành quả của phát triển kinh tế và (iv) Khả năng duy trì và tái tạo các yếu tố của phát triển.

- Thứ ba, tổng hợp được hệ thống các nhân tố có thể có ảnh hưởng đến PTKTBV trên địa bàn tỉnh, gồm: các nhân tố khách quan và nhân tố chủ quan. Trong đó, nhân tố khách quan gồm điều kiện tự nhiên; Những điều kiện về văn hóa-xã hội; Môi trường quốc gia, khu vực và thế giới; Các văn bản pháp lý, thể chế, chính sách phát triển của quốc gia, nhân tố chủ quan gồm: Các văn bản pháp lý, thể chế, chính sách phát triển của địa phương; Năng lực của bộ máy chính quyền địa phương; Kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật; Cơ chế, chính sách huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực; Nhận thức của chủ doanh nghiệp, người lao động và dân cư về PTKTBV.

Về thực tiễn: Vận dụng khung lý luận để phân tích thực trạng ở tỉnh Bắc Ninh, luận án chỉ ra được:

- Bên cạnh các thành tựu đã đạt được thì trong PTKTBV ở tỉnh Bắc Ninh còn một số hạn chế, gồm: Thứ nhất, tăng trưởng thiếu bền vững, không ổn định; thứ hai, chất lượng tăng trưởng thấp; thứ ba, tham gia và hưởng thụ các thành quả của phát triển chưa thực sự công bằng; thứ tư, khả năng duy trì và tái tạo các yếu tố của phát triển chưa bền vững.

- Luận án cũng chỉ ra được các hạn chế trong PTKTBV của Bắc Ninh là do: nguyên nhân khách quan: bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, trong khi đó môi trường kinh tế trong nước còn tồn tại nhiều yếu kém, mặt trái của cơ chế thị trường; các văn bản pháp lý, thể chế, chính sách PTKTBV của Việt Nam còn chồng chéo, một số văn bản mới được ban hành chưa có hướng dẫn cụ thể. Các nguyên nhân chủ quan: chính sách PTKTBV của Bắc Ninh còn bất cập; chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương chưa đảm bảo; hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu, chính sách huy động, sử dụng, quản lý các nguồn lực còn bất hợp lý và nhận thức của chủ doanh nghiệp, người lao động và dân cư về PTKTBV còn hạn chế.

- Luận án đã đề xuất 4 quan điểm, 4 định hướng và 5 giải pháp chủ yếu nhằm đảm bảo phát triển kinh tế bền vững của tỉnh trong thời kỳ đến năm 2030, gồm: Hoàn thiện các văn bản, về phát triển kinh tế bền vững trên địa bản tỉnh, Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, Cải thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, Hoàn thiện các chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, Nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp, người lao động và dân cư về PTKTBV.

Giới thiệu luận án: