Những đóng góp mới và luận án tiến sĩ của NCS Cao Chu Sơn
28/06/2016 16:17
Đề tài luận án: Nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển Mã số: 62.31.01.05
Nghiên cứu sinh: Cao Chu Sơn
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Thái Bá Cẩn và TS. Nguyễn Bá Ân
1. Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận
Một là, từ việc làm rõ nhận thức về ý nghĩa của văn hóa trong phát triển luận án chỉ ra vai trò quan trọng của đầu tư phát triển văn hóa; đồng thời chỉ rõ bốn nhóm yếu tố ảnh hưởng tới kết quả và hiệu quả của đầu tư phát triển văn hóa; khẳng định vai trò của Nhà nước đối với hiệu quả phát triển văn hóa nói chung và hiệu quả đầu tư phát triển văn hóa nói riêng.
Hai là, luận giải cụ thể: luận án đề xuất hệ thống gồm bốn chỉ tiêu phân tích hiệu quả đầu tư phát triển văn hóa (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; đóng góp của đầu tư phát triển văn hóa vào tăng trưởng kinh tế; giải quyết việc làm và tỷ lệ vốn đầu tư trở thành tài sản của ngành văn hóa) để ứng dụng vào việc nghiên cứu đầu tư phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh ở Việt Nam.
2. Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án
Tác giả nhận thức rõ văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là bộ phận quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, đầu tư phát triển văn hóa là một nội dung rất quan trọng cần được nghiên cứu và có những đánh giá cụ thể. Từ việc nghiên cứu vấn đề này, luận án đã có một số đóng góp quan trọng, cụ thể:
Thứ nhất, tổng quan một số công trình nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến nội dung đề tài, chỉ rõ hạn chế nổi bật nhất của các nghiên cứu trước đây là chưa tiếp cận hoặc đã tiếp cận nhưng nội dung còn mờ nhạt, sơ sài về đầu tư phát triển văn hóa.
Thứ hai, Phân tích thực trạng đầu từ phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, thông qua việc sử dụng hệ thống các chỉ tiêu đánh giá cho thấy việc sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển văn hóa vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, còn dàn trải trong đầu tư và chưa xây dựng được kế hoạch chiến lược cho đầu tư lâu dài. Việc phối hợp đầu tư giữa ngành văn hóa với các ngành khác lỏng lẻo dẫn tới tình trạng đầu tư phát triển văn hóa ở tỉnh còn dàn trải, thiếu đồng bộ, kém hiệu quả, góp phần làm cho văn hóa chưa thực sự trở thành yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh cũng như văn hóa chưa góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế như tiềm năng của nó.