Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện đề tài "Phát triển nhân lực ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc” của NCS Đoàn Quang Thắng
16/04/2018 14:32
Chiều ngày 09 tháng 4 năm 2018, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Kinh tế phát triển, mã số 9310105 cho NCS Đoàn Quang Thắng với đề tài: "Phát triển nhân lực ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc”.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện do PGS. TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển làm Chủ tịch Hội đồng cùng 06 nhà khoa học gồm: GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Việt Nam, phản biện 1; PGS.TS. Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, phản biện 2; PGS.TSKH Nguyễn Viết Vượng, trường Đại học Công đoàn, phản biện 3; PGS. TS. Mai Quốc Chánh, Nguyên Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực,trường Địa học Kinh tế quốc dân, ủy viên; PGS.TS. Mạc Văn Tiến, Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, Ủy viên; TS. Kim Quốc Chính, Viện Chiến lược phát triển, Thư ký Hội đồng.
Tham dự buổi bảo vệ có PGS. TS. Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, giáo viên hướng dẫn nghiên cứu sinh và TS. Tạ Quang Thảo, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc, đại diện lãnh đạo nơi công tác của NCS Đoàn Quang Thắng. Ngoài ra còn có các cán bộ Trung tâm Tư vấn phát triển và Đào tạo của Viện Chiến lược phát triển và đông đảo người thân, đồng nghiệp, bạn bè của NCS Đoàn Quang Thắng.
Luận án tiến sĩ của NCS Đoàn Quang Thắng, ngoài phần mở đầu, kết luận, tham khảo và phụ lục, nội dung luận án gồm 04 chương chính, cụ thể: Chương 1: Tổng quan các công trình nghiên cứu về phát triển nhân lực ngành công nghiệp; Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển nhân lực ngành công nghiệp của tỉnh; Chương 3: Thực trạng phát triển nhân lực ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc; Chương 4: Giải pháp phát triển nhân lực ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.
Luận án đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về phát triển nhân lực ngành công nghiệp ở một tỉnh. Các vấn đề lý luận này được xây dựng một cách hệ thống, có tính logic dựa trên nền tảng lý thuyết của nhiều ngành khoa học, làm cơ sở cho việc nghiên cứu phát triển nhân lực ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc. Tác giả cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm về phát triển nhân lực ngành công nghiệp của tỉnh ở một số quốc gia, một số địa phương trong nước có đặc điểm kinh tế - xã hội tương đồng với tỉnh Vĩnh Phúc, từ đó rút ra bài học cho phát triển nhân lực ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.
Qua phân tích, đánh giá thực trạng phát triển nhân lực ngành công nghiệp và các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến phát triển nhân lực ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tác giả đã đề xuất các giải pháp phát triển nhân lực ngành công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020. Các giải pháp được đề xuất dựa trên quan điểm cho rằng phát triển nhân lực ngành công nghiệp là giải pháp cốt lõi nhằm phát triển công nghiệp của tỉnh - ngành kinh tế được cho là quan trọng nhất chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của tỉnh. Một số giải pháp được đề xuất như: (1) Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo; (2) Phát triển thị trường lao động tỉnh Vĩnh Phúc; (3) Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp Vĩnh Phúc; (4) Tuyên truyền, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tác phong làm việc cho nhân lực ngành công nghiệp Vĩnh Phúc; (5) Phát triển nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; (6) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và người lao động về phát triển nhân lực ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.
Hội đồng đáng giá LATS và GVHD chúc mừng NCS Đoàn Quang Thắng.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.