Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện đề tài "Phát huy vốn tự nhiên để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng” của NCS Nguyễn Văn Huy
02/06/2020 17:01
Sáng ngày 29/5/2020, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Kinh tế phát triển, mã số 9310105 cho NCS Nguyễn Văn Huy với đề tài: "Phát huy vốn tự nhiên để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng”.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện do PGS. TS. Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển làm Chủ tịch Hội đồng cùng 06 nhà khoa học gồm: PGS. TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu, Phản biện 1; PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Phản biện 2; PGS. TS. Bùi Văn Huyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phản biện 3; PGS. TS. Lê Thu Hoa, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Hội đồng; TS. Đỗ Quang Dũng, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Ủy viên Hội đồng; TS. Trần Anh Tuấn, Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên Thư ký.
Tham dự lễ bảo vệ có TS. Đinh Lâm Tấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, đại diện cơ quan đào tạo; Ông Nguyễn Văn Tùng, Vụ Trưởng vụ Tổ chức - điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương, đại diện cơ quan công tác của NCS và đông đảo người thân, đồng nghiệp, bạn bè của NCS Nguyễn Văn Huy.
Luận án tiến sĩ của NCS Nguyễn Văn Huy, ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, nội dung luận án dài 199 trang, gồm 04 chương chính, cụ thể: Chương 1: Tổng quan các công trình khoa học liên quan đến phát huy vốn tự nhiên để phát triển kinh tế - xã hội vùng; Chương 2: Cơ sở lý luận về phát huy vốn tự nhiên để phát triển kinh tế - xã hội vùng và kinh nghiệm thực tiễn; Chương 3: Thực trạng phát huy vốn tự nhiên để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng; Chương 4: Phương hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả phát huy vốn tự nhiên để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2021-2030.
Về mặt lý luận và học thuật, tác giả đã làm rõ khái niệm vốn tự nhiên và phát huy vốn tự nhiên để phát triển kinh tế - xã hội vùng; xây dựng các nhân tố ảnh hưởng đến phát huy vốn tự nhiên để phát triển kinh tế - xã hội vùng với hệ thống các nhân tố khách quan và chủ quan; xây dựng các tiêu chí đo lường, đánh giá hiệu quả, mức độ bền vững của việc phát huy vốn tự nhiên để phát triển kinh tế - xã hội vùng.
Về mặt thực tiễn, tác giả đã nghiên cứu, tìm hiểu và tổng hợp kinh nghiệm thực tiễn đáng tin cậy trong và ngoài nước có liên quan đến phát huy vốn tự nhiên; phân tích thực trạng phát huy vốn tự nhiên để phát triển KTXH vùng ĐBSH thời gian qua; chỉ ra những tồn tại, hạn chế; tìm hiểu nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trong các hoạt động phát huy vốn tự nhiên vùng ĐBSH để phát triển KTXH vùng ĐBSH. Từ đó, tác giả đã kiến nghị, đề xuất những giải pháp phát huy vốn tự nhiên để phát triển KTXH vùng ĐBSH trong thời gian tới.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.