Những đóng góp mới và luận án tiến sĩ của NCS Nguyễn Huy Lương
25/01/2018 16:10
Đề tài luận án: Thực trạng và giải pháp nâng cao trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển Mã số: 62 31 01 05
Nghiên cứu sinh: Nguyễn Huy Lương
Người hướng dẫn: PGS.TS Bùi Tất Thắng
Cơ sở đào tạo: Viện Chiến lược phát triển
1. Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
a) Đề tài luận án đã nêu ba khái niệm mới sau:
- Tỉnh/nước công nghiệp, hiện đại là tỉnh/nước đã sử dụng phổ biến sức lao động kết hợp với công nghệ, phương pháp tiên tiến, hiện đại trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội; có cơ cấu GRDP/GDP và cơ cấu lao động hợp lý; năng suất lao động xã hội cao; xã hội tiến bộ và công bằng; môi trường sinh thái được bảo vệ; người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
- Trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của một tỉnh/nước là mức độ đạt được tính đến một mốc thời gian nhất định so với chuẩn tỉnh/nước công nghiệp hiện đại mà tỉnh/nước đó hướng tới cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
- Nâng cao trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của một tỉnh/nước bao gồm các hoạt động, các quá trình làm cho trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh/nước đó tăng lên một lượng điểm nhất định sau một khoảng thời gian nhất định (1 năm, 3 năm,...).
b) Đã đề xuất Bộ tiêu chí tỉnh công nghiệp hiện đại gồm 12 tiêu chí chính sau:
- Về kinh tế gồm 4 tiêu chí: (1) GRDP bình quân đầu người (USD theo tỉ giá hối đoái) ≥ 5.000 USD; (2) Tỉ trọng giá trị tăng thêm nông nghiệp (VANN) < 20%; (3) Tỉ lệ đô thị hóa > 40%; (4) Tỉ lệ xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới > 50%.
- Về xã hội gồm 5 tiêu chí: (5) Tỉ trọng lao động nông nghiệp < 40%; (6) Chỉ số phát triển con người theo phương pháp cũ (HDI) > 0,82; (7) Tỉ lệ lao động qua đào tạo (đã có chứng chỉ trở lên) > 60%; (8) Tỉ lệ hộ nghèo < 5%; (9) Số bác sĩ trên 1 vạn dân > 10 bác sĩ.
- Về môi trường gồm 3 tiêu chí: (10) Tỉ lệ đất có rừng so với diện tích đất lâm nghiệp đạt 100%; (11) Tỉ lệ dân số thành thị được sử dụng nước sạch đạt 100%; (12) Tỉ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
c) Đã xây dựng hai phương pháp xác định trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của một tỉnh:
- Phương pháp Trực tiếp (một bước): Việc xác định điểm phản ánh tổng hợp trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa chung của một tỉnh được tổng hợp trực tiếp từ điểm của từng tiêu chí và các trọng số cấp ba tương ứng từng tiêu chí.
- Phương pháp Gián tiếp (hai bước): Việc xác định điểm phản ánh tổng hợp trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa chung của một tỉnh thông qua điểm của ba nhóm tiêu chí: kinh tế, xã hội, môi trường và theo hai bước: 1) Xác định điểm đạt được của từng nhóm tiêu chí (kinh tế, xã hội và môi trường); 2) Xác định điểm phản ánh trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hóa chung của tỉnh.
2. Những phát hiện, đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án:
a) Đã xếp hạng, phản ánh được thực trạng trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Phú Thọ đến năm 2015: Phú Thọ đạt 59,87/100 điểm, xếp thứ tư trong 14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
b) Đã nêu 6 quan điểm, đề xuất ba nhóm với 17 giải pháp để nâng cao trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn trỉnh Phú Thọ đến năm 2030.
3. Khả năng ứng dụng luận án trong thực tiễn và những vấn đề cần nghiên cứu tiếp:
a) Khả năng ứng dụng: Bộ tiêu chí tỉnh công nghiệp hiện đại và phương pháp đánh giá trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa một tỉnh do luận án đề xuất có khả năng áp dụng cho một tỉnh hằng năm.
b) Những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu: Nghiên cứu ứng dụng kết quả luận án cho phạm vi cả nước, và phạm vi một huyện hằng năm.
Ngày 20 tháng 11 năm 2017
NGƯỜI HƯỚNG DẪN PGS.TS Bùi Tất Thắng
| NGHIÊN CỨU SINH Nguyễn Huy Lương
|