Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện đề tài "Nghiên cứu nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030” của NCS Đào Thanh Hương

15/02/2019 10:47


Chiều ngày 22 tháng 01 năm 2019, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Kinh tế phát triển, mã số 9310105 cho NCS Đào Thanh Hương với đề tài: "Nghiên cứu nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030”.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện do PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển làm Chủ tịch Hội đồng cùng 06 nhà khoa học gồm: PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Trường Đại học Thương mại, Phản biện 1; PGS.TS. Trịnh Thị Thanh Thủy, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương, Phản biện 2; PGS.TS. Đan Đức Hiệp, Trường Đại học Hải Phòng, Phản biện 3; GS.TS. Nguyễn Bách Khoa, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, Ủy viên; PGS.TS. Nguyễn Thị Nguyệt, Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên; TS. Nguyễn Hữu Khánh, Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên Thư ký.

Tham dự buổi bảo vệ có TS. Đinh Lâm Tấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển; PGS.TS. Lê Xuân Bá, người hướng dẫn khoa học cho NCS Đào Thanh Hương. Ngoài ra còn có các cán bộ phụ trách đào tạo của Viện Chiến lược phát triển và đông đảo người thân, đồng nghiệp, bạn bè của NCS Đào Thanh Hương.

Luận án tiến sĩ của NCS Đào Thanh Hương, ngoài phần mở đầu, kết luận, nội dung luận án dài 145 trang, gồm 04 chương chính, cụ thể: Chương 1: Tổng quan các nghiên cứu liên quan tới hiệu quả xuất khẩu hàng hóa; Chương 2: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về hiệu quả xuất khẩu hàng hóa; Chương 3: Thực trạng hiệu quả xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2006-2017; Chương 4: Giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030.

Về mặt học thuật, lý luận, luận án đã hệ thống hóa và làm sâu sắc hơn những vấn đề lý luận về hiệu quả xuất khẩu hàng hóa, tập trung làm rõ khái niệm hiệu quả xuất khẩu hàng hóa, lần đầu tiên đưa ra bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả xuất khẩu hàng hóa ở tầm quốc gia, trong đó bổ sung thêm chỉ tiêu hiệu quả về xã hội và môi trường bên cạnh chỉ tiêu hiệu quả về kinh tế, có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho công tác hoạch định chính sách thương mại quốc tế của quốc gia trong tương lai. Luận án đã tổng quan các nghiên cứu và kinh nghiệm của một số nước trong khu vực có điều kiện kinh tế tương đồng và vị trí địa lý gần Việt Nam trong việc đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá để rút ra bài học thành công có thể vận dụng và bài học chưa thành công nên tránh.

Về mặt thực tiễn, luận án đã phân tích, đánh giá thực trạng hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam giai đoạn 2006-2017 theo các tiêu chí được xác định tại phần lý luận, rút ra các kết quả tích cực đạt được, các hạn chế và nguyên nhân (khách quan, chủ quan) làm cho hiệu quả xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam chưa cao, từ đó có các giải pháp điều chỉnh phù hợp và khả thi.

Trên cơ sở khoa học và thực tiễn, luận án đề xuất 7 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030, gồm: (1) Hoàn thiện, đổi mới các cơ chế, chính sách của Nhà nước; (2) Nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy, nhân lực liên quan đến xuất khẩu; (3) Nâng cao năng lực sản xuất trong nước; (4) Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu; (5) Nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu; (6) Phát huy vai trò của khu vực kinh tế trong nước trong xuất khẩu; (7) Phát huy lợi thế của quá trình mở cửa, hội nhập thúc đẩy xuất khẩu.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện đánh giá luận án là công trình nghiên cứu độc lập và công phu, nghiêm túc, có những đóng góp khoa học và thực tiễn nhất định. Luận án đã đáp ứng được yêu cầu của một luận án tiến sĩ kinh tế. Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện đã thống nhất đề nghị Viện Chiến lược phát triển công nhận kết quả bảo vệ luận án và cấp bằng tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế phát triển cho NCS Đào Thanh Hương./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.