Những đóng góp mới và luận án tiến sĩ của NCS Lê Huy Đoàn

04/09/2018 15:09


Đề tài luận án: Nâng cao chất lượng tăng trưởng ngành công nghiệp Việt Nam

Chuyên ngành: Kinh tế Phát triển                                                Mã số: 9310105

Nghiên cứu sinh: Lê Huy Đoàn

Người hướng dẫn: PGS. TS. Nguyễn Ngọc Sơn

Cơ sở đào tạo: Viện Chiến lược phát triển

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Luận án tổng quan các vấn đề lý luận liên quan đến chất lượng tăng trưởng ngành; đề xuất hệ thống tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng ngành nói chung và ngành công nghiệp nói riêng của nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế.

Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Chất lượng tăng trưởng của ngành công nghiệp là khái niệm phản ánh nội dung bên trong của quá trình tăng trưởng, biểu hiện ở phương tiện, phương thức, mục tiêu và hiệu ứng đối với môi trường chứa đựng tăng trưởng đó. Chất lượng tăng trưởng cao của ngành công nghiệp là sự tăng trưởng với nhịp độ cao, hiệu quả và bền vững thể hiện qua cơ cấu nội bộ ngành phù hợp với trình độ công nghệ, tiềm năng, thế mạnh của ngành; năng suất nhân tố tổng hợp, năng suất lao động, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản phẩm cao; có khả năng tiết kiệm năng lượng, sản xuất có tính cạnh tranh cao; không ngừng nâng cao vị trí của các phân ngành công nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu và có khả năng bảo vệ môi trường. Có thể đánh giá chất lượng tăng trưởng của ngành công nghiệp theo ba nhóm tiêu chí: (1) Đánh giá cấu trúc của tăng trưởng; (2) Đánh giá hiệu quả đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng và (3) Tác động lan toả của tăng trưởng công nghiệp tới nền kinh tế. Có thể đánh giá 11 chỉ tiêu cụ thể.

Chất lượng tăng trưởng công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2001-2015 được đánh giá ở ba khía cạnh. Thứ nhất, cấu trúc tăng trưởng công nghiệp là chưa hợp lý cả về chiều rộng lẫn chiều sâu mà biểu hiện là các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động phát triển không đạt hiệu quả như mong đợi, giá trị gia tăng không cao khi chỉ tham gia vào những công đoạn sản xuất có tỷ lệ giá trị gia tăng thấp nhất; và đóng góp của công nghệ, cải tiến kỹ thuật cho tăng trưởng còn kém. Thứ hai, tăng trưởng công nghiệp đạt tốc độ cao nhưng hiệu quả tăng trưởng thấp, thể hiện ở năng suất lao động thấp, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư không cao, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị tổng sản lượng thấp và ngày càng giảm do cơ cấu sản xuất công nghiệp chưa hợp lý, chưa phát huy được lợi thế so sánh của Việt Nam trong sản xuất công nghiệp. Cuối cùng, nhưng đóng góp của công nghiệp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế có xu hướng giảm dần do hiệu quả sản xuất thấp; tác động xấu tới môi trường.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng của tình trạng chất lượng tăng trưởng chưa cao của ngành công nghiệp Việt Nam như quan điểm phát triển công nghiệp, chất lượng quy hoạch công nghiệp thấp; nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp trong thời kỳ hội nhập; trình độ công nghệ, tiến trình cổ phần hoá; và khả năng phát triển công nghiệp phụ trợ. Một số gợi ý giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng công nghiệp là: (1) Nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp; (2) nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong sản xuất công nghiệp ở mọi thành phần kinh tế; (3) Khuyến khích ứng dụng và đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp; (4) Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về nhân lực trong phát triển công nghiệp; (5) Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường; (6) Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm cải thiện tỷ lệ giá trị gia tăng trong tổng sản lượng công nghiệp do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu đắt đỏ ở thị trường thế giới; và cuối cùng (7) Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận doanh nghiệp này, góp phần tạo một sân chơi bình đẳng, có tác dụng khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp ở mọi thành phần kinh tế cùng phát triển.

Các nhóm tiêu chí có thể được dùng để đánh giá chất lượng tăng trưởng của các ngành sản xuất, số lượng tiêu chí có thể được mở rộng hoặc thu hẹp tuỳ thuộc vào độ sẵn có của số liệu.

Người hướng dẫn

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Sơn

Nghiên cứu sinh

Lê Huy Đoàn

Tóm tắt luận án