Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện đề tài "Phát triển kinh doanh dịch vụ viễn thông ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Nghiên cứu trường hợp công ty cổ phần viễn thông Hà Nội” của NCS Nguyễn Trọng Thắng

08/05/2020 17:31


Chiều ngày 04/5/2020, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Kinh tế phát triển, mã số 9310105 cho NCS Nguyễn Trọng Thắng với đề tài: "Phát triển kinh doanh dịch vụ viễn thông ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Nghiên cứu trường hợp công ty cổ phần viễn thông Hà Nội”.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện do PGS. TS. Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển làm Chủ tịch Hội đồng cùng 05 nhà khoa học gồm: TS. Bùi Hữu Toàn, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Phản biện 1; PGS. TS. Nguyễn Thị Nguyệt, Viện Chiến lược phát triển, Phản biện 2; PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, Phản biện 3; PGS. TS. Hồ Sỹ Hùng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy viên Hội đồng; TS. Cao Ngọc Lân, Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên Thư ký.

Tham dự lễ bảo vệ có TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển và TS. Đinh Lâm Tấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, đại diện cơ sở đào tạo; PGS. TS. Phạm Ngọc Lãng và PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, người hướng dẫn khoa học của NCS; ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đại diện cơ quan công tác của NCS và đông đảo người thân, đồng nghiệp, bạn bè của NCS Nguyễn Trọng Thắng.

Luận án tiến sĩ của NCS Nguyễn Trọng Thắng, ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, nội dung luận án dài 158 trang, gồm 04 chương chính, cụ thể: Chương 1: Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án; Chương 2: Một số vấn đề lý luận về kinh doanh dịch vụ viễn thông trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Chương 3: Thực trạng kinh doanh dịch vụ viễn thông Việt Nam thời gian qua - nghiên cứu trường hợp Công ty Cổ phần viễn thông Hà Nội (Công ty Cổ phần viễn thông Hà Nội); Chương 4: Một số giải pháp phát triển kinh doanh dịch vụ viễn thông ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Về mặt lý luận và học thuật, tác giả đã làm sáng tỏ lý luận về sự cạnh tranh nói chung và kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông nói riêng, thực tiễn cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh của viễn thông Việt Nam thông qua thực tế kinh doanh của 6 công ty viễn thông chủ chốt ở Việt Nam; phân tích kinh nghiệm kinh doanh của các công ty viễn thông lớn của Trung Quốc, Hàn Quốc và Australia, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm cho kinh doanh dịch vụ viễn thông của Việt Nam; Luận án làm rõ xu thế biến động, bối cảnh, phương hướng và mục tiêu của kinh doanh viễn thông tại Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

Về mặt thực tiễn, tác giả đã chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả cạnh tranh trong thực tế kinh doanh viễn thông tại Việt theo các mặt: kinh tế, xã hội, môi trường; đề xuất 06 nhóm giải pháp nhằm phát triển kinh doanh dịch vụ viễn thông và nâng cao khả năng cạnh tranh của viễn thông Việt Nam, gồm: Nhóm giải pháp mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao chất lượng dịch vụ; Nhóm giải pháp tăng thuê bao và mở rộng thị phần; Nhóm giải pháp phát triển quy mô dịch vụ; Nhóm giải pháp Marketing, xây dựng và phát triển thương hiệu; Nhóm giải pháp tăng doanh thu; Các giải pháp về tổ chức quản lý doanh nghiệp.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện đánh giá luận án là công trình nghiên cứu khoa học độc lập được thực hiện một cách công phu, nghiêm túc. Tác giả đã phân tích và rút ra được những kết quả có giá trị tham khảo, ứng dụng thực tiễn trong phát triển kinh doanh dịch vụ viễn thông tại công ty Cổ phần viễn thông Hà Nội. Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện đánh giá cao nội dung luận án và đã thống nhất đề nghị Viện Chiến lược phát triển công nhận kết quả bảo vệ luận án và cấp bằng tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế phát triển cho NCS Nguyễn Trọng Thắng./.
 
TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Đại diện cơ quan đào tạo tặng hoa chúc mừng NCS Nguyễn Trọng Thắng.
 
NCS Nguyễn Trọng Thắng chụp ảnh cùng Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện, người hướng dẫn khoa học và đại diện đơn vị đào tạo.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.