Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp viện đề tài "Nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngân hàng Thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam” của NCS Tạ Thị Kim Dung
11/08/2016 16:34
Chiều ngày 09/8/2016, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp viện chuyên ngành Kinh tế phát triển cho NCS Tạ Thị Kim Dung với đề tài: " Nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngân hàng Thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam”.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp viện do PGS.TS. Ngô Doãn Vịnh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển làm Chủ tịch Hội đồng cùng các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; Học viện Chính sách và phát triển; Ngân hàng Hàng hải và Viện Chiến lược phát triển. Ngoài ra còn có sự tham dự của Trung tâmTư vấn, phát triển và Đào tạo của Viện Chiến lược phát triển và đông đảo bạn bè đồng nghiệp của NCS Tạ Thị Kim Dung.
Luận án tiến sĩ của NCS Tạ Thị Kim Dung đãtổng quan được hơn 60 công trình nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến nội dung đề tài, hầu hết, các học giả đồng nhất giữa hiệu quả kinh doanh với lợi nhuận thu được. Tức là họ chú trọng tới hiệu quả kinh tế nhưng chưa chú ý đúng mức tới việc xem xét đến mặt hiệu quả xã hội.
Tác giả cũng đã phân tích thực trạng hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và so sánh với các ngân hàng thương mại khác qua các chỉ số, khẳng định Techcombank hoạt động vẫn có hiệu quả và có lợi thế cạnh tranh hàng đầu trong nhóm ngân hàng cổ phần. Tuy nhiên hiệu quả kinh doanh còn thấp, thiếu bền vững và chưa tương xứng với tiềm lực của ngân hàng (ở các nội dung lợi nhuận, năng suất lao động, chất lượng nhân lực, sản phẩm dịch vụ). Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do năng lực quản trị, thiếu nhân lực có chất lượng cao trong khâu hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược kinh doanh, do tình hình kinh tế khó khăn giai đoạn 2011-2013, do hoạt động mở rộng mạng lưới. Tác giả đánh giá, Techcombank còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được, điều cốt yếu là con người tham gia vào quá trình thay đổi này có sẵn sàng hay không?
Từ đó tác giả đã đưa ra bốn giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam như sau: (1) tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản trị; (2) nâng cao năng lực hoạt động (nâng cao chất lượng tài sản có, xử lý nợ xấu từ chính nguồn lực của ngân hàng, kiểm soát chi phí hoạt động quanh ngưỡng 40% so với tổng thu nhập hoạt động…); (3) nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ (đầu tư, nâng cấp phần mềm, chuẩn hóa các sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng mạng lưới phục vụ, tăng cường truyền thông và marketing…); (4) phát triển nhân lực chất lượng cao.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp viện đánh giá đây là công trình nghiên cứu độc lập của tác giả, không trùng lặp với những luận án, công trình nghiên cứu đến thời điểm hiện nay. Luận án cũng đã đạt được những thành công nhất định. Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp viện đã thống nhất đề nghị Viện Chiến lược phát triển công nhận kết quả bảo vệ luận án và cấp bằng tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế phát triển cho NCS Tạ Thị Kim Dung./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.