Những đóng góp mới trong luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Trọng Thắng

24/02/2020 10:52


Đề tài luận án: Phát triển kinh doanh dịch vụ viễn thông ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Nghiên cứu trường hợp công ty cổ phần viễn thông Hà Nội.

Chuyên ngành: Kinh tế phát triển                                             Mã số: 9310105

Nghiên cứu sinh: Nguyễn Trọng Thắng

Người hướng dẫn 1: PGS.TS Phạm Ngọc Lãng

Người hướng dẫn 2: PGS.TS Nguyễn Đức Minh

Cơ sở đào tạo: Viện Chiến lược phát triển

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Luận án làm sáng tỏ lý luận về sự cạnh tranh nói chung và kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông nói riêng, thực tiễn cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh của viễn thông Việt Nam thông qua thực tế kinh doanh của 6 công ty viễn thông chủ chốt ở Việt Nam bao gồm Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Vinaphone, Mobifone, Viettel, S-Fone, EVN Telecom và Hanoi Telecom (3 công ty đầu chiếm 95% thị phần viễn thông của Việt Nam).

Luận án phân tích kinh nghiệm kinh doanh của các công ty viễn thông lớn của Trung Quốc (China Telecom), Hàn Quốc (Korea Telecom) và Australia (AT&T; Intel Corp), qua đó rút ra bài học kinh nghiệm cho kinh doanh dịch vụ viễn thông của Việt Nam.

Luận án phân tích và đánh giá hiệu quả, lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh và lý luận chính trị trong kinh doanh dịch vụ viễn thông tại Việt Nam nói chung và Hanoi Telecom nói riêng qua việc áp dụng mô hình kinh cương của Michael Porter (áp lực cạnh tranh của nhà cung cấp là thấp, áp lực cạnh tranh từ đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn cao, áp lực cạnh tranh từ khách hàng cao, áp lực cạnh tranh từ nội bộ ngành cao và áp lực cạnh tranh từ sản phẩm thay thế cao); đồng thời phân tích khả năng cạnh tranh của viễn thông Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế qua việc áp dụng lý thuyết SWOT (dựa trên việc phân tích điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunities), và thách thức (Threats)).

Luận án làm rõ xu thế biến động, bối cảnh, phương hướng và mục tiêu của kinh doanh viễn thông tại Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 (các nghiên cứu trước chỉ nghiên cứu thực trạng kinh doanh dịch vụ viễn thông trong quá khứ) nhằm đưa ra các đề xuất, kiến nghị phát triển kinh doanh viễn thông Việt Nam trong các năm tới.

Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Luận án chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả cạnh tranh trong thực tế kinh doanh viễn thông tại Việt theo các mặt: kinh tế, xã hội, môi trường. Qua đó, luận án cũng chỉ ra các chiến lược mà các công ty Việt Nam đang áp dụng để mở rộng thị phần và nâng cao khả năng cạnh tranh bao gồm các chiến lược cạnh tranh về giá, các chiến lược hậu mãi, đa dạng dịch vụ viễn thông, chiến lược về chăm sóc khách hàng v.v… Trong đó chỉ ra rằng các chiến lược về giá (duy trì giá cước thấp hơn đối thủ cạnh tranh từ 10-15%, đàm phán mức giá cước và tỷ lệ ăn chia các dịch vụ giá trị gia tăng với các công ty cung cấp các ứng dụng và trò chơi giải trí, v.v…) đang được áp dụng phổ biến nhất, tiếp theo đó là chiến lược khuyến mãi.

Luận án kiểm chứng sự tương quan giữa dân số, cơ cấu dân số tới sự kinh doanh viễn thông (dân số càng đông thì số người dùng viễn thông càng cao, ví dụ với dân số là 1,3 tỷ người và hơn 1 tỷ thuê bao điện thoại, Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, có số thuê bao điện thoại nhiều nhất thế giới, có mạng thông tin di động lớn nhất thế giới; hay nước có cơ cấu dân số trẻ thì tỷ lệ tăng trưởng viễn thông cao do nhu cầu học tập, giải trí, kết nối mạng xã hội cao).

Trong các đề xuất phát triển kinh doanh dịch vụ viễn thông và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong điều kiện chuyển đổi và hội nhập kinh tế quốc tế, có những giải pháp đã được thử nghiệm thực tế, một số khác là tham khảo kinh nghiệm từ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông khác, có tính khả thi cho phát triển kinh doanh dịch vụ viễn thông, kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Luận án chưa phân tích sâu về ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0 đối với kinh doanh viễn thông tại Việt Nam, đây là một hướng nghiên cứu còn bỏ ngỏ cho các luận án nghiên cứu tiếp theo.

Người hướng dẫn

    

PGS.TS Phạm Ngọc Lãng

Người hướng dẫn

  

PGS.TS Nguyễn Đức Minh

Nghiên cứu sinh

    

Nguyễn Trọng Thắng

Giới thiệu luận án:

Tóm tắt luận án

 

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.