Những đóng góp mới và tóm tắt luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Thanh Hải

11/11/2014 11:13


NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: "Phát triển nông nghiệp các tỉnh trung du miền núi phía Bắc Việt Nam theo hướng bền vững”.

Chuyên ngành: Kinh tế phát triển Mã số: 62.31.05.01

Nghiên cứu sinh: Nguyễn Thanh Hải

Người hướng dẫn: GS.TSKH. Lê Du Phong và PGS.TS. Phạm Ngọc Linh

Cơ sở đào tạo: Viện Chiến lược phát triển, bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Những đóng góp mới về học thuật, lý luận

Đề tài luận án đã trình bày rõ được lý luận về phát triển bền vững (PTBV), phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Đề tài đã nghiên cứu 6 công trình nghiên cứu ngoài nước và 21 nghiên cứu trong nước liên quan đến PTBV từ đó hệ thống hóa lại được những lý luận cơ bản về PTBV cũng như đúc rút ra được những bài học kinh nghiệm, giải pháp nhằm thúc đấy phát triển nông nghiệp tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc theo hướng bền vững.

Luận án đã đưa ra được bộ tiêu chí đánh giá PTBV trong đó tập trung vào 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là những căn cứ quan trọng để các địa phương có thể áp dụng vào thực tế trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.

Việc phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến PTBV bao gồm các nhân tố về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hóa, nó góp phần mô phỏng bức tranh đa chiều các nhân tố ảnh hưởng đến PTBV, nếu chỉ tập trung phân tích một hoạch hai khía cạnh thì yếu tố PTBV sẽ không đặt được.

2. Những kết luận mới

Từ việc phân tích bối cảnh quốc tế, trong nước và phạm vi của vùng, luận án đã phân tích và đưa ra được các nhóm giải pháp của từng ngành, phù hợp với từng địa phương trong đó trú trọng vào việc phát huy các lợi thế của địa phương, xây dựng các vùng chuyên canh, thúc đẩy liên kết vùng.

Công tác quy hoạch đóng vai trò quan trọng, ngoài ra việc xác định hình thức tổ chức sản xuất, phương thức canh tác phù hợp với điều kiện của từng vùng góp phần nâng cao lợi thế so sánh các sản phẩm địa phương.

Luận án cũng nêu ra giải pháp đó là cần chú ý đến các chính sách hỗ trợ các vùng khó khăn để đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, bên cạnh đó các tăng cường hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất kết hợp với đẩy mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

3. Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Yếu tố văn hóa, phong tục tập quán của từng địa phương có ảnh hưởng lớn đến PTBV, cần được phân tích kỹ lưỡng.

Phát huy các lợi thế so sánh của từng địa phương và thúc đẩy liên kết vùng có vai trò quan trọng.

Công tác quy hoạch có vai trò quan trong đối với PTBV nhất là đối với phạm vi cấp tỉnh và vùng, trong đó có cần xem xét đến việc huy động, phối kết hợp các nguồn lực, tài sản của địa phương kết hợp với sự hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các chương trình phát triển khác./.

Người hướng dẫn                          Người hướng dẫn                         Nghiên cứu sinh

GS. TSKH. Lê Du Phong           PGS.TS. Phạm Ngọc Linh                Nguyễn Thanh Hải

 
=============================

TÓM TẮT LUẬN ÁN

LỜI NÓI ĐẦU

 1- Tính cấp thiết của đề tài

Trung du miền núi phía Bắc là vùng có núi non hùng vĩ nhất Việt Nam, là nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống nhất đất nước (35/54 dân tộc) và cũng là nơi có đường biên giới trên bộ rất dài với hai nước: Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (trên 1500 km) và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (560 km). Chính vì vậy, Trung du miền núi phía Bắc là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, gìn giữ môi trường và bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.

Thấy rõ vị trí quan trọng của vùng trung du miền núi phía Bắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nên trong những năm vừa qua, đặc biệt là từ khi thực hiện đường lối đổi mới đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến việc đầu tư phát triển mọi mặt đối với vùng này. Nhờ đó, kinh tế của toàn vùng đã có sự phát triển khá nhanh; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc sinh sống trong vùng đã có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt là các mặt: ăn, ở, đi lại, học tập, điện, nước sinh hoạt và nghe nhìn; an ninh quốc phòng trên địa bàn cơ bản được giữ vững.

Song do là vùng núi cao, địa hình bị chia cắt phức tạp, cơ sở hạ tầng thấp kém, dân cư sống phân tán và trình độ dân trí còn quá thấp, nên kinh tế của vùng mặc dù đã có bước phát triển khá, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới được hình thành và phát triển; đáng chú ý là các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ, nhưng ngành sản xuất rộng lớn nhất, quan trọng nhất vẫn là ngành nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp, trong đó quan trọng nhất là các ngành trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp vẫn là lĩnh vực chính giải quyết việc làm, thu nhập và bảo đảm đời sống cho đại bộ phận lao động và dân cư trong vùng.

