Những đóng góp mới và tóm tắt luận án tiến sĩ của NCS Nguyễn Thị Thoa

11/12/2014 16:03


NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Ảnh hưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới đô thị hóa theo hướng bền vững ở Đà Nẵng

Chuyên ngành: Kinh tế phát triển Mã số: 62 31 01 05

Nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Thoa

Người hướng dẫn: 1. GS.TS. Đỗ Đức Bình 2. TS. Trần Hồng Quang

Cơ sở đào tạo: Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1.Những đóng góp mới về học thuật, lý luận

Luận án đã chỉ ra rằng: việc nghiên cứu đô thị hóa trong mối quan hệ với FDI là có cơ sở lý luận vững chắc. Luận án đã hệ thống hóa những vấn đề cốt yếu và xây dựng khung lý thuyết nghiên cứu về ảnh hưởng của FDI tới đô thị hóa theo hướng bền vững.

Luận án đã xây dựng hệ thống chỉ tiêu (5 nhóm chỉ tiêu) làm cơ sở để đánh giá định lượng về ảnh hưởng của FDI tới đô thị hóa.

Luận án đã nêu lên 4 nhân tố quyết định mức độ và chiều hướng ảnh hưởng của FDI tới đô thị hóa theo hướng bền vững bao gồm: nhóm nhân tố về chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch đô thị; nhóm nhân tố về chính sách thu hút, sử dụng và quản lý FDI; nhóm nhân tố về trình độ phát triển của nền kinh tế; nhân tố nhà đầu tư nước ngoài.

2.Những phát hiện, đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Kết quả nghiên cứu, khảo sát ảnh hưởng của FDI tới đô thị hóa ở Đà Nẵng cho thấy:

Ảnh hưởng của FDI tới phát triển kinh tế xã hội và đô thị hóa ở mỗi quốc gia, mỗi địa phương là hiện tượng tồn tại khách quan trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng phát triển nhanh là nhờ thu hút FDI. Luận án đã làm rõ 6 ảnh hưởng tích cực và 3 ảnh hưởng tiêu cực của FDI tới đô thị hóa theo hướng bền vững.

Luận án đã phân tích thực trạng ảnh hưởng của FDI tới đô thị hóa theo hướng bền vững ở Đà Nẵng. FDI ảnh hưởng tới gia tăng quy mô, tốc độ đô thị hóa; tăng cường hiện đại hóa kinh tế và không gian đô thị; hiện đại hóa xã hội đô thị; ảnh hưởng tới môi trường đô thị và an ninh quốc phòng. FDI còn ảnh hưởng gián tiếp tới đô thị hóa thông qua lôi kéo, kích thích tăng đầu tư trong nước. Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương chính sách đúng đắn và từng bước thực hiện thành công chủ trương này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn chưa được giải quyết triệt để về cả phương diện chính sách lẫn thực thi chính sách. Mức độ ảnh hưởng tích cực của FDI tới đô thị hóa chưa mạnh trong khi đó vẫn còn có những ảnh hưởng tiêu cực. Luận án đã phân tích những nguyên nhân của thành công và những hạn chế trong việc phát huy những ảnh hưởng của FDI tới đô thị hóa theo hướng bền vững ở Đà Nẵng.

Luận án đã tập trung đề xuất những quan điểm, định hướng và các giải pháp phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của FDI tới đô thị hóa theo hướng bền vững ở Đà Nẵng tới 2025. Theo định hướng đó, Đà Nẵng cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong cơ cấu thu hút FDI theo hướng tăng cường dự án đầu tư có quy mô vốn lớn, công nghệ hiện đại gắn với các đối tác chiến lược tiềm năng. Trong 6 nhóm giải pháp đưa ra, tác giả đặc biệt trú trọng tới giải pháp phát huy vai trò của chính quyền trong xây dựng quy hoạch phát triển đô thị; xây dựng định hướng thu hút FDI, cũng như trong chỉ đạo thực thi chính sách thu hút, sử dụng và quản lý FDI.

Người hướng dẫn 1                   Người hướng dẫn 2                       Nghiên cứu sinh

GS.TS. Đỗ Đức Bình              TS. Trần Hồng Quang                   Nguyễn Thị Thoa
=================

