Những đóng góp mới luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Lâm Thùy Dương

03/06/2019 15:48


Đề tài luận án: Hiệu quả kinh tế của đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển
Mã số: 9 31 01 05
Nghiên cứu sinh: Lâm Thùy Dương
Người hướng dẫn: PGS.TS Bùi Tất Thắng - TS. Phan Thị Thùy Trâm
Cơ sở đào tạo: Viện Chiến lược phát triển

1. Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Luận án đề xuất quan niệm mới về hiệu quả kinh tế của FDI (không chỉ có hiệu quả kinh tế của bản thân doanh nghiệp FDI mà còn có cả đóng góp của doanh nghiệp FDI cho nền kinh tế của tỉnh); chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của FDI (trong đó quản lý nhà nước và công nghệ mà các doanh nghiệp FDI sử dụng là quan trọng hơn cả); đồng thời chỉ rõ nội dung đánh giá và xác định chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế của FDI.

2. Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án

Luận án cung cấp căn cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương thu hút FDI, đổi mới quản lý các doanh nghiệp FDI và đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương này đến năm 2025. Đồng thời, kiến nghị những việc chính quyền địa phương phải làm để nâng cao hiệu quả kinh tế của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới. Cụ thể là:

- Luận án phát hiện những hạn chế cơ bản của hiệu quả kinh tế của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2006-2017 là: hiệu quả kinh tế của FDI thấp, gia tăng chậm và không ổn định qua các năm; tác động lan tỏa của các doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế tỉnh còn ở mức hạn chế. Luận án phát hiện 3 nguyên nhân cơ bản của những hạn chế yếu kém vừa nêu đối với thu hút vốn FDI và hiệu quả kinh tế của FDI: chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý thu hút vốn FDI, trong cải cách hành chính và trong việc tạo môi trường đầu tư; doanh nghiệp trong nước chưa phát triển mạnh để liên kết với doanh nghiệp FDI.

- Luận án đề xuất định hướng thu hút vốn FDI, đổi mới cơ cấu đầu tư vốn FDI theo hướng thu hút nhiều dự án sử dụng công nghệ cao, chiếm ít đất, tiêu tốn ít điện.

- Tác giả đã đề xuất 7 nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn tới, đó là: (1) Công khai cam kết mạnh mẽ của chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đối với các nhà đầu tư FDI; (2) Lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược; (3) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; (4) Hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật; (5) Tổ chức lãnh thổ hợp lý đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư FDI; (6) Phát triển nhân lực chất lượng cao; (7) Phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh đủ sức liên kết với doanh nghiệp FDI một cách có hiệu quả.

Người hướng dẫn 1
 
 
 
Người hướng dẫn 2
Nghiên cứu sinh
 
PGS.TS Bùi Tất Thắng
TS Phan Thị Thùy Trâm
Lâm Thùy Dương