Nghiệm thu cấp nhà nước Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước "Vấn đề giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho phát triển bền vững Tây Nguyên”

05/10/2015 09:29


Sáng 26/9/2015, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức buổi nghiệm thu cấp nhà nước Đề tài nghiên cứu khoa học "Vấn đề giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho phát triển bền vững Tây Nguyên” thuộc Chương trình khoa học – công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KHCN-TN3/11-15. Đề tài do Viện Chiến lược phát triển là cơ quan chủ trì và PGS.TS. Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển làm Chủ nhiệm.

Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước gồm 11 nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Lý luận Trung ương… do GS. TS. Võ Khánh Vinh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng.

Dự buổi nghiệm thu Đề tài có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đại diện Văn phòng Chương trình Tây Nguyên và là thành viên Hội đồng; và một số cơ quan liên quan.

Tại buổi nghiệm thu, nhóm nghiên cứu Đề tài đã trình bày tóm tắt báo cáo, tập trung vào làm rõ các nhiệm vụ, mục tiêu và nội dung nghiên cứu. Báo cáo nghiên cứu đã đưa ra được thực trạng giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở Tây Nguyên; kinh nghiệm về phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực của một số nước như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. Báo cáo cũng đã đưa ra và đánh giá một số chính sách phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực thực hiện ở Tây Nguyên trong thời gian vừa qua, từ đó đề ra phương hướng phát triển giáo dục, đào tạo ở Tây Nguyên như: (1) Cải tạo, nâng cấp, kiên cố hóa và xây dựng mới mạng lưới trường mầm non đến tất cả các xã; (2) Duy trì kết quả và nâng cao chất lượng phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở đúng tuổi; (3) Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường lớp và đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy và học đạt chuẩn quốc gia; (4) Chuyển đổi phương thức tổ chức đào tạo từ đào tạo theo năng lực đào tạo sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo nhân lực theo nhu cầu của thị trường lao động; (5) Đầu tư đồng bộ các yếu tố đảm bảo chất lượng dạy nghề cho một số nghề ở Trường Cao đẳng nghề…

Về nguồn nhân lực, báo cáo cũng đề ra phương hướng phát triển nguồn nhân lực cho phát triển bền vững Tây Nguyên trong thời gian tới như: (1) Tăng cường thể lực và cải thiện tầm vóc của người dân Tây Nguyên; Nâng cao trình độ học vấn của nhân lực; (2) Đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn-kỹ thuật của nhân lực; (3) Tạo việc làm, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ và nâng cao hiệu quả sử dụng nhân lực; (4) Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đặc sắc, đa dạng và phong phú trên địa bàn Tây Nguyên.

Đề tài đã đưa ra 05 khuyến nghị về giải pháp và 02 khuyến nghị lớn về chính sách đặc thù cho phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực cho phát triển bền vững Tây Nguyên.

Hội hồng nghiệm thu cấp Nhà nước đã đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn, về phương pháp nghiên cứu và nhất trí nghiệm thu đề tài đạt loại Khá.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển