Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài khoa học cấp Nhà nước về thể chế kinh tế vùng ở Việt Nam

07/11/2015 15:23


Sáng 05/11/2015, tại 65 Văn Miếu, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi nghiệm thu cấp cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước "Thể chế kinh tế vùng ở Việt Nam - Hiện trạng và giải pháp” do TS. Hoàng Ngọc Phong - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển làm Chủ nhiệm Đề tài.

Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở gồm có 07 nhà khoa học đến từ các Hội khoa học Kinh tế Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Viện nghiên cứu… do PGS. TS. Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Phó Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 làm Chủ tịch Hội đồng. Tham dự buổi nghiệm thu có đại diện Văn phòng Chương trình khoa học và công nghệ trong điểm; đại diện lãnh đạo Viện, Hội đồng khoa học Viện Chiến lược phát triển và nhóm thực hiện đề tài…

Tại buổi nghiệm thu, TS. Hoàng Ngọc Phong - Chủ nhiệm đề tài đã trình bày tóm tắt nội dung báo cáo. Báo cáo tổng hợp Đề tài, ngoài phần mở đầu và kết luận, gồm 3 phần chính:Phần I: Những lý luận cơ bản và thực tiễn về thể chế kinh tế;Phần II: Thực trạng và thể chế kinh tế vùng ở Việt Nam;Phần III: Một số giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế vùng đến năm 2030.

Báo cáo đã đưa ra và đánh giá thực trạng thể chế kinh tế vùng ở Việt Nam từ năm 1975 cho đến nay. Trong nhiều năm qua, các cấp, các ngành đã nỗ lực ban hành chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển chung của vùng. Cho đến nay một số chính sách bước đầu đã đạt được kết quả tích cực, song hiện vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần được giải quyết, đó là: (1) Thể chế phân vùng nhìn chung còn thiếu tính khoa học và thiếu tính hệ thống; (2)Thể chế kinh tế vùng còn quá nhiều bất cập, nhất là trong liên kết kinh tế nên chưa tạo dựng được mối liên kết, hợp tác hay phối hợp giữa các địa phương trong nội vùng và liên vùng; …

Từ đó nhóm nghiên cứu đã đưa ra được 7 quan điểm chỉ đạo về xây dựng thể chế kinh tế vùng và 6 giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế vùng đến năm 2030 như: (1) Giải pháp về định hướng phân vùng (2) Giải pháp về định hướng phát triển vùng; (3) Nhóm giải pháp về quy hoạch phát triển vùng; (4) Nhóm giải pháp về chính sách phát triển KT-XH vùng; (5) Nhóm giải pháp về bộ máy tổ chức quản lý vùng; (6) Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng thể chế kinh tế vùng và liên kết vùng.

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu đóng góp cho Đề tài tại buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng đã yêu cầu Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Báo cáo tổng hợp của đề tài để bảo vệ ở cấp cao hơn./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển