Những đóng góp mới và luận án tiến sĩ của NCS Nguyễn Thị Hằng

23/07/2018 09:38


Tên đề tài: Phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn đến năm 2030

Chuyên ngành: KINH TẾ PHÁT TRIỂN                                          Mã số: 9310105

Nghiên cứu sinh: NGUYỄN THỊ HẰNG                                           Khóa đào tạo: 12

Người hướng dẫn 1: TS ĐẶNG QUỐC TUẤN

Người hướng dẫn 2: PGS.TS BÙI TẤT THẮNG

Cơ sở đào tạo: Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Về mặt lý luận

Luận án góp phần hoàn thiện thêm những vấn đề lý luận liên quan đến phát triển công nghiệp đối với địa phương cấp tỉnh. Chỉ ra các đặc điểm, nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển ngành công nghiệp, trình độ công nghiệp của địa phương trong điều kiện hội nhập toàn cầu, phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Từ đó xác định những vấn đề lý luận và thực tiễn đối với việc phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên;

Luận án góp phần làm sáng tỏ khái niệm về phát triển công nghiệp, vai trò của công nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế của một địa phương. Đồng thời, phân tích có chọn lọc các lý thuyết liên quan đến phát triển công nghiệp, gồm (1) Lý thuyết cực tăng trưởng; (2) Lý thuyết cụm liên kết ngành; (3) Lý thuyết chuỗi giá trị; (4) Lý thuyết định vị công nghiệp. Điều đó đã đặt nền móng cho việc phân tích xuyên suốt về tình hình phát triển ngành công nghiệp trong giai đoạn hiện nay, phải biết phát huy lợi thế so sánh trên cơ sở kết hợp với các lãnh thổ khác để tạo ra tính liên vùng nhằm chuyển dịch lại cơ cấu ngành công nghiệp. Luận án đã bổ sung thêm vào khung phân tích các tiêu chí làm thước đo đánh giá sự phát triển của ngành công nghiệp một tỉnh, bao gồm các tiêu chí về quy mô, chất lượng và cơ cấu.

2. Về mặt thực tiễn

Luận án đã sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá để đánh giá được mức độ tác động của các nhân tố đến sự phát triển ngành công nghiệp Thái Nguyên. Từ những nghiên cứu về tình hình thực tiễn phát triển công nghiệp của một số địa phương thành công trong nước, luận án đã rút ra được một số kinh nghiệm mà Thái Nguyên có thể học tập được trong quá trình phát triển công nghiệp địa phương: (1) phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên trên cơ sở tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh; (2) Ban hành chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển; (3) tập trung phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và một số lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn mà tỉnh có lợi thế. Trên nền tảng đó, luận án đã phân tích chi tiết về thực trạng phát triển của ngành công nghiệp Thái Nguyên từ năm 2000 đến năm 2017 theo các nhóm tiêu chí đã được đề xuất. Thiết kế được mô hình cụm liên kết ngành công nghiệp Samsung Thái Nguyên, tạo cơ sở để nhân rộng và phát triển tổ chức lãnh thổ công nghiệp của địa phương.

Luận án đề xuất các quan điểm, định hướng và các giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp Thái Nguyên giai đoạn đến năm 2030. Hướng phát triển tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp có lợi thế, ưu tiên, các ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển cụm ngành, tạo ra sự kết nối, cơ chế lan tỏa tới các lĩnh vực và lãnh thổ công nghiệp khác. Từ đó, góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây có thể là tài liệu tham khảo bổ ích cho cán bộ giảng dạy, nhà khoa học, viện nghiên cứu và sinh viên thuộc chuyên ngành kinh tếphát triển, kinh tế công nghiệp, là căn cứ hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đề ra kế hoạch, chiến lược phát triển công nghiệp đối với một địa phương cấp tỉnh như Thái Nguyên.
 

Người hướng dẫn 1

TS Đặng Quốc Tuấn

Người hướng dẫn 2

PGS.TS Bùi Tất Thắng

Nghiên cứu sinh

Nguyễn Thị Hằng