Những đóng góp mới và tóm tắt luận án tiến sĩ của NCS Trịnh Thế Truyền
06/01/2015 10:17
Đề tài luận án: Đầu tư phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển. Mã số: 62 31 01 05
Nghiên cứu sinh: Trịnh thế Truyền
Người hướng dẫn: GS.TSKH. NGND Lê Du Phong
Cơ sở đào tạo: Viện Chiến lược phát triển
1. Những đóng góp mới về mặt học thuật và lý luận
Luận án đưa ra quan niệm mới về đầu tư phát triển (ĐTPT) theo hướng nâng cao hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (xem hiệu quả là yêu cầu bắt buộc đối với việc đầu tư và đối với người ra quyết định đầu tư); khẳng định Nhà nước (cả Chính quyền Trung ương và Chính quyền địa phương), Doanh nghiệp, Thị trường và kết cấu hạ tầng kỹ thuật là những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả ĐTPT; đề xuất mới 4 chỉ tiêu cơ bản và 5 chỉ tiêu bổ trợ để phân tích, đánh giá hiệu quả ĐTPT trong điều kiện Việt Nam.
2. Những phát hiện, đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu và khảo sát của luận án
Luận án khẳng định trong giai đoạn 2000- 2012 hiệu quả ĐTPT ở tỉnh Phú Thọ còn thấp mà nguyên nhân chủ yếu là do chủ trương đầu tư chưa chính xác, cơ cấu đầu tư chưa hợp lý mà cụ thể là ĐTPT các lĩnh vực công nghệ cao cũng như ĐTPT các sản phẩm chủ lực và đầu tư phát triển nhân lực chất lượng cao còn ít. Đồng thời, quản lý nhà nước về ĐTPT bộc lộ nhiều bất cập. Từ đó luận án đưa ra định hướng đổi mới đầu tư (đặc biệt là đổi mới cơ cấu ĐTPT đến năm 2020); nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của cả Chính quyền trung ương và Chính quyền địa phương; phát triển lực lượng doanh nghiệp thi công xây dựng có tiềm lực tài chính và có trình độ chuyên môn cao cũng như hình thành đội ngũ sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng đủ mạnh trên địa bàn tỉnh này.
Luận án còn kiến nghị với Chính quyền tỉnh Phú Thọ nhanh chóng rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình đầu tư trên địa bàn cho thời kỳ dài hạn đến năm 2025 hoặc 2030; có chính sách lôi kéo các Tập đoàn kinh tế, các Công ty lớn trong và ngoài nước tới làm ăn tại Phú Thọ. Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ cần đổi mới hệ thống quản lý đầu tư thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương; cụ thể là nên có một Phòng ĐTPT thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời, sớm nghiên cứu thành lập Hội đồng tư vấn về ĐTPT cho tỉnh và hình thành một tổ chức đánh giá chất lượng phát triển xanh cho tỉnh Phú Thọ.
Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2014
Ý kiến của người hướng dẫn khoa học GS.TSKH. Lê Du Phong | Nghiên cứu sinh Trịnh Thế Truyền |
Phú Thọ là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn nhưng nền kinh tế chưa phát triển, chất lượng phát triển kinh tế đang còn thấp. Trong nhiều năm qua đầu tư phát triển (ĐTPT) giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy đã thiếu vốn để ĐTPT nhưng thời gian vừa qua việc đầu tư đem lại hiệu quả thấp. Làm thế nào để phát huy tiềm năng thế mạnh, để nâng cao hiệu quả ĐTPT là vấn đề đặt ra cấp bách đối với tỉnh Phú Thọ. Quá trình tiến hành quy hoạch, kế hoạch ĐTPT kinh tế trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của cả nước cũng như đối với Phú Thọ có nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn chưa rõ, đã gây khó khăn cho những quyết định ĐTPT của địa phương. Trước yêu cầu đó và đòi hỏi của thực tế trong điều kiện cụ thể của tỉnh Phú Thọ, tác giả chọn vấn đề "ĐTPT theo hướng nâng cao hiệu quả trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” làm đề tài luận án tiến sĩ của mình với mong muốn góp phần làm sáng tỏ thêm những vấn đề đặt ra ở trên.
