Những đóng góp mới và tóm tắt luận án tiến sĩ của NCS Phạm Ngọc Trụ
27/03/2015 08:28
Đề tài luận án: ĐÔ THỊ TRUNG TÂM VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG
Chuyên ngành: Địa lý học Mã số: 62.31.05.01
Nghiên cứu sinh: Phạm Ngọc Trụ
Người hướng dẫn: GS.TS Lê Thông
Cơ sở đào tạo: Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
1. Những đóng góp mới về mặt học thuật và lý luận
Luận án đã chỉ ra bản chất khoa học của vai trò đô thị trung tâm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng (đặc biệt chỉ ra vai trò gia tăng quy mô kinh tế, nâng cao trình độ phát triển và sự lôi kéo sự phát triển chung của vùng); khẳng định 4 yếu tố ảnh hưởng tới phát triển của đô thị trung tâm (đó là ý chí chính trị của giới quản lý, nhu cầu phát triển của vùng kinh tế lớn, khả năng mở rộng của đô thị trung tâm cũng như ảnh hưởng từ bên ngoài vùng hoặc ngoài nước) và đề xuất hệ thống 7 chỉ tiêu định lượng đánh giá vai trò của các đô thị trung tâm đối với phát triển vùng kinh tế lớn trong điều kiện Việt Nam.
2. Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án
Luận án đã khẳng định rằng, trong giai đoạn 2001-2012 sự phát triển đô thị trung tâm góp phần quyết định việc hiện đại hóa vùng thông qua việc phát triển những ngành công nghiệp mới, những sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ mới có công nghệ cao; góp phần cải thiện dịch vụ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân trong vùng về khám chữa bệnh, đào tạo,… Bên cạnh đó, sự phát triển quá nhanh của các đô thị trung tâm dẫn tới vùng Đồng bằng sông Hồng thiếu kết cấu hạ tầng (nhất là giao thông vận tải), nhà ở làm cho thị trường nhà đất nảy sinh nhiều bất ổn, làm xuất hiện các dòng di cư, lao động từ nông thôn vào đô thị trung tâm, dẫn tới thiếu lao động trẻ ở nông thôn...). Nguyên nhân của những điểm yếu kém chủ yếu phải kể đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đang bộc lộ nhiều hạn chế. Từ đó Luận án đề xuất định hướng phát triển các đô thị trung tâm và 3 giải pháp tăng cường vai trò của chúng đối với phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 một cách có hiệu quả và bền vững.
Luận án kiến nghị Nhà nước cần nhanh chóng ban hành khung luật pháp về phát triển đô thị trung tâm, trong đó cần đổi mới quan niệm về đô thị và đô thị kiểu một đơn vị hành chính. Đồng thời, cần triển khai quy hoạch phát triển hệ thống đô thị trung tâm vùng cho thời kỳ dài hạn khoảng 50-70 năm làm căn cứ để các địa phương tiến hành lập quy hoạch phát triển.
Người hướng dẫn Nghiên cứu sinh
GS.TS Lê Thông Phạm Ngọc Trụ
Quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là từ nửa cuối thế kỷ XX trở lại đây và các đô thị ngày nay đóng vai trò hết sức quan trọng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới là xác định các trọng tâm phát triển đối với các đô thị cho toàn quốc và mỗi vùng lãnh thổ nhằm hình thành những đầu tàu lôi kéo sự phát triển đối với không gian xung quanh. Ở mỗi quốc gia đều có các đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) của vùng mà người ta coi chúng là các đô thị trung tâm (ĐTTT) của vùng. Việc phát huy vai trò của các ĐTTT được coi là biện pháp then chốt để thúc đẩy phát triển KT – XH của vùng. Tuy vậy, cả lý luận và thực tiễn về ĐTTT và vai trò của nó đối với phát triển KT – XH của vùng ở Việt Nam hiện còn nhiều điểm chưa rõ.
Ở Việt Nam, trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến việc phát triển đô thị trên phạm vi quốc gia, trong đó quan tâm đến việc phát triển các ĐTTT vùng như Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ… Cụ thể là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống đô thị của nước ta đến năm 2025, tầm nhìn 2050. Nhưng thực tế phát triển đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều đô thị được xem là ĐTTT nhưng chúng vẫn chưa phát huy được vai trò trung tâm của mình; một số ĐTTT do mở rộng quá nhanh nên thiếu kết cấu hạ tầng (nhất là giao thông vận tải), nhà ở dẫn tới tình trạng tắc nghẽn giao thông phổ biến ở các đô thị này cũng như làm cho thị trường nhà đất không ổn định,… đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của bản thân ĐTTT cũng như của vùng và của cả nước. Trước tình hình đó, giới khoa học và giới quản lý đứng trước những câu hỏi chưa có lời giải (Phát triển đô thị như thế nào trên phạm vi cả nước và ở mỗi vùng kinh tế lớn? Phát huy vai trò của các đô thị ấy trên phạm vi quốc gia cũng như các vùng lãnh thổ như thế nào để thịnh vượng nền kinh tế đất nước cũng như vùng lãnh thổ?…) nhưng cho đến nay cũng chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu sâu về vấn đề này.
Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) hiện là vùng kinh tế quan trọng thứ hai ở nước ta, sau vùng Đông Nam Bộ. Chính vì vậy, việc phát triển KT - XH của vùng này được coi là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với của cả nước. Trong quá trình phát triển vùng ĐBSH, các đô thị (nhất là các ĐTTT) có vai trò quyết định. Song việc nghiên cứu phát triển các ĐTTT ở vùng này chưa nhiều và kết quả đem lại còn ít.
Xuất phát từ thực tiễn như vậy, tác giả chọn vấn đề "Đô thị trung tâm với việc phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng” làm đề tài luận án tiến sĩ của mình.
Làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản vai trò của của ĐTTT đối với phát triển kinh - xã hội vùng; đánh giá rõ thực trạng phát huy vai trò của ĐTTT đối với phát triển vùng ĐBSH; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của ĐTTT đối với sự phát triển của vùng này.
- Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến nội dung đề tài luận án.
- Xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn về ĐTTT và vai trò của chúng với phát triển KT - XH vùng.
- Phân tích hiện trạng phát triển ĐTTT và vai trò của nó trong việc thúc đẩy sự phát triển KT - XH ở vùng ĐBSH.
- Đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao vai trò của các ĐTTT trong việc thúc đẩy phát triển vùng ĐBSH đến năm 2030.
Đối tượng nghiên cứu của luận án là các ĐTTT và vai trò của chúng đối với phát triển KT - XH của vùng ĐBSH, trong đó tác giả tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận, hiện trạng phát triển, vai trò các ĐTTT trong việc thúc đẩy sự phát triển KT - XH cùng các giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao vai trò của các ĐTTT ở địa bàn nghiên cứu.
- Về mặt khoa học: Luận án tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về ĐTTT, hiện trạng phát triển và vai trò của ĐTTT trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh - xã hội ở vùng ĐBSH giai đoạn 2001 - 2012 và các giải pháp chủ yếu để nâng cao vai trò đó nhằm phát triển vùng ĐBSH nhanh và bền vững.
- Về không gian: Địa bàn nghiên cứu của luận án là toàn bộ vùng kinh tế ĐBSH, bao gồm 10 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Trong nghiên cứu này, tác giả tập trung vào phần nội đô thuộc Tp. Hà Nội, Tp. Hải Phòng và Tp. Nam Định (trực thuộc tỉnh Nam Định) - các ĐTTT của vùng ĐBSH.
- Về thời gian: Luận án tập trung nghiên cứu hiện trạng vai trò của các ĐTTT trong việc thúc đẩy phát triển vùng ĐBSH trong giai đoạn 2000 – 2012 và dự báo phát triển đến năm 2030.
Khung lý thuyết nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định các vấn đề (nhiệm vụ) cần giải quyết để đạt được mục đích nghiên cứu đồng thời đó cũng là khái lược quy trình thực hiện để đạt được mục đích đó. Tác giả đề xuất khung lý thuyết nghiên cứu áp dụng cho đề tài luận án "ĐTTT với việc phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng” như sau:
Hình 1. Khung lý thuyết nghiên cứu
(Nguồn: Tác giả đề xuất)
Luận án tiếp cận đối tượng nghiên cứu với tinh thần cơ bản là đi từ nghiên cứu lý thuyết, đến nghiên cứu thực trạng ĐTTT và vai trò của chúng đối với vùng rồi cuối cùng là đề xuất giải pháp nâng cao vai trò của ĐTTT đối với phát triển KT – XH vùng ĐBSH đến năm 2030.
Để hoàn thành việc nghiên cứu luận án, tác giả lựa chọn và sử dụng phổ biến các phương pháp truyền thống và hiện đại theo nguyên tắc đảm bảo tính tổng hợp, tính hệ thống, tính hiện đại và sự phù hợp. Các phương pháp được sử dụng bao gồm: Phương pháp phân tích hệ thống, phương pháp phân tích thống kê, phương pháp phân tích chính sách, phương pháp bản đồ và hệ thông tin địa lý (GIS), phương pháp dự báo, phương pháp chuyên giaphương pháp điều tra, khảo sát thực tế.
5. Những đóng góp mới của luận án
a. Về mặt lý luận
Luận án đã làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về ĐTTT và vai trò của ĐTTT đối với phát triển KT - XH vùng, khẳng định các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển và phát huy vai trò của ĐTTT, đề xuất hệ thống chỉ tiêu phản ánh vai trò của các ĐTTT đối với phát triển vùng kinh tế lớn trong điều kiện Việt Nam.
b. Về mặt thực tiễn
Trên cơ sở vận dụng những vấn đề lý luận đã được làm rõ, luận án đã phân tích mặt được, mặt chưa được và nguyên nhân của những yếu kém trong phát triển và phát huy vai trò ĐTTT đến phát triển KT - XH trong giai đoạn 2001 – 2012. Từ đó, luận án đề xuất định hướng phát triển các ĐTTT và các giải pháp tăng cường vai trò của chúng đối với phát triển hiệu quả, bền vững vùng ĐBSH đến năm 2030.
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, luận án được cấu trúc thành 4 chương chính:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan
Chương 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn về ĐTTT và vai trò của chúng đối với phát triển KT - XH vùng
Chương 3. Thực trạng vai trò của ĐTTT đối với phát triển KT - XH vùng ĐBSH