Thông báo: Về việc tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2013

25/02/2013 15:56


BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

VIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN

_____________________

Số: 125 /TB-VCLPT

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________________________

        Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2013

                                   

THÔNG BÁO

Về việc tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2013

____________

 

            Căn cứ Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ;

            Căn cứ Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Quyết định số 99/QĐ-VCLPT ngày 28 tháng 01 năm 2013 của Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển về việc ban hành Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ, Viện Chiến lược phát triển thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2013 theo hai chuyên ngành là Kinh tế phát triển và Địa lý học (trừ địa lý tự nhiên) với các nội dung sau:                                  

1. Mục tiêu đào tạo

            Nhằm xây dựng đội ngũ những nhà khoa học có trình độ cao về lý thuyết và năng lực thực hành phù hợp, có khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo và hướng dẫn nghiên cứu khoa học, khả năng phát hiện và giải quyết được những vấn đề về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường phục vụ nghiên cứu chiến lược và quy hoạch.

2. Hình thức đào tạo và thời gian đào tạo

Hình thức đào tạo: Không tập trung, trong đó có ít nhất 12 tháng tập trung liên tục tại Viện Chiến lược phát triển để thực hiện đề tài luận án.

Thời gian đào tạo: 4 năm đối với người có bằng thạc sĩ và 5 năm đối với người có bằng cử nhân.

3. Chỉ tiêu tuyển sinh

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ là 10 nghiên cứu sinh, chỉ tiêu của mỗi chuyên ngành được Hội đồng tuyển nghiên cứu sinh quyết định dựa trên số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển và năng lực đào tạo từng chuyên ngành của cơ sở đào tạo.

4. Điều kiện dự tuyển

1. Văn bằng và các công trình nghiên cứu

a) Bằng thạc sĩ đúng chuyên ngành (hoặc phù hợp hoặc chuyên ngành gần[1]) với chuyên ngành đăng ký dự tuyển: 01 bài báo độc lập đăng trên tạp chí khoa học với nội dung phù hợp với đề tài hoặc lĩnh vực dự định nghiên cứu

b) Bằng cử nhân hệ chính quy, từ hạng khá trở lên đúng chuyên ngành (hoặc chuyên ngành gần[2]) với chuyên ngành đăng ký dự tuyển: 02 bài báo độc lập đăng trên tạp chí khoa học với nội dung phù hợp với đề tài hoặc lĩnh vực dự định nghiên cứu.

c) Bằng thạc sĩ khác chuyên ngành dự tuyển: 02 bài báo độc lập đăng trên tạp chí khoa học với nội dung phù hợp với đề tài hoặc lĩnh vực dự định nghiên cứu.

2. Có một bài luận về dự định nghiên cứu (mục II phần phụ lục), trong đó trình bày rõ ràng đề tài hoặc lĩnh vực nghiên cứu, lý do lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu, mục tiêu và mong muốn đạt được, lý do lựa chọn Viện Chiến lược phát triển là nơi đào tạo trình độ tiến sĩ; kế hoạch thực hiện trong từng thời kỳ của thời gian đào tạo; những kinh nghiệm, kiến thức, sự hiểu biết cũng như những chuẩn bị của thí sinh trong vấn đề hay lĩnh vực dự định nghiên cứu; dự kiến các kế hoạch sau khi tốt nghiệp; đề xuất người hướng dẫn (nếu có).

3. Có hai thư giới thiệu của hai nhà khoa học có chức danh khoa học như giáo sư, phó giáo sư hoặc học vị tiến sĩ cùng chuyên ngành; hoặc một thư giới thiệu của một nhà khoa học (có chức danh khoa học hoặc học vị tiến sĩ) cùng chuyên ngành và một thư giới thiệu của Thủ trưởng đơn vị công tác của thí sinh (mục I phần phụ lục).

4. Trình độ ngoại ngữ: người dự tuyển phải có chứng chỉ hoặc văn bằng của một trong 6 ngoại ngữ: Anh, Trung, Pháp, Nga, Nhật, Đức.

a) Chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 trở lên theo Khung tham khảo Châu Âu chung về ngoại ngữ (Phụ lục III của Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT), trong thời hạn 2 năm tính đến ngày dự tuyển nghiên cứu sinh, do một trung tâm khảo thí quốc tế có thẩm quyền hoặc một trường đại học trong nước đào tạo ngành ngoại ngữ tương ứng trình độ đại học cấp theo khung năng lực tương đương cấp độ B1 quy định tại Phụ lục IIIa Thông tư 05/2012/TT-BGDĐT;

b) Bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài; 

c) Bằng tốt nghiệp đại học ngành ngoại ngữ.