2. Mục tiêu nghiên cứu
- Làm rõ những vấn đề lý luận chủ yếu về ĐTPT theo hướng nâng cao hiệu quả trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để ứng dụng vào điều kiện Việt Nam.
- Phân tích mặt được, mặt chưa được của ĐTPT xét trên quan điểm hiệu quả trong thời gian vừa qua và đề xuất giải pháp đảm bảo nâng cao hiệu quả ĐTPT ở tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, trên cơ sở đó cung cấp thêm thông tin khoa học cho việc hoạch định chính sách đầu tư ở tỉnh Phú Thọ.
3. Khung lý thuyết nghiên cứu của luận án
Thực hiện quan điểm hệ thống và nguyên tắc tuân thủ lôgich khoa học biện chứng, để đạt được mục tiêu đề ra, luận án sẽ được nghiên cứu theo khung lý thuyết với tinh thần xuyên suốt như sơ đồ tổng quát (xem hình 1). Khung lý thuyết nghiên cứu chỉ rõ từ mục tiêu nghiên cứu, luận án sẽ phải làm rõ những nhiệm vụ khoa học cơ bản phải hoàn thành để luận án có chất lượng, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của một luận án tiến sĩ. Nói cách khác khung lý thuyết chỉ ra những câu hỏi khoa học lớn mà luận án phải làm rõ:
1. ĐTPT theo hướng nâng cao hiệu quả là gì? yếu tố ảnh hưởng tới ĐTPT theo hướng nâng cao hiệu quả là gì? chỉ tiêu đánh giá hiệu quả ĐTPT là gì?
Hình 1: Khung lý thuyết nghiên cứu
Theo cách đặt vấn đề như vậy, để luận án thành công, việc nghiên cứu phải luôn coi trọng yếu tố thị trường và phải thực hiện những nhiệm vụ chính như sau:
- Trước tiên là, chuẩn xác hóa và cụ thể hóa mục tiêu nghiên cứu mà ở đây là làm rõ cơ sở lý luận về ĐTPT theo hướng nâng cao hiệu quả và kiến nghị biện pháp đảm bảo ĐTPT ở tỉnh Phú Thọ có hiệu quả cao hơn trong những năm tới.
- Thứ hai là, tổng quan các công trình khoa học đã công bố có liên quan đến ĐTPT với tinh thần bám sát quan điểm nâng cao hiệu quả. Phát hiện những kết quả nghiên cứu trước đây có thể kế thừa cho việc nghiên cứu của luận án.
- Thứ ba là, xác định những nhiệm vụ khoa học cơ bản phải nghiên cứu. Trước hết phải làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về ĐTPT theo hướng nâng cao hiệu quả; các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả ĐTPT; từ đó tiến hành phân tích hiện trạng ĐTPT theo quan điểm nâng cao hiệu quả rồi tiến tới đề xuất giải pháp đảm bảo ĐTPT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ngày càng có hiệu quả cao hơn. Trong khi phân tích hiện trạng ĐTPT phải gắn với việc phân tích các chủ thể tham gia ĐTPT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
- Thứ tư là, sau khi đã nghiên cứu các vấn đề nêu trên phải đưa ra kết luận chung và kiến nghị với chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương để đảm bảo ĐTPT ngày càng có hiệu quả cao; đóng góp thêm cơ sở khoa học phục vụ việc xây dựng chính sách phát triển nói chung và chính sách đầu tư nói riêng theo hướng nâng cao hiệu quả ở tỉnh Phú Thọ.
