Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện đề tài "Phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn đến năm 2030” của NCS Nguyễn Thị Hằng
11/09/2018 11:06
Sáng ngày 29 tháng 8 năm 2018, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Kinh tế phát triển, mã số 9310105 cho NCS Nguyễn Thị Hằng với đề tài: "Phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn đến năm 2030”.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện do GS.TS Nguyễn Bách Khoa - Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Thương mại, Trường Đại học Thương Mại làm Chủ tịch Hội đồng cùng 06 nhà khoa học gồm: PGS.TSKH Lương Xuân Quỳ - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, phản biện 1; PGS.TS. Nguyễn Khánh Doanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên, phản biện 2; PGS.TS. Trần Minh Tuấn - Phó Giám đốc thường trực Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phản biện 3; GS.TS. Nguyễn Đình Hương - Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, Ủy viên; TS. Đỗ Minh Thụy - Trường Đại học Hải Phòng, Ủy viên; TS. Trần Anh Tuấn - Viện Chiến lược phát triển, Thư ký Hội đồng.
Tham dự buổi bảo vệ có PGS.TS. Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, đồng thời là người hướng dẫn khoa học của NCS Nguyễn Thị Hằng; TS. Đỗ Đình Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên, đại diện lãnh đạo nơi công tác của NCS Nguyễn Thị Hằng. Ngoài ra còn có các cán bộ Trung tâm Tư vấn phát triển và Đào tạo của Viện Chiến lược phát triển và đông đảo người thân, đồng nghiệp, bạn bè của NCS Nguyễn Thị Hằng.
Luận án tiến sĩ của NCS Nguyễn Thị Hằng, ngoài phần mở đầu, kết luận, tham khảo và phụ lục, nội dung luận án gồm 04 chương chính, cụ thể: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu; Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển công nghiệp trong bối cảnh hội nhập; Chương 3: Thực trạng phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2000 - 2017; Chương 4: Phương hướng, giải pháp phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030.
Về mặt lý luận, luận án góp phần làm sáng tỏ khái niệm về phát triển công nghiệp, vai trò của công nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế của một địa phương. Đồng thời, phân tích có chọn lọc các lý thuyết liên quan đến phát triển công nghiệp, gồm (1) Lý thuyết cực tăng trưởng; (2) Lý thuyết cụm liên kết ngành; (3) Lý thuyết chuỗi giá trị; (4) Lý thuyết định vị công nghiệp. Điều đó đã đặt nền móng cho việc phân tích xuyên suốt về tình hình phát triển ngành công nghiệp trong giai đoạn hiện nay, phải biết phát huy lợi thế so sánh trên cơ sở kết hợp với các lãnh thổ khác để tạo ra tính liên vùng nhằm chuyển dịch lại cơ cấu ngành công nghiệp. Luận án đã bổ sung thêm vào khung phân tích các tiêu chí làm thước đo đánh giá sự phát triển của ngành công nghiệp một tỉnh, bao gồm các tiêu chí về quy mô, chất lượng và cơ cấu.
Về mặt thực tiễn, luận án đã tiến hành phân tích và đánh giá thực trạng phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn từ năm 2000 đến 2017 theo các nhóm tiêu chí về quy mô, chất lượng và cơ cấu. Đồng thời, luận án đã sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA để khám phá và sàng lọc các quan sát nhằm đánh giá mức độ tác động của các nhân tố đến sự phát triển ngành công nghiệp, làm tiền đề để phân tích và đề xuất các giải pháp phát triển công nghiệp theo các nhóm thứ tự ưu tiên.
Trên cơ sở phân tích thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên, tác giả đề xuất ra được 08 nhóm giải pháp cơ bản, gồm: (1) Giải pháp đổi mới cơ chế quản lý, cải cách thủ tục hành chính; (2) Về thu hút nhà đầu tư và huy động vốn vào phát triển sản xuất; (3) Giải pháp về tăng cường năng lực khoa học, công nghệ; (4) Về thu hút và sử dụng lao động, đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp; (5) Giải pháp phát triển thị trường và xúc tiến thương mại; (6) Giải pháp phát triển vùng nguyên liệu và chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp; (7) Giải pháp bảo vệ môi trường; (8) Giải pháp phát triển các khu, cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Các nhóm giải pháp này có giá trị thực tiễn cao, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và là tài liệu tham khảo quý cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.