Tuy nhiên, hiện tại sản xuất nông nghiệp của vùng trung du miền núi phía Bắc đang đứng trước những thách thức hết sức nghiêm trọng trong sự phát triển, đó là:

- Thứ nhất, đất sản xuất nông nghiệp ít, chỉ có 1.571.100 ha, chiếm 14,94% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của cả nước, nhưng phân bố rất phân tán trên nhiều cấp độ địa hình khác nhau và độ màu mỡ của đất khá thấp. Điều đáng nói là diện tích đất sản xuất nông nghiệp của vùng không ngừng bị suy giảm về số lượng do việc chuyển đổi mục đích sử dụng (phát triển công nghiệp, nhất là thuỷ điện, khai thác hầm mỏ; phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ và phát triển đô thị), và suy giảm về chất lượng do bị xói mòn và rửa trôi vì mưa lũ tác động.

- Thứ hai, vùng trung du miền núi phía Bắc có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất trong các vùng của cả nước (5.662.700 ha, chiếm 34,79% diện tích đất lâm nghiệp của cả nước). Rừng của vùng trung du miền núi phía Bắc không chỉ là nơi bảo vệ nguồn đất, nguồn nước, điều hoà khí hậu cho vùng này, mà còn cho cả vùng Đồng bằng Bắc bộ. Thế nhưng, điều hết sức đáng quan ngại là diện tích rừng của vùng bị giảm nhanh trong những năm gần đây, có tỉnh như Sơn La độ che phủ của rừng chỉ còn trên 10%.

- Thứ ba, Trung du miền núi phía Bắc là vùng có nguồn tài nguyên nước rất phong phú (sông, suối, ao, hồ nhiều), song do việc sử dụng không hợp lý nên hiện nay nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đang hết sức khó khăn. Nguồn tài nguyên nước trên địa bàn ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm nặng.

- Thứ tư, do nhiều lý do khách quan và chủ quan mang lại, như: phát triển theo chiều rộng, chạy theo lợi ích trước mắt, hiểu biết hạn chế .v.v. nên trong sản xuất nông nghiệp, người dân đã dùng các loại phân hoá học, các loại thuốc bảo vệ thực vật cho các loại cây trồng, các loại thuốc phòng trừ dịch bệnh cho các loài vật nuôi, các loại hoá chất trong bảo vệ, cất trữ nông sản.v.v. không đúng quy định đã làm cho đất đai, nguồn nước của vùng bị ô nhiễm và huỷ hoại khá nặng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của vùng trong tương lai.

- Thứ năm, cùng với sự thấp kém, sự lạc hậu của kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội toàn vùng nói chung, có sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp của vùng nói riêng, thì điều hết sức đáng lo ngại của nông nghiệp vùng này là phương thức sản xuất còn hết sức lạc hậu. Tổ chức theo hộ gia đình và dựa trên phương thức quảng canh là chính.

- Thứ sáu, hoạt động sản xuất nông nghiệp của vùng dựa vào sức lao động của con người là chính, song người lao động ở trình độ mọi mặt, nhất là trình độ hiểu biết về khoa học kỹ thuật nông nghiệp khá hạn chế, thu nhập và đời sống tuy có khá hơn trước, những vẫn thuộc loại thấp nhất trong cả nước.

- Thứ bảy, vùng có biên giới chung với Trung Quốc trên 1500 km, một thị trường có trên 1,3 tỷ người là một lợi thế không nhỏ trong việc tiêu thụ nông sản sản xuất ra. Tuy nhiên, Trung Quốc là một thị trường hết sức phức tạp, sức ép của họ đối với sự phát triển nông nghiệp của vùng là hoàn toàn không nhỏ, nhất là trong mối quan hệ diễn biến rất phức tạp.

Những khó khăn, thách thức nêu trên cho thấy nếu cứ tiếp tục duy trì phương thức phát triển nông nghiệp vùng trung du miền núi phía Bắc như hiện nay chắc chắn sẽ mang lại cho vùng nói riêng và đất nước nói chung những hậu quả hết sức nghiêm trọng về nhiều mặt.

Xuất phát từ đó, NCS chọn vấn đề "Phát triển nông nghiệp các tỉnh trung du miền núi phía Bắc Việt Nam theo hướng bền vững” làm đề tài luận án Tiến sĩ kinh tế của mình.