5. Sơ yếu lý lịch được các cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương xác nhận nhân thân tốt và hiện không vi phạm pháp luật.

6. Cam kết thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với quá trình đào tạo theo quy định của Viện Chiến lược phát triển (đóng học phí; hoàn trả kinh phí với nơi đã cấp cho quá trình đào tạo nếu không hoàn thành luận án tiến sĩ).

4. Các môn thi tuyển 

Áp dụng đối với những người chưa có bằng thạc sĩ hoặc bằng thạc sĩ khác chuyên ngành dự tuyển.

4.1. Môn cơ sở: Toán Kinh tế, Kinh tế chính trị, Anh văn

Các môn thi cơ sở được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ.

4.2. Môn chuyên ngành

Tên chuyên ngành                                                 Môn thi

- Kinh tế phát triển                                          Kinh tế phát triển

- Địa lý học (trừ Địa lý tự nhiên)                       Địa lý kinh tế

5. Thời gian nhận hồ sơ: Kể từ khi có thông báo đến ngày 30/4/2013.

6. Hình thức, thời gian xét tuyển và nhập học

- Hình thức tuyển sinh: xét tuyển

- Thời gian xét tuyển: Cuối tháng 5 năm 2013

- Thời gian nhập học: Dự kiến tháng 7 năm 2013

7. Hồ sơ đăng ký dự tuyển

- Hồ sơ đăng ký dự tuyển (phát hành tại cơ sở đào tạo);

- Đơn xin dự tuyển (theo mẫu);

- Bản sao có công chứng và bản gốc (để đối chiếu) các văn bản sau:

+ Bằng và bảng điểm tốt nghiệp đại học;

+ Bằng và bảng điểm tốt nghiệp thạc sĩ;

+ Bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ;

+ Các văn bằng, chứng chỉ khác (nếu có).

Các văn bằng và bảng điểm do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng tiếng Việt và nộp kèm theo văn bản công nhận của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

- 01 bản gốc và 05 bản sao của hai thư giới thiệu.

- 06 bản bài luận về dự định nghiên cứu của thí sinh dự tuyển.

- 06 bản sao các công trình nghiên cứu khoa học đã công bố (đóng thành tập, ghi tên và kê khai danh mục ở trang bìa), cụ thể:

+ Đối với bài báo: sao trang bìa, mục lục và nội dung bài báo.

+ Đối với đề tài nghiên cứu khoa học (tính điểm bổ trợ): sao Quyết định/Hợp đồng giao việc, Biên bản nghiệm thu đề tài và Bản tóm tắt nội dung chuyên đề nghiên cứu (đối với người tham gia và có xác nhận của chủ nhiệm đề tài).

- Bản cam kết thực hiện nghĩa vụ học tập, nghiên cứu và chế độ tài chính đối với quá trình đào tạo theo quy định.

Cơ sở đào tạo không hoàn trả lại hồ sơ sau khi nộp.

Chi tiết liên hệ:

Viện Chiến lược phát triển, 65 Văn Miếu – Hà Nội. Điện thoại: (04).37478395, Fax: (04).38452209, http://dsi.mpi.gov.vn

 

 

Nơi nhận:

- Các đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT;

- Các đơn vị thuộc Viện;

- UBND 63 tỉnh, thành phố;

- Sở Kế hoạch và Đầu tư 63 tỉnh, thành phố;

- Sở Nội vụ 63 tỉnh, thành phố;

- Các trường Đại học, các Viện nghiên cứu;

- Lưu: VT, TVPT&ĐT (2).

VIỆN TRƯỞNG

 

 

 

 

 

PGS.TS Bùi Tất Thắng

 

 



[1] Hai chuyên ngành đào tạo thạc sĩ được coi là chuyên ngành đúng khi có mã số (hoặc tên gọi trùng nhau); được coi là chuyên ngành phù hợp khi nội dung chương trình đào tạo khác nhau từ 20-30%; được coi là chuyên ngành khác khi nội dung chương trình đào tạo khác trên 30%

 

[2] Hai ngành đào tạo đại học được coi là đúng khi có mã số (hoặc tên gọi) trùng nhau; được coi là ngành phù hợp khi nội dung chương trình đào tạo khác nhau dưới 20%; được coi là ngành gần khi nội dung chương trình đào tạo khác nhau từ 20%-40%; được coi là chuyên ngành khác khi nội dung chương trình đào tạo khác nhau trên 40%.