Đề tài: Xác định các trọng tâm của đột phá phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2021-2030
10/12/2020 15:26
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược đến năm 2020: "…Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ…”. Chủ trương đó đã được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện tích cực trong thời gian qua và đã đạt được những thành tựu nhất định. Sau hơn 8 năm thực hiện khâu đột phá về nguồn nhân lực, quy mô nhân lực của nền kinh tế có sự gia tăng rõ nét trong tất cả các ngành, lĩnh vực; nhân lực chất lượng cao ngày càng gia tăng về quy mô và chất lượng…
Tuy nhiên, xét về tổng thể thì phần lớn các mục tiêu về phát triển nguồn nhân lực đề ra trong khâu đột phá chưa đạt được; cơ cấu trình độ nhân lực chưa hợp lý, thiếu gắn kết giữa cung - cầu lao động; các cơ chế, chính sách liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, đánh giá nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa hợp lý, kém hấp dẫn; cách thức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu/nhu cầu phát triển… Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) đặt ra nhiều thách thức và cơ hội đối với phát triển nhân lực. Nhiều chuyên gia/các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách… đều có chung nhận định, trong thời kỳ tới đây, nhân lực tiếp tục đóng vai trò quan trọng, quyết định đối với sự thịnh vượng của các quốc gia.
Vì vậy, phát triển nhân lực đối với Việt Nam vẫn là định hướng chiến lược cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, phát triển nhân lực của nước ta thời gian tới đây cần đảm bảo trọng tâm, trọng điểm với những lộ trình và bước đi phù hợp. Đề tài đã tập trung nghiên cứu xác định/tìm ra những trọng tâm của đột phá về phát triển nguồn nhân lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 để có những giải pháp phù hợp nhằm khai thác/tận dụng các cơ hội, giảm thiểu những thách thức từ cuộc CMCN 4.0 thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển. Cụ thể, đề tài đã có những đóng góp sau:
(1) Luận giải rõ hơn những vấn đề lý luận liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao; trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, khẳng định trong khâu đột phá về nhân lực thì đột phá về nhân lực chất lượng cao là quan trọng nhất, có vai trò quyết định đối với sự thành công của quá trình thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng. Nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là phát triển lợi thế cạnh tranh động của Việt Nam trong quá trình phát triển. Trong nhân lực chất lượng cao, phải đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn.
(2) Đánh giá việc thực hiện khâu đột phá phát triển nhân lực giai đoạn Chiến lược 2011-2020 và chỉ ra các vấn đề mà chúng ta phải giải quyết để đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội giai đoạn Chiến lược 2021-2030.
(3) Đề xuất các trọng tâm đột phá phát triển nhân lực cho giai đoạn Chiến lược 2021-2030 bao gồm tiếp tục thực hiện các đột phá phát triển nhân lực giai đoạn Chiến lược 2011-2020 nhưng mở rộng nội hàm về nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và đề xuất trọng tâm đột phá phát triển nhân lực cho giai đoạn Chiến lược 2021-2030 gồm (1) Thúc đẩy mạnh mẽ năng lực đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ của nguồn nhân lực chất lượng cao; (2) Xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ có trình độ quốc tế, có khả năng tạo ra những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao góp phần tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong nền kinh tế.
(4) Đề xuất các giải pháp để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như giải pháp xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học - công nghệ trình độ quốc tế đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó phát triển giáo dục và đào tạo là giải pháp mang tính quyết định cho việc hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao; nhìn nhận và lượng hóa đúng với tầm quan trọng của yếu tố văn hóa, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc trong nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút và sử dụng nhân tài trong bộ máy quản lý Nhà nước các cấp./.
Nguồn: Ban Chủ nhiệm Đề tài