Bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài: Phát huy lợi thế so sánh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc
09/03/2016 14:03
Chiều ngày 07/3/2016, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Nguyễn Thế Vinh với đề tài "Phát huy lợi thế so sánh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc” thuộc chuyên ngành Kinh tế phát triển, do PGS.TSKH Trần Nguyễn Tuyên là người hướng dẫn khoa học, tại 65 Văn Miếu, Hà Nội.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện gồm các nhà khoa học đến từ trường Đại học Kinh tế quốc dân, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương và Viện Chiến lược phát triển do PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển làm Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng đã đánh giá sau thời gian dài nghiên cứu, luận án của NCS Nguyễn Thế Vinh đã có những thành công nhất định. Thứ nhất, về mặt học thuật và lý luận: Luận án đưa ra được quan điểm về khái niệm lợi thế so sánh của tỉnh là biểu hiện sự vượt trội về các yếu tố phát triển của một chủ thể này so với một chủ thể khác. Tác giả cho rằng sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và các yếu tố môi trường địa kinh tế - chính trị làm cho lợi thế so sánh luôn ở thế động, thay đổi theo không gian và thời gian. Theo tác giả thì có sáu dấu hiệu lợi thế so sánh cấp tỉnh. Luận án đã xây dựng được khung đánh giá lợi thế so sánh bao gồm các tiêu chí đánh giá, phương pháp đánh giá và các bước thực hiện đánh giá. Tác giả cũng đã đưa ra được các yếu tố ảnh hưởng đến phát huy lợi thế so sánh tỉnh và các tiêu chí đánh giá việc phát huy lợi thế so sánh tỉnh theo quan điểm phát triển kinh tế.
Thứ hai, về mặt thực tiễn: Tác giả đã sử dụng phương pháp so sánh chéo và phương pháp chuyên gia để luận cứ thuyết phục từng yếu tố lợi thế so sánh của tỉnh Vĩnh Phúc so với các địa phương khác trong đối tượng so sánh và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Đề xuất danh mục sản phẩm chủ lực từ các dấu hiệu về lợi thế so sánh, phù hợp với khung lý thuyết đã nêu. Tác giả cũng đã đánh giá được những thành công, hạn chế của tỉnh Vĩnh Phúc trong việc phát huy lợi thế so sánh trong thời gian qua thông qua việc đánh giá tình hình thực hiện khai thác các yếu tố lợi thế so sánh tỉnh cũng như một số tiêu chí đánh giá kết quả khai thác lợi thế so sánh của tỉnh. Luận án đã tìm ra được các nguyên nhân chưa phát huy được lợi thế so sánh, ví dụ như: Chưa kịp thời nâng cao chất lượng và phát huy có hiệu quả nguồn nhân lực; bị động trong khai thác lợi thế so sánh về du lịch…
Tác giả cũng đã kiến nghị một số giải pháp đối với Chính phủ và Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc nhằm nâng cao lợi thế so sánh, ví dụ như: Đổi mới cơ chế phân bổ vốn đầu tư từ nguồn ngân sách theo tiềm năng, lợi thế và mức đóng góp của tỉnh cho nền kinh tế cả nước; hoàn chỉnh luật pháp về phân cấp đầu tư giữa Chính quyền Trung ương và Địa phương; luật pháp hóa quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh; cho phép địa phương Vĩnh Phúc ban hành một số chính sách đặc thù để phát triển nhân lực và thu hút vốn FDI...
GS.TS. Ngô Thắng Lợi, Phản biện 1, đánh giá cao nội dung của luận án. Đây là một luận án có chất lượng tốt, nhất là những đóng góp về mặt lý luận và phương pháp luận cũng như những nghiên cứu thực tiễn.
Hội đồng đánh giá luận án và giáo viên hướng dẫn chúc mừng NCS Nguyễn Thế Vinh.