2- Mục tiêu nghiên cứu của luận án

Mục tiêu tổng quát:

Trên cơ sở hệ thống hoá những vấn đề lý luận về phát triển bền vững nói chung, phát triển bền vững nông nghiệp nói riêng, luận án vận dụng để phân tích, đánh giá thực trạng phát triển nông nghiệp các tỉnh trung du miền núi phía Bắc theo hướng bền vững trong những năm đã qua và đề xuất giải pháp thúc đẩy nông nghiệp của vùng phát triển nhanh theo hướng bền vững giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Mục tiêu cụ thể:

- Trình bày rõ lý luận về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

- Phân tích, đánh giá đúng thực trạng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc Việt Nam thời gian qua.

- Đề xuất quan điểm, định hướng và giải pháp chủ yếu thúc đẩy nông nghiệp các tỉnh trung du miền núi phía Bắc Việt Nam phát triển theo hướng bền vững tới năm 2020.

3- Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án.

Đối tượng nghiên cứu của luận án là phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Trong đó, nông nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng là gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản. Tuy nhiên, do điều kiện của vùng trung du miền núi phía Bắc Việt Nam diện tích mặt nước không nhiều, ngành thuỷ sản có vị trí khá hạn chế, nên luận án tập trung nghiên cứu các hoạt động thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp là chính.

Phát triển bền vững bao gồm cả 3 mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, do những hạn chế về tài liệu, nên mảng xã hội và môi trường luận án cũng chỉ có thể đề cập được ở một mức độ nhất định, không thể bảo đảm như những gì lý luận đã nêu ra.

Về phạm vi không gian: luận án tiến hành nghiên cứu ở 14 tỉnh của vùng (có so sánh với các vùng khác trong nước).

Về phạm vi thời gian: luận án tiến hành nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát triển nông nghiệp ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc trong giai đoạn 2000-2012 và về đề xuất các giải pháp nâng cao tính bền vững của nông nghiệp trong tương lai từ năm 2013 đến năm 2020.

4- Về cách tiếp cận và các phương pháp nghiên cứu.

*Cách tiếp cận nghiên cứu:

Để giải quyết thành công các mục tiêu và nội dung nghiên cứu đã đề ra, NCS sử dụng các cách tiếp cận nghiên cứu sau đây:

- Thứ nhất, đi từ lý luận đến thực tiễn. Tức là từ khái niệm, nội dung, các tiêu chí đánh giá về phát triển nông nghiệp bền vững đã được các nhà khoa học đúc kết và được cộng đồng quốc tế thừa nhận, tiến hành xem xét, đánh giá thực trạng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc Việt Nam, rút ra những mặt thành công cũng như những mặt còn hạn chế và nguyên nhân chủ yếu của thực trạng đó. Từ đó có được những đề xuất có cơ sở khoa học, có tính khả thi cho việc phát triển nông nghiệp của vùng theo hướng bền vững trong giai đoạn tới.

- Thứ hai, đi từ vĩ mô đến vi mô. Tức là xuất phát từ các chủ trương, chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững để xem xét, đánh giá việc triển khai thực hiện của các địa phương, các cơ sở sản xuất và người dân như thế nào.

- Thứ ba, đi từ thực tiễn tới lý luận, từ vi mô đến vĩ mô. Tức là từ thực tiễn phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững của các địa phương vùng trung du miền núi phía Bắc Việt Nam có thể đúc kết thành một số vấn đề để bổ sung cho lý luận về phát triển bền vững nông nghiệp nói chung, cũng như bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đối với vấn đề này.

- Thứ tư, tiếp cận theo hướng liên ngành và liên vùng. Tức là nghiên cứu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc phải được thực hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với các ngành, các lĩnh vực khác trên địa bàn, cũng như với các vùng khác trong cả nước.

Thứ năm, tiếp cận theo hướng hệ thống là cách nhìn nhận vấn đề qua cấu trúc hệ thống, thứ bậc và động lực của chúng, đó là một tiếp cận toàn diện và động. Tiếp cận này giúp cho việc phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố trong phát triển bền vững bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường.

- Thứ sáu, tiếp cận thể chế là cách tiếp cận giúp cho việc phân tích việc thực thi các chính sách, quy định của Chính phủ từ đó xác định được các giải pháp phù hợp với đặc điểm riêng của vùng trung du miền núi phía Bắc, tạo được động lực cho phát triển.

*Phương pháp nghiên cứu:

Những phương pháp nghiên cứu chính được sử dụng trong luận án bao gồm:

- Phương pháp thu thập số liệu:

+ Thu thập số liệu thông qua các tài liệu, báo cáo: Đây là các số liệu được thu thập qua các niêm giám thống kê, các báo cáo của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc Việt Nam và các nghiên cứu liên quan đã được triển khai trên địa bàn.

+ Phương pháp điều tra, khảo sát thực tế: Để có cơ sở vững chắc cho việc phân tích, đánh giá đúng thực trạng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc , từ đó có thể đề xuất được một số kiến nghị có cơ sở khoa học cho quá trình phát triển này trong tương lai, NCS đã tiến hành khảo sát thực tế tại một số địa bàn trong vùng có sự nổi trội trong phát triển nông nghiệp.

+ Phương pháp chuyên gia: Đây là hình thức thu thập thông tin thông qua việc tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý am hiểu về vấn nghiên cứu.

- Phương pháp tổng hợp và xử lý số liệu:

Luận án đã tổng hợp các lý luận, các nghiên cứu có liên quan đến phát triển bền vững, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững nói chung, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững đối với các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc Việt Nam nói riêng. Phương pháp tổng hợp còn được sử dụng trong việc thu thập và xử lý các tài liệu thực tiễn có liên quan đến nội dung nghiên cứu của luận án.

Việc tổng hợp các tư liệu được triển khai theo nhiều bước:

+ Tìm kiếm, tổng hợp các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế trên thế giới nói về phát triển bền vững đối với một quốc gia, một vùng lãnh thổ, hoặc một ngành, một lĩnh vực kinh tế cụ thể.

+ Sưu tầm các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các Viện nghiên cứu, các trường đại học ở Việt Nam đã được xuất bản nói về phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước nói chung hoặc phát triển bền vững đối với một vùng, một ngành hoặc một lĩnh vực nào đó nói riêng.

+ Sưu tầm các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ đã nghiên cứu đề cập đến các vấn đề có liên quan đến phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở các địa phương vùng trung du miền núi phía Bắc (phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có ưu thế, phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho người nông dân. v.v.)

+ Tập hợp số liệu thống kê về phát triển nông nghiệp của cả nước nói chung của từng tỉnh trên địa bàn vùng trung du miền núi phía Bắc nói riêng. Ngoài ra, NCS cũng đã cố gắng đến một số huyện trong vùng để thu thập một số tư liệu về phát triển nông nghiệp để phục vụ cho việc nghiên cứu, viết luận án.

-Phương pháp phân tích số liệu:

- Phương pháp biện chứng: Đây là phương pháp được sử dụng xuyên suốt luận án, đặc biệt khi phân tích về tác động qua lại giữa lĩnh vực kinh tế-xã hội và môi trường trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, cũng như tác động của việc đầu tư các nguồn lực đến quá trình phát triển đó.v.v.

- Phương pháp tổng hợp: Luận án sử dụng tổng hợp các lý luận, các nghiên cứu có liên quan đến phát triển bền vững nói chung, phát triển bền vững nông nghiệp nói riêng để nghiên cứu, giải quyết vấn đề phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững đối với các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc Việt Nam. Phương pháp tổng hợp còn được sử dụng trong việc thu thập và xử lý các tài liệu thục tiễn có liên quan đến nội dung nghiên cứu của luận án.

- Phương pháp so sánh, lịch sử: Quá trình phát triển nông nghiệp của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc theo hướng bền vững không chỉ được phân tích, so sánh, đối chiếu qua từng giai đoạn phát triển của bản thân vùng này, mà còn được so sánh với các địa phương, các vùng khác trong cả nước.

5- Những đóng góp chủ yếu của luận án

- Luận án đã hệ thống hoá và làm rõ các khái niệm có liên quan đến phát triển bền vững nông nghiệp, đặc biệt là khái niệm, nội dung và các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá. Trên cơ sở đó đã xây dựng được khung lý luận cho việc nghiên cứu thực trạng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc Việt Nam.

- Đã vận dụng khung lý luận được xây dựng đánh giá đúng thực trạng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc Việt Nam giai đoạn từ năm 2000 đến nay.

- Trên cơ sở dự báo bối cảnh trong nước và quốc tế có thể tác động đến phát triển nông nghiệp các tỉnh trung du miền núi phía Bắc theo hướng bền vững giai đoạn từ nay đến năm 2020, luận án đã đưa ra hệ thống quan điểm, định hướng và giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển theo hướng bền vững của nông nghiệp vùng này.

6- Bố cục của luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các tài liệu tham khảo và các phụ lục, luận án gồm 4 chương:

Chương 1: Tổng quan về tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài.

Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển nông nghiệp bền vững.

Chương 3: Thực trạng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc Việt Nam giai đoạn 2000-2012.

Chương 4: Giải pháp nâng cao tính bền vững đối với phát triển nông nghiệp ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc Việt Nam đến năm 2020.
(Chi tiết xem tại file đính kèm)
 
Dowload: Nội dung luận án