Giới thiệu Viện

GIỚI THIỆU VỀ VIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN


1. Lịch sử hình thành
Viện Chiến lược phát triển (tên tiếng Anh là Vietnam Institute for Development Strategies, viết tắt là VIDS) là cơ quan nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Viện được thành lập từ năm 1964, trên cơ sở tiền thân là hai vụ của Ủy ban Kế hoạch nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Qua quá trình phát triển và sáp nhập, Viện có tên chính thức là Viện Chiến lược phát triển từ năm 1994. Đến năm 2023, Viện sáp nhập thêm 02 đơn vị từ Bộ Kế hoạch và đầu tư là Tạp Chí Kinh tế và dự báo và một phần Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia. Viện có trụ sở chính tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, TP.Hà Nội và một đơn vị trực thuộc (Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam) tại TP. Hồ Chí Minh.

2. Nhiệm vụ, chức năng hoạt động 
Theo quyết định của Thủ tướng (năm 2009) Viện Chiến lược phát triển là tổ chức sự nghiệp khoa học cấp quốc gia, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Quyết định mới nhất về chức năng nhiệm vụ của Viện là Quyết định số 859/QĐ-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư. Chức năng nhiệm vụ chính của Viện như sau:

a) Nghiên cứu các đề án, dự án về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng và địa phương
b) Nghiên cứu, phân tích, dự báo về phát triển kinh tế, xã hội.
c) Thực hiện hợp tác quốc tế và các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư 
d) Thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực tư vấn lập quy hoach, kế hoạch, đề án phát triển quốc gia, ngành, vùng, và địa phương; các dịch vụ nghiên cứu khoa học về các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, môi trường
c) Biên soạn và xuất bản Tạp chí Kinh tế và Dự báo.
d)  Đào tạo tiến sỹ trong lĩnh vực kinh tế.

3. Đội ngũ chuyên gia và mạng lưới đối tác
Viện hiện có 145 viên chức, trong đó có 01 Phó Giáo sư, 18 tiến sĩ, 93 thạc sĩ. Viện có nhiều chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực: Quy hoạch phát triển, kinh tế vĩ mô, kinh tế quốc tế, kinh tế biển, hạ tầng, phát triển bền vững, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, nhân lực và xã hội.
Viện có mạng lưới đối tác bao gồm các cơ quan nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam; các tổ chức quốc tế lớn tại Việt Nam như UNDP, WB, ADB, GIZ và các đại sứ quán (Mỹ, Trung Quốc, Đức, Australia, Đức, Singapore)...; một số cơ quan nghiên cứu uy tín của khu vực như: Viện Nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI), Viện Chính sách kinh tế đối ngoại Hàn Quốc (KIEP), Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Trung Quốc; Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), Viện Kinh tế thế giới Kiel của Đức (IfW) và một số tổ chức NGO quốc tế như KAS và FNF.

4. Một số nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng đã thực hiện
Trong thời gian gần đây, Viện đã thực hiện một loạt nhiệm vụ quan trọng do Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao, bao gồm: 
- Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2023);
- Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2024);
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2024);
- Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước;
- Viện là cơ quan đầu mối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của đất nước; Báo cáo kinh tế phục vụ các kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam; các đề án phát triển trình các cơ quan Đảng và Chính phủ. 
- Viện là cơ quan đầu mối của Bộ trong xây dựng các báo cáo phát triển có tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn của Chính phủ như: Báo cáo Việt Nam 2035; Báo cáo Việt Nam 2045
- Viện  đã thực hiện một số đề tài khoa học cấp quốc gia, cấp Bộ và nhiều nhiệm vụ, dự án hợp tác quốc tế lớn khác như: Dự án chia sẻ tri thức Việt Nam - Hàn Quốc (2004-2005, 2009-2011, 2012-2013, 2014, 2015-2016, 2016-2017); Các đề án kết nối kinh tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia, và Thái lan. Viện cũng đã thực hiện một số báo cáo trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu với các tổ chức trong nước và nước ngoài như các Báo cáo thường niên về 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất (VPE500), Báo cáo đánh giá về dịch chuyển lao động của Việt Nam tới năm 2030...