Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện đề tài: Đầu tư hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại ở tỉnh Thừa Thiên Huế của NCS Đàm Thị Hiền

10/04/2018 15:21


Chiều ngày 04 tháng 4 năm 2018, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Kinh tế phát triển cho NCS Đàm Thị Hiền với đề tài: "Đầu tư hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại ở tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện do PGS. TS. Ngô Doãn Vịnh làm Chủ tịch Hội đồng cùng các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ban tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Chiến lược phát triển. Ngoài ra còn có sự tham dự của giáo viên hướng dẫn 2, TS. Trần Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển; các cán bộ Trung tâm Tư vấn phát triển và Đào tạo của Viện Chiến lược phát triển và đông đảo người thân, đồng nghiệp, bạn bè của NCS Đàm Thị Hiền.

Luận án tiến sĩ của NCS Đàm Thị Hiền gồm 160 trang (không kể phần tham khảo và phụ lục), ngoài phần mở đầu và kết luận nội dung luận án gồm 04 chương chính, cụ thể: Chương I: Tổng quan các công trình khoa học có liên quan đến đầu tư hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại; Chương II: Cơ sở lý luận và thực tiễn về đầu tư hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại; Chương III: Thực trạng đầu tư hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại ở tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006 - 2016; Chương IV: Định hướng và giải pháp đầu tư hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030.

Luận án đã có 03 đóng góp mới về mặt học thuật và lý luận: Thứ nhất, Luận án đã làm rõ nội hàm của vấn đề cơ cấu kinh tế hiện đại mà trong đó biểu hiện cơ bản của nó là tỷ trọng sản phẩm, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, sản phẩm chủ lực trong tổng GRDP và tỷ trọng sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời chỉ rõ, hiện đại hóa là phương thức phát triển sống còn để thịnh vượng nền kinh tế tỉnh. Từ đó, chỉ rõ nội dung, bản chất của việc đầu tư hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Đó là đầu tư phát triển các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng kết cấu hạ tầng tiên tiến và đồng bộ cùng phát triển nhân lực chất lượng cao và đầu tư xây dựng chính sách phát triển có lợi cho phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững.

Thứ hai, Luận án đã chỉ ra 5 yếu tố ảnh hưởng đến đầu tư hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại: (1) Quản lý nhà nước và thể chế kinh tế; (2) Toàn cầu hóa và thị trường; (3) Đội ngũ doanh nghiệp; (4) Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và nhân lực chất lượng cao; (5) Ảnh hưởng của vùng kinh tế lớn và của cả nước đến đầu tư và sự phát triển cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Thứ ba, Luận án đã xác định được 12 chỉ tiêu sử dụng để đánh giá đầu tư hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Trong đó chia làm 2 nhóm: Nhóm1: chỉ tiêu đánh giá cơ cấu kinh tế hiện đại. Nhóm này gồm các chỉ tiêu cơ bản (gồm:Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và Tỷ trọng sản phẩm chủ lực trong GRDP; Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu); và các chỉ tiêu bổ trợ (gồm: Năng suất lao động; Tỷ lệ đóng góp của năng suất lao động vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh; Tỷ trọng của khối phi nông nghiệp trong tổng GRDP; Tốc độ tăng trưởng GRDP; GRDP/người; Chỉ số ICOR). Nhóm 2: Chỉ tiêu phân tích nguyên nhân dẫn tới tình trạng cơ cấu kinh tế hiện đại (gồm: Quy mô và cơ cấu đầu tư; Độ mở của nền kinh tế; Mức tiêu tốn điện năng để tạo ra 1 đơn vị GRDP).

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp viện đánh giá đây là công trình nghiên cứu độc lập và công phu của tác giả. Luận án đã đáp ứng được yêu cầu của một luận án tiến sĩ kinh tế. Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện đã thống nhất đề nghị Viện Chiến lược phát triển công nhận kết quả bảo vệ luận án và cấp bằng tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế phát triển cho NCS Đàm Thị Hiền./.

NCS Đàm Thị Hiền chụp ảnh kỷ niệm cùng Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển