Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện đề tài: Tái cơ cấu công nghiệp Hà Hội theo hướng phát triển bền vững của NCS Đặng Thị Thu Giang
10/04/2018 15:12
Sáng ngày 04 tháng 4 năm 2018, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Kinh tế phát triển cho NCS Đặng Thị Thu Giang với đề tài: " Tái cơ cấu công nghiệp Hà Hội theo hướng phát triển bền vững”.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện do PGS. TS. Bùi Tất Thắng làm Chủ tịch Hội đồng cùng các nhà khoa học đến từ trường Đại học quốc gia Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và Viện Chiến lược phát triển. Ngoài ra còn có sự tham dự của giáo viên hướng dẫn PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính; các cán bộ Trung tâm Tư vấn phát triển và Đào tạo của Viện Chiến lược phát triển và đông đảo người thân, đồng nghiệp, bạn bè của NCS Đặng Thị Thu Giang.
Luận án tiến sĩ của NCS Đặng Thị Thu Giang gồm 151 trang (không kể phần tham khảo và phụ lục), ngoài phần mở đầu và kết luận nội dung luận án gồm 04 chương chính, cụ thể: Chương I: Tổng quan các công trình đã nghiên cứu có liên quan đến tái cơ cấu công nghiệp Hà Nội theo hướng phát triển bền vững; Chương II: Cơ sở lý luận về tái cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển bền vững; Chương III: Thực trạng tái cơ cấu công nghiệp Hà Nội theo hướng phát triển bền vững; Chương IV: Phương hướng và giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu công nghiệp Hà Nội theo hướng phát triển bền vững.
Luận án đã có 03 đóng góp mới về mặt học thuật và lý luận: Thứ nhất, luận án đã tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước, qua đó, đánh giá những thành công, và chỉ rõ khoảng trống nghiên cứu cần tiếp tục làm rõ hoặc phân tích sâu hơn trong luận án như: Khái niệm và nội dung cơ bản của tái cơ cấu công nghiệp. Định hướng đối tượng, tiêu chí cụ thể để đánh giá kết quả quá trình tái cơ cấu công nghiệp; Các quan điểm, hệ thống các giải pháp để thực hiện tái cơ cấu công nghiệp Hà Nội cho phù hợp theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Thứ hai, luận án đánh giá toàn diện thực tế kết quả của quá trình tái cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển bền vững của Hà Nội nói chung, và các khu công nghiệp Hà Nội nói riêng; chỉ rõ 3 thành công và 6 hạn chế, 4 nguyên nhân từ đó gợi mở chính sách chung.
Thứ ba, luận án đã phân tích được bối cảnh chung, đặc thù và xác định rõ 3 quan điểm và những định hướng yêu cầu đặc thù mục tiêu; đồng thời, đề xuất 4 nhóm giải pháp chính mang tính đồng bộ, cụ thể và khả thi, nhằm thực hiện tốt tái cơ cấu công nghiệp Hà Nội theo hướng phát triển bền vững, nhất là đối với các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, sạch và phát triển chuỗi cung ứng, theo "Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030”, góp phần thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng Xanh và phát triển bền vững Thủ đô và cả nước.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển