Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện đề tài "Hiệu quả kinh tế của đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” của NCS Lâm Thùy Dương

10/07/2019 17:08


Sáng ngày 05 tháng 7 năm 2019, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Kinh tế phát triển, mã số 9310105 cho NCS Lâm Thùy Dương với đề tài: "Hiệu quả kinh tế của đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện do GS.TS. Ngô Thắng Lợi đến từ trường Đại học Kinh tế quốc dân làm Chủ tịch Hội đồng cùng 06 nhà khoa học gồm: GS.TS. Nguyễn Đình Hương - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Phản biện 1; PGS.TS. Tăng Văn Khiên - Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phản biện 2; GS.TS. Nguyễn Thành Độ (vắng mặt) - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Phản biện 3; PGS.TS. Hoàng Văn Hoan - Học viện Chính trị khu vực I, Ủy viên; PGS.TS. Nguyễn Thị Nguyệt - Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên; TS. Cao Ngọc Lân - Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên thư ký.

Tham dự buổi bảo vệ có đại diện cơ quan đào tạo TS. Đinh Lâm Tấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển và đông đảo người thân, đồng nghiệp, bạn bè của NCS Lâm Thùy Dương.

Luận án tiến sĩ của NCS Lâm Thùy Dương, ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, nội dung luận án dài 150 trang, gồm 04 chương chính, cụ thể: Chương 1: Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến hiệu quả kinh tế của đầu tư trực tiếp nước ngoài; Chương 2: Cơ sở lý luận về hiệu quả kinh tế của đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh; Chương 3: Thực trạng hiệu quả kinh tế của đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2006-2017; Chương 4: Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế của đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2018-2025.

Về mặt học thuật, lý luận, luận án đã hệ thống được cơ sở lý luận về hiệu quả kinh tế của đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Nội dung này đã được tác giả luận giải về nhận thức, quan niệm, nội dung của hiệu quả kinh tế của FDI; cũng như chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của FDI trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, luận án đã xác định được bộ 09 chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế của FDI, trong đó có 03 chỉ tiêu của bản thân khu vực FDI và 06 chỉ tiêu phản ánh sự đóng góp của khu vực FDI cho sự phát triển kinh tế một tỉnh, trong đó bao gồm chỉ tiêu phản ánh sự lan tỏa của doanh nghiệp FDI đối với kinh tế tỉnh. Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện cho rằng đây là một đóng góp quan trọng của đề tài.

Về mặt thực tiễn, tác giả đã phân tích 02 nhóm yếu tố: các yếu tố của bản thân tỉnh Vĩnh Phúc và các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Qua hệ thống 09 chỉ tiêu hiệu quả kinh tế của FDI đã xác định ở khung lý thuyết, tác giả đã tiến hành đánh giá thực trạng hiệu quả kinh tế của đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2006-2017; chỉ ra những thành tựu chủ yếu, hạn chế và nguyên ngân của thành công và hạn chế.

Dựa trên căn cứ khoa học và thực tiễn, tác giả đã đề xuất 07 nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn tới, đó là: (1) Công khai cam kết mạnh mẽ của chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đối với các nhà đầu tư FDI; (2) Lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược; (3) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; (4) Hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật; (5) Tổ chức lãnh thổ hợp lý đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư FDI; (6) Phát triển nhân lực chất lượng cao; (7) Phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh đủ sức liên kết với doanh nghiệp FDI một cách có hiệu quả.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện đánh giá cao nội dung luận án của NCS Lâm Thùy Dương. Luận án là công trình nghiên cứu độc lập, công phu, nghiêm túc, có chất lượng tốt và có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Luận án đã đáp ứng được yêu cầu của một luận án tiến sĩ kinh tế. Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện đã thống nhất đề nghị Viện Chiến lược phát triển công nhận kết quả bảo vệ luận án và cấp bằng tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế phát triển cho NCS Lâm Thùy Dương./.
 

Tân tiến sĩ Lâm Thùy Dương chụp ảnh cùng Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện.

Phó Viện trưởng Đinh Lâm Tấn tặng hoa chúc mừng tân tiến sĩ Lâm Thùy Dương.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.