Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện đề tài "Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý cấp Phòng thuộc Sở tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ” của NCS Trần Văn Thành
11/11/2019 14:43
Chiều ngày 06 tháng 11 năm 2019, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Kinh tế phát triển, mã số 9310105 cho NCS Trần Văn Thành với đề tài: "Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý cấp Phòng thuộc Sở tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện do PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển làm Chủ tịch Hội đồng cùng 06 nhà khoa học gồm: PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Phản biện 1; TS. Trịnh Kim Liên, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Phản biện 2; GS. TS. Ngô Thắng Lợi, Trưởng Bộ môn Kinh tế Phát triển, Khoa Kế hoạch và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Phản biện 3; PGS. TS. Nguyễn Thị Nguyệt, Phó trưởng ban, Ban Phát triển nhân lực và xã hội, Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên Hội đồng; PGS. TS. Đỗ Thị Hải Hà, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Hội đồng; TS. Trần Anh Tuấn, Phó trưởng ban, Ban Tổng hợp, Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên, Thư ký.
Tham dự lễ bảo vệ có TS. Đinh Lâm Tấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển và đông đảo người thân, đồng nghiệp, bạn bè của NCS Trần Văn Thành.
Luận án tiến sĩ của NCS Trần Văn Thành, ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, nội dung luận án dài 145 trang, gồm 05 chương chính, cụ thể: Chương I: Tổng quan các nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án; Chương II: Cơ sở lý luận về năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý cấp phòng thuộc Sở; Chương III: Khung đánh giá năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý cấp Phòng thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; Chương IV: Thực trạng năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý cấp Phòng thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại vùng KTTĐ Bắc Bộ; Chương V: Phương hướng và giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý cấp Phòng thuộc Sở tại các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Về lý luận, luận án xây dựng khung phân tích năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý cấp Phòng thuộc Sở trong đó làm rõ các nội dung gồm: Thứ nhất, xây dựng khung năng lực để xác định năng lực và các cấp độ năng lực lãnh đạo cho cán bộ quản lý cấp phòng thuộc Sở trên 3 khía cạnh kiến thức, kỹ năng và tố chất lãnh đạo. Trong đó: (i) kiến thức lãnh đạo là toàn bộ các kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu biết tự nhiên xã hội… mà cán bộ quản lý dùng để lãnh đạo, quản lý phòng mình được phân công; (ii) Kỹ năng lãnh đạo là sự thành thạo trong việc vận dụng thực tế các kiến thức, hiểu biết về lãnh đạo của cán bộ quản lý phòng vào việc lãnh đạo, quản lý phòng; (iii) Tố chất lãnh đạo biểu hiện qua cách ứng xử trong hoạt động lãnh đạo của cán bộ quản lý. Thứ hai, phương pháp đánh giá năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý cấp Phòng thuộc Sở dựa trên khung năng lực và đánh giá bằng phương pháp 3600. Thứ ba, các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý cấp Phòng thuộc Sở, gồm 3 nhóm yếu tố là các yếu tố thuộc về bản thân cán bộ quản lý phòng, yếu tố thuộc về tổ chức và yếu tố thuộc môi trường vĩ mô.
Về thực tiễn, dựa trên khung năng lực đã được xây dựng, luận án phân tích làm rõ thực trạng năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý cấp phòng thuộc Sở KH&ĐT tại Vùng KTTĐ Bắc Bộ và rút ra được các kết luận như sau: Thứ nhất, xác định được các thiếu hụt, bất cập trong năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý cấp Phòng thuộc Sở KH&ĐT, gồm các thiếu hụt về kiến thức, về kỹ năng và về tố chất. Thứ hai, luận án chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới những bất cập trong năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý cấp phòng thuộc Sở KH&ĐT bao gồm các nguyên nhân từ bản thân cán bộ quản lý cấp phòng, nguyên nhân thuộc về tổ chức và các nguyên nhân từ môi trường vĩ mô. Thứ ba, luận án đề xuất được một số nhóm giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý cấp Phòng thuộc Sở tại vùng KTTĐ Bắc Bộ, gồm: Cải tiến và tăng cường công tác tổ chức và quản lý nhân sự; Đổi mới phương pháp đánh giá năng lực; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; Cải thiện chính sách tiền lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ; Tạo động lực cho cán bộ quản lý cấp phòng thuộc Sở.
NCS Trần Văn Thành chụp ảnh cùng Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.