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài luận án

Trong phát triển đô thị, đô thị hóa (ĐTH) là quá trình biến đổi quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, quá trình ĐTH của các thành phố trên toàn thế giới đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ FDI. Đà Nẵng cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó. Dưới ảnh hưởng của FDI, quá trình ĐTH ở Đà Nẵng diễn ra nhanh chóng, tạo nên những tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội và đô thị. Tuy nhiên, không chỉ có những ảnh hưởng tích cực, FDI còn gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực tới ĐTH. Song ở cấp quốc gia cũng như cấp địa phương vấn đề này đang còn nhiều vướng mắc cả về lý luận và hoạt động thực tiễn. Hiện chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu ảnh hưởng của FDI tới đô thị hóa trên phạm vi cả nước cũng như ở địa bàn Đà Nẵng. FDI là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình ĐTH nhưng Đà Nẵng chưa khai thác hiệu quả ảnh hưởng này để phục vụ đô thị hóa. Việc tìm ra định hướng thu hút FDI và tìm giải pháp để phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế tiêu cực của FDI tới đô thị hóa ở Đà Nẵng là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết. Trong bối cảnh đó, tác giả chọn vấn đề "Ảnh hưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới đô thị hoá theo hướng bền vững ở Đà Nẵng” làm đề tài luận án tiến sĩ của mình.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Từ việc xây dựng cơ sở lý luận và đánh giá thực tiễn về ảnh hưởng của FDI tới đô thị hóa theo hướng bền vững, tiến tới xây dựng định hướng thu hút, sử dụng và quản lý FDI; đề xuất biện pháp để phát huy có hiệu quả những ảnh hưởng tích cực và hạn chế tiêu cực của FDI đến đô thị hóa theo hướng bền vững ở Đà Nẵng tới năm 2025.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án

* Đối tượng: Luận án tập trung nghiên cứu FDI và ảnh hưởng (tích cực, tiêu cực) của nó tới ĐTH theo hướng bền vững đối với Đà Nẵng; đồng thời nghiên cứu biện pháp nâng cao hiệu quả ảnh hưởng FDI tới quá trình ĐTH ở Đà Nẵng.

* Phạm vi nghiên cứu: a) Phạm vi nội dung: Ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của FDI tới ĐTH theo hướng bền vững ở Đà Nẵng. b) Phạm vi không gian: Luận án nghiên cứu ảnh hưởng của FDI tới ĐTH theo hướng bền vững ở Đà Nẵng (do hạn chế về thông tin về huyện đảo Hoàng Sa nên tác giả chỉ tập trung vào nghiên cứu 6 quận nội thành và huyện Hoà Vang, chưa nghiên cứu huyện đảo Hoàng Sa). Trong quá trình nghiên cứu, tác giả kết hợp quan sát mối quan hệ với duyên hải miền Trung và cả nước. c) Phạm vi thời gian: Hiện trạng nghiên cứu giai đoạn từ 2005 – 2013; đề xuất giải pháp thực hiện cho giai đoạn tới năm 2025.

4. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu:

* Cách tiếp cận nghiên cứu trong luận án:

Cách tiếp cận nghiên cứu theo 4 bước với nội dung chủ yếu như (Hình 0.1)

* Phương pháp nghiên cứu. Tác giả sử dụng một số phương pháp như: Phương pháp phân tích hệ thống, phân tích thống kê, so sánh, chuyên gia, dự báo. Ngoài ra, tác giả chú trọng phân tích các chính sách, sử dụng mô hình SWOT và các bản đồ, biểu đồ, hệ thống thông tin địa lý, khảo sát thực địa và tham vấn các nhà quản lý.

Hình 0.1. Quy trình nghiên cứu ảnh hưởng của FDI tới đô thị hóa ở Đà Nẵng

(Nguồn: Đề xuất của tác giả)

5. Những đóng góp mới của luận án

Về mặt lý luận: Làm rõ thêm một số vấn đề lý luận về ảnh hưởng của FDI tới ĐTH theo hướng bền vững đối với thành phố trong điều kiện Việt Nam; đề xuất hệ thống chỉ tiêu đánh giá ảnh hưởng của FDI tới ĐTH theo hướng bền vững.

Về mặt thực tiễn: Đánh giá hiện trạng ảnh hưởng của FDI tới ĐTH; kiến nghị quan điểm, định hướng thu hút vốn FDI đến 2025 và giải pháp phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của FDI tới đô thị hóa theo hướng bền vững hơn ở Đà Nẵng trong thời kỳ tới.

6. Kết cấu của luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và các phụ lục, nội dung của luận án được cấu trúc thành 4 chương chính: Chương 1. Tổng quan các công trình nghiên cứu đã công bố có liên quan; Chương 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn về ảnh hưởng của FDI tới ĐTH ở một địa phương trong điều kiện Việt Nam; Chương 3. Thực trạng ảnh hưởng của FDI tới đô thị hóa theo hướng bền vững ở Đà Nẵng trong giai đoạn 2005 – 2013; Chương 4. Định hướng và giải pháp phát huy ảnh hưởng của FDI tới đô thị hoá ở Đà Nẵng đến 2025.
Nội dung luận án