4. Phương pháp tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp tiếp cận nghiên cứu: Tác giả tiếp cận vấn đề từ lý thuyết đến phân tích thực trạng hiệu quả ĐTPT và rồi đi đến kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả ĐTPT ở tỉnh Phú Thọ đến năm 2020. Tiếp cận hiệu quả ĐTPT như là tiếp cận một bộ phận của hiệu quả chung của nền kinh tế; đồng thời tiếp cận ĐTPT ở tỉnh Phú Thọ trong mối quan hệ mật thiết với sự phát triển của vùng lớn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. ĐTPT không phải là hiện tượng tự thân, nó có quan hệ mật thiết với tất cả các hoạt động kinh tế khác ở Việt Nam cũng như có quan hệ chặt chẽ với những yếu tố kinh tế và yếu tố phi kinh tế.
4.2. Phương pháp nghiên cứu: Để hoàn thành luận án, tác giả sử dụng phổ biến các phương pháp chính: Phương pháp phân tích hệ thống; phương pháp phân tích tổng hợp; phương pháp phân tích thống kê; phương pháp dự báo; phương pháp chuyên gia; phương pháp sơ đồ, biểu đồ, đồ thị, bảng, biểu; phương pháp phân tích chính sách; phương pháp so sánh. Trong quá trình nghiên cứu luận án, tác giả sử dụng tổng hợp các phương pháp để hạn chế bớt những khiếm khuyết của mỗi phương pháp và để đảm bảo độ tin cậy cần thiết cho kết quả nghiên cứu luận án như mục tiêu đã đề ra.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5.1.Đối tượng nghiên cứu: Hoạt động đầu tư theo hướng nâng cao hiệu quả để đảm bảo nền kinh tế của tỉnh Phú Thọ phát triển nhanh và có chất lượng. Trong quá trình nghiên cứu đặt ĐTPT trong mối quan hệ với phát triển kinh tế.
5.2. Phạm vi nghiên cứu: a) Về không gian: Tỉnh Phú Thọ; b). Về thời gian: Hiện trạng ĐTPT được nghiên cứu thời kỳ 2001- 2012; giải pháp đảm bảo ĐTPT theo hướng nâng cao hiệu quả trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 c). Về khoa học: Nghiên cứu ĐTPT theo hướng nâng cao hiệu quả trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và đã bổ sung đánh giá thêm mặt được, mặt chưa được của ĐTPT trong thời gian vừa qua và kiến nghị biện pháp nâng cao hiệu quả đầu tư đến năm 2020 cho tỉnh Phú Thọ.
6. Những đóng góp mới chủ yếu của luận án
6.1.Về mặt lý luận: Làm sáng tỏ quan niệm đúng đắn về ĐTPT theo hướng nâng cao hiệu quả, những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả ĐTPT từ góc nhìn các chủ thể liên quan đến đầu tư, đề xuất hệ thống chỉ tiêu hiệu quả ĐTPT để vận dụng vào nghiên cứu hiệu quả ĐTPT trong điều kiện Việt Nam và cụ thể trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
6.2. Về mặt thực tiễn: Đánh giá mặt được, mặt chưa được của ĐTPT trên quan điểm nâng cao hiệu quả ở tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2001- 2012; xác định được hiệu suất ĐTPT trong thời gian vừa qua, các chỉ tiêu hiệu quả và các chỉ số tương quan giữa đầu tư với tăng trưởng kinh tế, với hiệu suất phát triển và với chuyển dịch cơ cấu phi nông nghiệp; đồng thời xác định được nguyên nhân chủ yếu làm cho hiệu quả ĐTPT thấp. Đề xuất hệ thống giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả ĐTPT cho thời kỳ 2013 - 2020 của tỉnh Phú Thọ.
Ngoài ra, luận án cung cấp cơ sở khoa học cho các cơ quan hoạch định chính sách phát triển nói chung và chính sách đầu tư nói riêng của tỉnh Phú Thọ trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và xây dựng phương án hợp tác liên tỉnh và quốc tế.
7. Kết cấu của luận án
Chương 1: Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan
Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn về đầu tư phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả
Chương 3: Thực trạng hiệu quả đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2001- 2012
Chương 4: Biện pháp nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Phú Thọ