Đề tài: Xây dựng tiêu chí phát triển lãnh thổ đầu tàu lôi kéo sự phát triển nền kinh tế (từ kinh nghiệm nước ngoài (Trung Quốc, Nga) và yêu cầu thực tiễn của Việt Nam).

02/06/2011 17:28


1. Tên đề tài: Xây dựng tiêu chí phát triển lãnh thổ đầu tàu lôi kéo sự phát triển nền kinh tế (từ kinh nghiệm nước ngoài (Trung Quốc, Nga) và yêu cầu thực tiễn của Việt Nam).

2. Tên chủ nhiệm và địa chỉ liên hệ của chủ nhiệm đề tài:

Chủ nhiệm: PGS. TS Ngô Doãn Vịnh.

Địa chỉ liên hệ: clpt@mpi.gov.vn.

3. Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài: Đưa ra các tiêu chí về lãnh thổ đầu tàu trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn phát triển của Việt Nam và ứng dụng xác định các lãnh thổ đầu tầu ở Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020.

4. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:

            Đối tượng nghiên cứu: các lãnh thổ mang tính động lực, đầu tàu ở Việt Nam (các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế ven biển).

Trong quá trình nghiên cứu đề tài đã sử dụng các phương pháp sau: Phương pháp thống kê - phân tích (được sử dụng trong phần đánh giá hiện trạng các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế ven biển); phương pháp điều tra thực địa (tiến hành khảo sát về tình hình phát triển một số khu kinh tế), phương pháp so sánh (được sử dụng trong các khâu đánh giá các dải ven biển Việt Nam), phương pháp chuyên gia (để lựa chọn các lãnh thổ đầu tầu)...

5. Kết quả nghiên cứu đạt được:

Đề tài đã tập trung nghiên cứu các kinh nghiệm của quốc tế về phát triển lãnh thổ đầu tàu, trong đó các kinh nghiệm về xây dựng các đặc khu kinh tế của Trung Quốc đặc biệt hữu ích trong việc phát triển các lãnh thổ đầu tàu của Việt Nam, kể cả về mục tiêu hình thành, lựa chọn địa điểm, bước đi và cơ chế, chính sách đối với các đặc khu kinh tế.

Một trong các đóng góp của Đề tài là phân tích, đánh giá về tình hình phát triển các lãnh thổ có tính chất động lực trong thời gian qua ở nước ta, cụ thể là các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế ven biển. Do các tiêu chí hình thành các lãnh thổ trên chưa toàn diện và đầy đủ nên việc phát triển chưa như mong muốn, còn mang tính "phong trào”.

Kết quả quan trọng nhất của Đề tài là đã luận giải về bộ tiêu chí hình thành lãnh thổ đầu tàu. Các lãnh thổ đầu tàu cần có vị trí địa kinh tế thuận lợi, giao lưu dễ dàng với bên ngoài (trong nước và quốc tế), có diện tích đủ lớn để phát triển tổng hợp (công nghiệp, du lịch, dịch vụ...), không phải giải toả nhiều, hạn chế lấy đất nông nghiệp, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển (về kết cấu hạ tầng, khả năng cung ứng lao động, nguyên vật liệu cho sản xuất...). Tuy nhiên một lãnh thổ chỉ thực sự trở thành đầu tàu khi lãnh thổ đó thu hút đầu tư hình thành ngành chủ lực, đặc biệt là phải thu hút được các nhà đầu tư lớn, các công ty xuyên quốc gia lớn nhất đến đầu tư, đặc biệt là vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, có giá trị gia tăng lớn. Trên cơ sở đó các lãnh thổ trên có đóng góp lớn cho nền kinh tế cả nước (về GDP, thu ngân sách, giá trị xuất khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm...). Lãnh thổ đầu tàu đồng thời phải là nơi được áp dụng các cơ chế, chính sách mới có tính chất vượt trội so với trước đây và chung cho cả nước để tạo điều kiện phát triển nhanh, đi trước một bước, đồng thời cũng là nơi thử nghiệm các chính sách mới, trước khi đem ra ứng dụng ở các địa bàn khác.

Trên cơ sở các tiêu chí về lãnh thổ đầu tàu, trong Đề tài đã phân tích, đánh giá các dải ven biển Việt Nam và từ đó kiến nghị các lãnh thổ đầu tàu của Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Các kiến nghị về các lãnh thổ đầu tàu của Việt Nam trong Đề tài chỉ mới là kết quả của các nghiên cứu sơ bộ, mang tính gợi ý, khuyến nghị ban đầu.

6. Đánh giá của Hội đồng nghiệm thu: Nghiệm thu năm 2011, đạt loại Xuất sắc

7. Thư viện lưu trữ và có thể tìm đọc: Thư viện Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).