Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện đề tài "Phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thời kỳ đến năm 2030” của NCS Nguyễn Thị Xuân
02/06/2020 16:56
Chiều ngày 28/5/2020, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Kinh tế phát triển, mã số 9310105 cho NCS Nguyễn Thị Xuân với đề tài: "Phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thời kỳ đến năm 2030”.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện do GS. TSKH. Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng cùng 06 nhà khoa học gồm: TS. Đinh Lâm Tấn, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược phát triển, Phản biện 1; PGS. TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu, Phản biện 2; PGS. TS. Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Phản biện 3; GS. TS. Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Hội đồng; PGS.TS. Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ủy viên Hội đồng; TS. Nguyễn Hữu Khánh, Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên Thư ký.
Tham dự lễ bảo vệ có PGS.TS. Bùi Tất Thắng, người hướng dẫn khoa học của nghiên cứu sinh; ông Nguyễn Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đại diện cơ quan công tác của NCS và đông đảo người thân, đồng nghiệp, bạn bè của NCS Nguyễn Thị Xuân.
Luận án tiến sĩ của NCS Nguyễn Thị Xuân, ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, nội dung luận án dài 157 trang, gồm 04 chương chính, cụ thể: Chương 1: Tổng quan những công trình nghiên cứu liên quan đến luận án; Chương 2: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm về phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn tỉnh; Chương 3: Thực trạng phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Chương 4: Định hướng và giải pháp phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thời kỳ đến 2030.
Về mặt lý luận và học thuật, tác giả đã đưa ra được nội hàm của PTKTBV cấp tỉnh theo cách tiếp cận PTKTBV cấp tỉnh là trụ cột thứ nhất, là hạt nhân cho PTBV của tỉnh; đề xuất được bộ tiêu chí gồm các chỉ tiêu cụ thể và các yêu cầu, xu hướng của các chỉ tiêu này đề đánh giá PTKTBV cấp tỉnh trên các khía cạnh: (i) khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng của tỉnh, (ii) Chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh; (iii) Bình đẳng trong tham gia và hưởng thụ các thành quả của phát triển kinh tế và (iv) Khả năng duy trì và tái tạo các yếu tố của phát triển; tổng hợp được hệ thống các nhân tố có thể có ảnh hưởng đến PTKTBV trên địa bàn tỉnh.
Về mặt thực tiễn, tác giả đã chỉ ra được các hạn chế và nguyên nhân hạn chế trong PTKTBV của Bắc Ninh. Từ đó, tác giả đề xuất 4 quan điểm, 4 định hướng và 5 giải pháp chủ yếu nhằm đảm bảo phát triển kinh tế bền vững của tỉnh trong thời kỳ đến năm 2030, gồm: Hoàn thiện các văn bản, về phát triển kinh tế bền vững trên địa bản tỉnh, Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, Cải thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, Hoàn thiện các chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, Nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp, người lao động và dân cư về PTKTBV.
TS. Đinh Lâm Tấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Đại diện cơ quan đào tạo tặng hoa chúc mừng NCS Nguyễn Thị Xuân. | NCS Nguyễn Thị Xuân chụp ảnh cùng Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện, người hướng dẫn khoa học và đại diện đơn vị đào tạo. |
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển. |