Bảo vệ ba chuyên đề luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Khuất Hữu Vân

20/12/2017 15:45


Sáng 08/12/2017, tại 65 Văn Miếu, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển tổ chức buổi bảo vệ ba chuyên đề tiến sĩ cho NCS Khuất Hữu Vân thuộc chuyên ngành Kinh tế phát triển. Tham dự buổi bảo vệ chuyên đề, ngoài Tiểu ban chấm chuyên đề tiến sĩ, còn có các cán bộ thuộc Trung tâm tư vấn phát triển và Đào tạo của Viện.

Ba chuyên đề NCS Khuất Hữu Vân bảo vệ lần này nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tài nguyên nhân lực và phát triển tài nguyên nhân lực và đặc biệt là phát triển tài nguyên nhân lực vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cụ thể, ba chuyên đề tập trung vào các nội sung sau: Chuyên đề 1: Cơ sở lý luận về tài nguyên nhân lực, phát triển tài nguyên nhân lực; Chuyên đề 2: Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với phát triển nhân lực ở vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; Chuyên đề 3: Các giải pháp nhằm phát triển tài nguyên nhân lực vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Trong chuyên đề thứ nhất, nghiên cứu sinh Khuất Hữu Vân đã đưa ra một số khái niệm về: tài nguyên, nguồn nhân lực, tài nguyên nhân lực, phát triển tài nguyên nhân lực. Đồng thời nghiên cứu sinh cũng đưa ra các nhân tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến phát triển tài nguyên nhân lực; các tiêu chí đánh giá sự phát triển tài nguyên nhân lực trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; kinh nghiệm phát triển tài nguyên nhân lực của một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. Chuyên đề hai, nghiên cứu sinh khái quát về vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; thực trạng phát triển, quản lý và sử dụng tài nguyên nhân lực, đặc biệt là các chính sách phát triển tài nguyên nhân lực hiện hành của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Từ đó rút ra các điểm mạnh, điểm còn hạn chế và những vấn đề phải đối mặt của vùng. Chuyên đề ba, nghiên cứu sinh đã khát quát định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập; định hướng phát triển vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ nói chung và định hướng phát triển tài nguyên nhân lực vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ nói riêng. Nghiên cứu sinh cũng đã đưa ra một số giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho phát triển tài nguyên nhân lực vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Các giải pháp hướng tới từng khu vực khác nhau như: Trung ương, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ, các doanh nghiệp và cá nhân.

Tiểu ban chấm điểm chuyên đề do TS Trần Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển làm Trưởng Tiểu ban đã đánh giá ba chuyên đề luận án của NCS Khuất Hữu Vân đáp ứng các yêu cầu đối với chuyên đề tiến sĩ. Đồng thời Tiểu ban cũng đã đưa ra những ý kiến đóng góp hữu ích để NCS Khuất Hữu Vân chỉnh sửa, hoàn thiện các chuyên đề để làm cơ sở hoàn thành luận án tiến sĩ./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.