Những đóng góp mới luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Đông
04/03/2019 11:06
Đề tài luận án: "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành của thành phố Hà Nội đến năm 2030 theo hướng phát triển bền vững”.
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển Mã số: 9310105
Cơ sở đào tạo: Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Những đóng góp mới về mặt học thuật và lý luận:
- Luận án đưa ra quan niệm về cơ cấu kinh tế ngành (CCKTN) của thành phố lớn (quan hệ tỉ lệ giữa khối ngành dịch vụ với công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp đô thị trong CCKT); Quan niệm về chuyển dịch CCKTN của thành phố lớn theo hướng phát triển bền vững (việc thay đổi, làm mới CCKTN theo hướng hiện đại và theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời đảm bảo sự bền vững của bản thân việc chuyển dịch CCKTN và góp phần vào việc phát triển bền vững của cả nền kinh tế); Phương thức thực hiện chuyển dịch CCKTN đó là thay đổi cơ cấu đầu tư và phát triển doanh nghiệp lớn. Đồng thời, luận án đã chỉ ra 5 điều kiện cơ bản để chuyển dịch CCKTN của thành phố lớn theo hướng phát triển bền vững (PTBV): (i)Ý chí chính trị và quyết tâm của chính quyền địa phương; (ii) Đội ngũ doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn, có tiềm lực; (iii) Sự ủng hộ và quyết tâm của dân cư và cộng đồng doanh nghiệp; (iv) Thị trường; (v) Kết cấu hạ tầng thuận lợi.
- Luận án xác định hai nhóm chỉ tiêu đánh giá kết quả và đóng góp của chuyển dịch CCKTN vào hiệu quả phát triển kinh tế của thành phố lớn: (1) Nhóm 1: Đánh giá kết quả chuyển dịch CCKTN theo hướng PTBV, gồm: (i) Đánh giá xu hướng chuyển dịch;(ii) Đánh giá tốc độ chuyển dịch; và (2) Nhóm 2: Đánh giá đóng góp của chuyển dịch CCKTN vào hiệu quả phát triển kinh tế, gồm: (i) Đóng góp của chuyển dịch CCKTN vào gia tăng năng suất lao động; (ii) Đóng góp của chuyển dịch CCKTN vào gia tăng GRDP/người; (iii) Đóng góp của chuyển dịch CCKTN vào gia tăng độ mở của nền kinh tế và các tiêu chí bổ trợ (ICOR, mức tiêu tốn điện năng để tạo ra 1 đơn vị GRDP, tốc độ tăng trưởng GRDP).
Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án:
- Các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô chưa được phát huy tối đa hiệu quả. CCKTN có nhiều điểm mới, tiến bộ (công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, xuất hiện nhiều sản phẩm mới) song mức độ hiện đại hoá chưa cao. Tốc độ chuyển dịch CCKTN hướng tới mục tiêu PTBV còn chậm. Đóng góp của chuyển dịch CCKTN vào hiệu quả phát triển của nền kinh tế còn hạn chế.
- Các nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, yếu kém trong chuyển dịch CCKTN của Hà Nội đó là: (1) Công tác quản lý và điều hành chuyển dịch CCKTN còn nhiều bất cập; (2) Cơ cấu đầu tư chưa hợp lý; (3) Thiếu các doanh nghiệp lớn; (4) Thiếu nhân lực chất lượng cao; (5) Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa hiện đại, đồng bộ; (6) Thị trường phát triển nhưng chưa bền vững.
Người hướng dẫn 1 | Người hướng dẫn 2 | Nghiên cứu sinh |
PGS.TS Phạm Văn Khôi | PGS.TS Vũ Thanh Sơn | Nguyễn Thị Đông |