Hội thảo về báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

23/02/2022 15:03


(MPI) - Sáng ngày 22/02/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì Hội thảo báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cùng các chuyên gia tư vấn, đại diện các bộ, ngành.

Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo quy định tại Luật Quy hoạch (2017). Đây là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm: đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.

Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng như trên, trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia cần thiết được cấp thẩm quyền cho ý kiến và thông qua những định hướng lớn như quan điểm, mục tiêu, khung định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia, các định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng... trước khi triển khai các bước tiếp theo của quy trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia. Với mục tiêu như trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu gợi mở các vấn đề tập trung xin ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là nội dung lớn của đất nước, trong phạm vi lớn nhưng lại là lần đầu tiên làm, chưa có tiền lệ, kinh nghiệm quốc tế chưa nhiều, do vậy các cơ quan tham gia, chuyên gia, tư vấn cần tập trung nghiên cứu kĩ, xác định mức độ tác động đến xã hội, không phải chỉ cho một vùng, địa phương hay một lĩnh vực mà phải xem đâu là tiềm năng, thế mạnh để dựa vào đó có thể khai thác, phát triển đất nước nhanh bền vững; khai thác hết các tiềm năng lợi thế của các ngành, lĩnh vực, địa phương dù là nhỏ nhất.

Xác định mình có gì, muốn gì, đi về đâu, đi bằng cách nào và bao giờ đến, là câu hỏi chung cho tất cả các quy hoạch, xác định định hướng để bố trí, phân bổ không gian phát triển, qua đó có các cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực thực hiện các mục tiêu đề ra. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu, khát vọng đề ra rất lớn. Do vậy, quy hoạch đưa ra định hướng, tầm nhìn mô hình tốt đối với không gian hợp lý, các quy hoạch cần bổ trợ cho nhau, cùng nhau đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, từ đầu năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ phối hợp với các viện nghiên cứu chiến lược, quy hoạch các Bộ, ngành liên quan xây dựng các định hướng phát triển và tổ chức không gian các ngành, lĩnh vực liên quan và căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các hội thảo xin ý kiến chuyên gia quy hoạch, các nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành trung ương và các địa phương. Trong quá trình xây dựng Báo cáo, Bộ đã tham khảo kinh nghiệm về lập quy hoạch không gian của các nước, nhất là các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam trong khu vực như Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc.

Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Trần Hồng Quang phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Hồng Quang đã trình bày Báo cáo định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung nhấn mạnh vào các nội dung về kinh nghiệm quốc tế; kết quả đạt được và hạn chế, yếu kém chủ yếu trong tổ chức không gian phát triển đất nước; quan điểm, mục tiêu phát triển; khung định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia; các định hướng ưu tiên phát triển.

Quan điểm trong quy hoạch tổng thể quốc gia bao gồm: Phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh toàn cầu của quốc gia, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia. Phát huy tốt nhất các lợi thế so sánh, đặc thù của mỗi vùng, địa phương, hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả (Phát triển có trọng tâm, trọng điểm).

Phát triển theo hướng bền vững, hướng tới phát triển cân bằng, hài hòa giữa các vùng. Bảo đảm sử dụng đất, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, đa dạng sinh học; phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức không gian phát triển quốc gia gắn hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu phát triển dài hạn. Tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống đô thị quốc gia có năng lực cạnh tranh cao, phân bố hợp lý trên địa bàn cả nước và trên các vùng; tăng cường liên kết đô thị và nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, sinh thái. Tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết khu vực nội địa với không gian biển, tham gia các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội các dải biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Mục tiêu tổng quát là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội hài hoà, môi trường có chất lượng tốt, trong lành và an toàn.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Tham gia ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào bối cảnh trong nước và quốc tế; quan điểm mục tiêu, những định hướng đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng vùng; đánh giá hiện trạng và khung phát triển trong thời gian tới; mối liên kết giữa các ngành, lĩnh vực; phát triển vùng, liên kết vùng, xác định vùng động lực phát triển; kinh tế biển; khu kinh tế, khu công nghiệp; xác định các điểm nghẽn, tiềm năng, lợi thế gắn với phương hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các đột phá chiến lược;…

Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến trách nhiệm, sâu sắc, tâm huyết, thể hiện tầm nhìn với vấn đề thuộc từng lĩnh vực cũng như phát triển chung của đất nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu tiếp thu các ý kiến xác đáng của đại biểu để hoàn thiện và mong nhận được ý kiến đóng góp, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành. Về căn cứ, phải bám sát Nghị quyết XIII của Đảng về tầm nhìn đất nước đến năm 2045 để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra; Bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; các Chiến lược đã đề ra như tăng trưởng xanh, công nghiệp lần thứ tư, những vẫn đề phù hợp với tình hình, xu thế, kế hoạch của đất nước.

Về vai trò, khung định hướng này chưa phải bản quy hoạch mà là định hướng để lập quy hoạch theo và là cơ sở để các quy hoạch khác có thể dựa vào để lập, triển khai. Chúng ta đang lập quy hoạch đồng thời theo phương pháp đúng dần, điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp ở tất cả các cấp để quy hoạch được đồng bộ, thống nhất. Chúng ta phải xác định, đánh giá được điểm nghẽn hiện nay của đất nước; phải có tư duy, tầm nhìn đột phá, chủ động theo hướng kiến tạo để quyết định tương lai của đất nước./.

Theo Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư