Những đóng góp mới và tóm tắt luận án tiến sĩ của NCS Phạm Đình Thúy
17/12/2014 09:05
Đề tài luận án: Phát triển ngành cơ khí theo hướng bền vững
Họ và tên NCS: PHẠM ĐÌNH THÚY
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển Mã số: 62.31.01.05
Người hướng dẫn: GS.TS. Đàm Văn Nhuệ và TS. Hoàng Ngọc Phong
Cơ sở đào tạo: Viện Chiến lược phát triển
Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận:
Trên cơ sở tổng quan kết quả nghiên cứu các công trình khoa học có liên quan đã công bố và từ những đúc rút tri thức trong thực tiễn phát triển nói chung và phát triển ngành cơ khí nói riêng ở Việt Nam, Luận án đã đóng góp vào lý thuyết phát triển ngành cơ khí bền vững. Cụ thể đã làm rõ nhận thức và tư duy mới về phát triển ngành cơ khí bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khẳng định các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển ngành cơ khí bền vững; xác định những điều kiện cần thiết để phát triển ngành cơ khí bền vững. Luận án khẳng định hiệu suất phát triển là yếu tố hạt nhân, cốt lõi của phát triển bền vững. Đồng thời, kiến nghị hệ thống chỉ tiêu đánh giá phát triển ngành cơ khí bền vững để vận dụng vào việc nghiên cứu phát triển ngành cơ khí của nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển các chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu.
Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của Luận án:
1. Trên cơ sở vận dụng những vấn đề lý luận đã được làm rõ, Luận án đã tiến hành phân tích hiện trạng để phát hiện những mặt được, mặt chưa được và nguyên nhân của những yếu kém trong quá trình phát triển ngành cơ khí ở nước ta trong thời kỳ 2001-2012. Luận án đã kiến nghị những giải pháp cơ bản (trong đó đặc biệt nhấn mạnh lấy hiện đại hóa làm phương thức phát triển, xây dựng những tập đoàn cơ khí mạnh của người Việt Nam, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hình thành các Cluster ngành cơ khí) để phát triển ngành ngành cơ khí bền vững của Việt Nam đến năm 2020.
2. Để phát triển kinh tế, toàn ngành công nghiệp nói chung và phát triển CNCK nói riêng, nhất thiết phải tổ chức nghiên cứu xây dựng đề án phát triển ngành công nghiệp này đủ căn cứ khoa học và có tầm nhìn dài hạn cũng như có tính tới bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế.
3. Đề nghị Nhà nước ban hành khung luật pháp nhằm tạo thuận lợi hơn cho phát triển ngành CNCK; đồng thời, phải có chính sách ưu tiên nguồn lực tài chính và xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành CNCK trong những năm tới. Để có chiến lược phát triển CNCK có chất lượng, Nhà nước nên thành lập cơ quan đánh giá chất lượng phát triển CNCK Việt Nam cho thời kỳ dài hạn và hình thành Trung tâm thu thập, xử lý và cung cấp thông tin đủ mức, kịp thời, chính xác cho các doanh nghiệp cơ khí của nước ta. Đồng thời tăng cường điều hành vĩ mô gắn với kiểm soát tốt rủi ro đối với phát triển CNCK ở nước ta.
Giáo viên hướng dẫn: | Nghiên cứu sinh |
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong bối cảnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, việc phát triển ngành cơ khí (NCK) theo hướng bền vững càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua NCK của nước ta chưa phát triển như mong muốn, chưa tương xứng với yêu cầu CNH, HĐH đất nước. Đồng thời, trong việc hoạch định chính sách và đánh giá sự phát triển đối với NCK còn có nhiều ý kiến khác nhau. Không ít ý kiến cho rằng, một mặt Nhà nước chưa có chiến lược phát triển NCK đúng tầm; chính sách của nhà nước lại chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp này; mặt khác các doanh nghiệp chưa thật sự coi trọng phát triển NCK. Một số khác cho rằng, NCK của nước ta đã được chú ý phát triển nhưng sự phát triển của nó chưa có nền tảng, còn thiếu bền vững và kém hiệu quả. Đồng thời, để nhận biết rõ về vị trí, vai trò của NCK trong quá trình thực thi công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như làm thế nào để phát triển NCK một cách hiệu quả và bền vững ở nước ta cũng chưa hoàn toàn rõ cả về mặt lý luận và thực tiễn. Trước tình hình ấy tác giả chọn vấn đề "Phát triển ngành cơ khí theo hướng bền vững” làm đề tài luận án tiến sĩ của mình.
2. Mục tiêu nghiên cứu
a- Về mặt lý luận: Trên cơ sở tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan ở trong và ngoài nước đã công bố và từ những đúc rút tri thức trong thực tiễn phát triển ở Việt Nam, luận án làm rõ những vấn đề lý luận chủ yếu về phát triển NCK theo hướng bền vững trong quá trình CNH, HĐH ở Việt Nam (nổi bật như quan niệm phát triển NCK bền vững, các yếu tố ảnh hưởng và điều kiện để phát triển NCK bền vững, quan sát kinh nghiệm quốc tế, xác định chỉ tiêu đánh giá phát triển NCK bền vững,…) để vận dụng vào nghiên cứu phát triển NCK của nước ta có hiệu quả và bền vững có tính tới bối cảnh toàn cầu hóa.
b- Về mặt thực tiễn: Vận dụng những vấn đề lý luận đã được làm rõ, tiến hành phân tích hiện trạng và xác định giải pháp đảm bảo phát triển bền vững NCK ở nước ta đến năm 2020; làm cơ sở khoa học phục vụ hoạch định chính sách phát triển nói chung và chính sách phát triển NCK nói riêng ở Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
+ Đối tượng nghiên cứu: ngành cơ khí trong trạng thái phát triển bền vững.
+ Phạm vi nghiên cứu: a) Về không gian nghiên cứu: là trên phạm vi cả nước. b) Về thời gian nghiên cứu: là giai đoạn 2001-2012 và 2014-2020; và c) Về mặt khoa học: NCK theo hướng bền vững, yếu tố ảnh hưởng tới phát triển bền vững của NCK và hệ thống chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững của NCK, hiện trạng phát triển NCK và giải pháp phát triển NCK Việt Nam theo hướng bền vững đến năm 2020.
4. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án
Tác giả tiến hành tổng quan 92 công trình (trong đó có 4 công trình tiếng nước ngoài) đã công bố liên quan tới yêu cầu nghiên cứu của luận án. Trên cơ sở tổng quan, tìm ra những điểm có thể kế thừa và xác định những điểm mà luận án cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu. Nhìn chung, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như chuyên gia công nghiệp tương đối thống nhất cho rằng, theo nghĩa là ngành sản xuất hàng hóa vật chất, công nghiệp trở thành đầu tàu của nền kinh tế thế giới, nhất là của các nền kinh tế ở Châu Âu và Bắc Mỹ trong các cuộc cách mạng công nghiệp. Chương trình khoa học cấp nhà nước mã số KC.03/11-15 cho rằng, NCK Việt Nam nên được xem là cơ khí chế tạo với 7 nhóm chính: đúc, chế tạo trong khuôn, định hình, cắt gọt, liên kết, chế tạo nhanh và nhóm khác. NCK phát triển dựa trên nền tảng 7 nhóm công nghệ liên ngành và tích hợp chủ yếu như: Điện tử, cơ điện tử và tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông và di động, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng và công nghệ môi trường. NCK phát triển từ thấp đến cao theo đà phát triển của công nghiệp cũng như của kỹ thuật công nghệ. Nhiều người cho rằng, quá trình phát triển của NCK một mặt phụ thuộc vào quá trình phát triển chung của các quốc gia và quá trình phát triển của tiến bộ khoa học công nghệ; mặt khác nó có vai trò quyết định hiện đại hóa nền kinh tế. Quan hệ giữa phát triển NCK và CNH, HĐH mang tính tương tác hai chiều. Nếu người Mỹ và người Anh mất khoảng 80-100 năm để có được nền công nghiệp phát triển thì Nhật Bản và các nước công nghiệp mới ở Đông Á (NICs) chỉ mất khoảng 35-38 năm. Tức là người ta có thể rút ngắn thời gian để có được nền công nghiệp phát triển. Theo W.W.Rostow (nhà kinh tế học người Mỹ), sự phát triển của xã hội loài người có thể phân chia thành 5 "giai đoạn trưởng thành về kinh tế”: (1) Giai đoạn xã hội truyền thống; (2) Giai đoạn tạo tiền đề để "cất cánh”; (3) Giai đoạn cất cánh; (4) Giai đoạn trưởng thành, quần chúng tiêu dùng ở mức cao và sau đó là (5) Giai đoạn theo đuổi chất lượng sống. W.W. Rostow nhấn mạnh nhân tố mang tính quyết định của sự cất cánh là kỹ thuật mới được áp dụng mà kỹ thuật mới bao giờ cũng được áp dụng vào ngành công nghiệp cụ thể, trong đó NCK giữ vai trò nòng cốt. Ngày nay, trong bối cảnh kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ trên cơ sở có sự phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ, NCK cũng đã có sự thay đổi đáng kể mà bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển NCK cũng không thể xem nhẹ hoặc không chú ý. Các nhà chuyên môn cho rằng, sự thay đổi đó theo các xu hướng chính sau đây: a) Quốc tế hóa sản xuất sản phẩm cơ khí; b) Di chuyển thị trường sản phẩm cơ khí; c) Liên kết NCK với công nghiệp điện tử thành ngành công nghiệp cơ điện tử - một ngành công nghiệp đầy tiềm năng. Nội dung trung tâm của thực hiện CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức là lựa chọn phương thức phát triển để có thể bỏ qua một số thế hệ công nghệ trung gian, đi thẳng vào công nghệ cao, công nghệ mới nhằm nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao. Nói đến NCK không thể không nói tới CNH, HĐH để đất nước phát triển, giàu có, bởi nó giữ vai trò then chốt của quá trình này. Trong khi nghiên cứu về tình hình sản xuất và phân bố NCK của thế giới, cho biết NCK trên thế giới chế tạo ra đủ loại sản phẩm phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng. Các nước kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Nga đi đầu trong lĩnh vực này bởi vì nó đã được phát triển và hoàn thiện qua hai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai. Trình độ phát triển và công nghệ ở các quốc gia trên đã đạt tới đỉnh cao gắn với các ngành công nghiệp kỹ thuật điện, máy móc, thiết bị chính xác, công nghiệp hàng không, vũ trụ. Các sản phẩm của NCK rất phong phú và đa dạng.
Đến nay nhìn chung chưa có học giả nào đề cập phát triển NCK theo hướng bền vững, đặc biệt họ chưa đề cập hệ thống chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững đối với NCK trong điều kiện Việt Nam. Để đánh giá chất lượng phát triển (mà nội hàm của nó là hiệu quả và bền vững) học giả Ngô Doãn Vịnh cho rằng, phải sử dụng hàng loạt các chỉ tiêu: a- Nhóm chỉ tiêu tăng một cách tương đối ổn định. Nhóm này gồm các chỉ tiêu chủ yếu như: (1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế; (2) Năng suất lao động gắn với con người được phát triển toàn diện; (3) Hiệu suất sử dụng vốn đầu tư; (4) Hiệu suất sử dụng tài nguyên (kể cả hiệu suất sử dụng nguyên liệu); (5) Sức cạnh tranh của nền kinh tế; (6) Độ mở của nền kinh tế; (7) An toàn, an ninh xã hội một cách ổn định; b- Nhóm chỉ tiêu giảm một cách tương đối ổn định; Nhóm này gồm các chỉ tiêu chủ yếu: (8) Mức tiêu tốn năng lượng (hoặc tiêu tốn điện năng) để tạo ra một đơn vị GDP (đây chính là hiệu suất sử dụng điện năng); (9) Tỷ lệ thất nghiệp; (10) Tỷ lệ đói nghèo; (11) Mức độ ô nhiễm môi trường; (12) Tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông và tai nạn lao động. Tư tưởng này tác giả luận án có thể kế thừa được nhiều điểm.
