Nghiệm thu chính thức đề tài khoa học cấp Bộ: Phát triển cụm liên kết ngành trong nông nghiệp để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững

23/03/2017 14:21


Sáng 17/3/2017, Tại 65 Văn Miếu, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức nghiệm thu chính thức đề tài khoa học cấp Bộ "Phát triển cụm liên kết ngành trong nông nghiệp để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững”, do ThS. Trần Vũ Mạnh, Nghiên cứu viên Ban Phát triển các ngành sản xuất làm chủ nhiệm.

Hội đồng đánh giá đề tài khoa học cấp Bộ do PGS.TS. Vũ Thị Minh, Trưởng khoa Bất động sản và Kinh tế Tài nguyên, trường Đại học Kinh tế quốc dân là Chủ tịch Hội đồng và các thành viên là các nhà khoa học và quản lý đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tại buổi nghiệm thu, ThS. Trần Vũ Mạnh thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài đã trình bày tóm tắt nội dung báo cáo. Với mục tiêu là làm rõ nội hàm về cụm liên kết ngành nói chung và cụm liên kết ngành nông nghiệp nói riêng, vai trò của nó với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững và qua đó đề xuất các giải pháp phát triển cụm liên kết ngành hướng tới phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam, Ban chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu cơ sở lý luận về cụm liên kết ngành, đánh giá được thực trạng phát triển cụm liên kết ngành trong nông nghiệp ở Việt Nam. Ban Chủ nhiệm đề tài cũng đã đưa ra được tám giải pháp phát triển cụm liên kết ngành nông nghiệp, gồm: (1) Tăng cường nâng cao nhận thức về cụm liên kết ngành nông nghiệp; (2) Lựa chọn phát triển thí điểm một số mô hình cụm liên kết ngành nông nghiệp; (3) xây dựng cơ quan quản lý chính sách cụm liên kết ngành nông nghiệp; (4) Giải pháp về tích tụ đất đai phục vụ phát triển liên kết ngành nông nghiệp; (5) Giải pháp về thị trường cho phát triển cụm liên kết ngành nông nghiệp; (6) Giải pháp về vốn và thu hút đầu tư cho phát triển cụm ngành nông nghiệp; (7) Giải pháp đẩy mạnh liên kết, phát triển cụm liên kết ngành nông nghiệp; (8) Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp.

Hội đồng đánh giá đề tài khoa học cấp Bộ đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban Chủ nhiệm đề tài. Ban Chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu một vấn đề có tính thời sự và có ý nghĩa thực tiễn rất cao. Báo cáo đề tài là kết quả của sự nghiên cứu một cách nghiêm túc, công phu của Ban Chủ nhiệm đề tài. Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đã nhất trí nghiệm thu đề tài.

Tóm tắt đề tài:

1.Tên đề tài: Phát triển cụm liên kết ngành trong nông nghiệp để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.

Cơ quan chủ trì: Viện Chiến lược phát triển, 65 Văn Miếu, Hà Nội

Cơ quan chủ quản: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 06B Hoàng Diệu, Hà Nội

2.Chủ nhiệm đề tài: ThS. Trần Vũ Mạnh, Nghiên cứu viên Ban Phát triển các ngành sản xuất.

3.Mục tiêu nghiên cứu của đề tài:

- Làm rõ nội hàm về cụm liên kết ngành nói chung và cụm liên kết ngành nông nghiệp nói riêng, vai trò của nó với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Qua đó, đề xuất các giải pháp phát triển cụm liên kết ngành hướng tới phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam.

4.Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:

- Đối tượng nghiên cứu: Ngành nông nghiệp, cụm liên kết ngành, cụm liên kết ngành trong nông nghiệp, hai ngành được chọn là lúa gạo và cà phê.

- Phạm vị nghiên cứu: Phạm vi không gian: đề tài nghiên cứu cụm liên kết ngành nông nghiệp tại Việt Nam, trong đó có nghiên cứu điểm về lúa gạo tại Đồng bằng Sông Cửu Long và cà phê tại Tây Nguyên; Phạm vi về thời gian: Trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2015.

- Phương pháp nghiên cứu: Đề tài chủ yếu sử dụng các phương pháp: phương pháp xử lý thông tin nghiên cứu; phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp so sánh; phương pháp chuyên gia;…

5. Kết quả nghiên cứu đạt được:

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục viết tắt, tài liệu tham khảo, nội dung nghiên cứu được chia thành 3 chương:

Chương I: Cơ sở lý luận về cụm liên kết ngành và thực tiễn phát triển cụm liên kết ngành nông nghiệp tại các quốc gia;

Chương II: Đánh giá thực trạng phát triển cụm liên kết ngành trong nông nghiệp ở Việt Nam;

Chương III: Giải pháp phát triển cụm liên kết ngành hướng tới phát triển nông nghiệp vùng.

6. Đánh giá của hội đồng nghiệm thu:

Đạt loại : xuất sắc

Nghiệm thu: tháng 03 năm 2017

7. Thư viện lưu trữ và có thể tìm đọc:

Thư viện của Viện chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Địa chỉ: 65 Văn Miếu - Hà Nội

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.