Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện đề tài "Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” của NCS Nguyễn Xuân Thọ
23/04/2019 21:07
Sáng ngày 19 tháng 4 năm 2019, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Kinh tế phát triển, mã số 9310105 cho NCS Nguyễn Xuân Thọ với đề tài: "Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện do GS.TSKH. Lê Du Phong - Nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân làm Chủ tịch Hội đồng cùng 06 nhà khoa học gồm: PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Phản biện 1; GS.TS. Nguyễn Đình Hương, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Phản biện 2; PGS.TS. Nguyễn Cúc, Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phản biện 3; PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ủy viên; PGS.TS. Trần Thị Vân Hoa, Trường đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên; PGS.TS. Nguyễn Thị Nguyệt, Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên thư ký.
Tham dự buổi bảo vệ có đại diện cơ quan đào tạo TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng và TS. Đinh Lâm Tấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển; đại diện cơ quan công tác của NCS Nguyễn Xuân Thọ có ông Lê Nho Thướng, Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn dệt may Việt Nam. Đặc biệt có sự tham dự của cả hai thầy hướng dẫn khoa học cho NCS Nguyễn Xuân Thọ là PGS.TS. Bùi Tất Thắng và TS. Nguyễn Trọng Thừa. Ngoài ra còn có sự tham dự đông đảo người thân, đồng nghiệp, bạn bè của NCS Nguyễn Xuân Thọ.
Luận án tiến sĩ của NCS Nguyễn Xuân Thọ, ngoài phần mở đầu, kết luận, nội dung luận án dài 120 trang, gồm 04 chương chính, cụ thể: Chương 1: Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài; Chương 2: Một số vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm dệt may; Chương 3: Thực trạng năng lực cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam; Chương 4: Quan điểm, mục tiêu và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm dệt may trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Về mặt học thuật, lý luận, luận án dựa trên khung lý luận về cạnh tranh theo các cấp độ và quan hệ liên kết theo chiều dọc, chiều ngang giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm, luận án làm rõ bản chất, các đặc trưng cơ bản và vai trò của việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm dệt may trong bối cảnh hội nhập kinh tế, với sự phát triển có hiệu quả và bền vững các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản phẩm. Luận án nghiên cứu và xác định bộ tiêu chí cơ bản nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm dệt may bao gồm: Thị phần sản phẩm dệt may; Chất lượng nguồn nhân lực dệt may; Công nghệ thiết bị dệt may; Thương hiệu sản phẩm dệt may; Chi phí lao động dệt may; Thời gian sản xuất sản phẩm dệt may. Trong đó, yếu tố Chính sách của Nhà nước đều tác động lên các tiêu chí nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm.
Về mặt thực tiễn, tác giả đã vận dụng những vấn đề lý thuyết cơ bản về năng lực cạnh tranh sản phẩm, từ phân tích những nét khái quát thực trạng của ngành công nghiệp dệt may, luận án đã đi sâu phân tích thực trạng về thị phần sản phẩm Dệt May trên thị trường thế giới, đánh giá về năng suất lao động, quá trình đổi mới công nghệ thiết bị dệt may, xác định rõ chi phí lao động và thời gian sản xuất sản phẩm dệt may. Luận án đã đánh giá rõ nhu cầu, những điều kiện tiền đề thuận lợi và những khó khăn cản trở việc cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam. Trên cơ sở phân tích SWOT, luận án đã làm rõ luận cứ khoa học định hướng hình thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam. Định hướng đó lấy hạt nhân là "Phát triển sản phẩm dệt may theo hướng tiếp cận công nghệ hiện đại (công nghiệp lần thứ tư), thân thiện môi trường, đảm bảo hiệu quả và bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”.
Trên cơ sở khoa học và thực tiễn, luận án đề xuất 08 chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, gồm: (1) Nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh sản phẩm; (2) Đẩy mạnh thị trường hàng dệt may nội địa; (3) Tăng cường xúc tiến thương mại,đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; (4) Đào tạo nhân lực dệt may chất lượng cao; (5) Phát triển công nghiệp phụ trợ Dệt May Việt Nam bền vững; (6) Sản xuất thông minh với công nghệ số 4.0; (7) Nâng tầm thương hiệu sản phẩm Dệt May Việt Nam; (8) Hoàn thiện chính sách quản lý và điều hành nhà nước.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện đánh giá luận án là công trình nghiên cứu độc lập và công phu, nghiêm túc, có những đóng góp khoa học và thực tiễn nhất định. Luận án đã đáp ứng được yêu cầu của một luận án tiến sĩ kinh tế. Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện đã thống nhất đề nghị Viện Chiến lược phát triển công nhận kết quả bảo vệ luận án và cấp bằng tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế phát triển cho NCS Nguyễn Xuân Thọ./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.