Bên cạnh việc tổng quan các công trình nghiên cứu khoa học có liên quan, tác giả còn tìm hiểu một số trường hợp phát triển NCK như của Singapore, Nhật Bản, Mỹ, EU, Nga và Ấn Độ. Từ việc nghiên cứu phát triển NCK của một số quốc gia trên thế giới cho phép rút ra một số nhận xét quan trọng để phát triển NCK của nước nhà như sau: a) Nhà nước phải có quan tâm về mặt chính trị và ý chí chính trị mạnh mẽ về phát triển NCK; b) Nhà nước ban hành những chính sách cần thiết mang tính khuyến khích đủ đảm bảo hấp dẫn các nhà đầu tư đầu tư vốn để phát triển NCK; c) Nhà nước có chính sách đào tạo nhân lực cho NCK một cách thiết thực; đồng thời; d) Nhà nước có chính sách đặc biệt ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhằm nhanh chóng có sự phát triển vượt bậc về công nghệ và mở mang thị trường quốc tế tạo tiền đề cho NCK phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
5- Khung lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
5.1- Khung lý thuyết nghiên cứu luận án. Với phương châm tiếp cận hệ thống và trên quan điểm tuân thủ lôgich khoa học luận chứng, luận án được nghiên cứu theo tinh thần của sơ đồ tổng quát dưới đây:
Hình 1: Khung lý thuyết nghiên cứu
Khung lý thuyết nghiên cứu chỉ ra một cách tổng quát các câu hỏi khoa học cần nghiên cứu và cần trả lời để đạt được mục tiêu đề ra đối với luận án. Nó chỉ rõ những công việc nghiên cứu phải triển khai để hoàn thành luận án một cách có chất lượng, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của một luận án tiến sĩ.
5.2- Phương pháp nghiên cứu. Luận án sử dụng phổ biến các phương pháp chủ yếu sau đây: Phương pháp phân tích hệ thống, Phương pháp phân tích thống kê, Phương pháp dự báo, Phương pháp sử dụng chuyên gia, Phương pháp sơ đồ bảng biểu, Phương pháp phân tích chính sách. Trong quá trình nghiên cứu luận án, tác giả đã sử dụng tổng hợp các phương pháp để hạn chế bớt những khiếm khuyết của mỗi phương pháp và đảm bảo độ tin cậy cần thiết có được kết quả nghiên cứu như mục tiêu đề ra.
6- Những đóng góp mới
a) Kiến nghị quan niệm mới, nội dung phát triển NCK theo hướng bền vững; các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển NCK bền vững và đề xuất bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững đối với NCK trong điều kiện thực tế của Việt Nam.
b) Sau khi phát hiện những yếu kém trong quá trình phát triển NCK trên quan điểm bền vững trong những năm 2001-2012, tác giả kiến nghị 5 biện pháp cơ bản để đảm bảo NCK Việt Nam phát triển có hiệu quả và bền vững ở thời kỳ 2013-2020, cung cấp cơ sở khoa học cho các nhà hoạch định chính sách phát triển nói chung và phát triển NCK nói riêng ở nước ta.
7- Kết cấu luận án
Nội dung luận án được kết cấu thành 4 chương:
- Chương I: Tổng quan tình hình nghiên cứu;
- Chương II: Những vấn đề lý luận về phát triển NCK theo hướng bền vững;
- Chương III: Hiện trạng phát triển NCK Việt Nam giai đoạn 2001-2012;
- Chương IV: Giải pháp đảm bảo phát triển bền vững NCK của Việt Nam đến năm 2020.
Tiếp theo là danh mục các công trình khoa học đã công bố.