Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện đề tài "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành của thành phố Hà Nội đến năm 2030 theo hướng phát triển bền vững” của NCS Nguyễn Thị Đông
09/04/2019 16:50
Sáng ngày 08 tháng 4 năm 2019, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Kinh tế phát triển, mã số 9310105 cho NCS Nguyễn Thị Đông với đề tài: "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành của thành phố Hà Nội đến năm 2030 theo hướng phát triển bền vững”.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện do PGS.TS. Ngô Doãn Vịnh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển làm Chủ tịch Hội đồng cùng 06 nhà khoa học gồm: PGS.TS. Hoàng Văn Hoan, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I, Phản biện 1; PGS.TS. Bùi Đức Tuân, Phó viện trưởng Viện Quản trị Kinh Doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân, Phản biện 2; GS.TS. Nguyễn Đình Hương, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên; PGS.TSKH. Trần Nguyễn Tuyên, Hội đồng lý luận Trung ương, Ủy viên; PGS.TS. Nguyễn Thị Nguyệt, Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên; TS. Cao Ngọc Lân, Trưởng ban Ban Chiến lược phát triển vùng, Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên thư ký.
Tham dự buổi bảo vệ có đại diện cơ quan đào tạo TS. Đinh Lâm Tấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển; đại diện cơ quan công tác của NCS Nguyễn Thị Đông có PGS.TS. Trần Trọng Nguyên, Phó Giám đốc Học Viện Chính sách và phát triển. Đặc biệt có sự tham dự của cả hai thầy hướng dẫn khoa học cho NCS Nguyễn Thị Đông là PGS.TS. Phạm Văn Khôi và PGS.TS. Vũ Thanh Sơn. Ngoài ra còn có sự tham dự đông đảo người thân, đồng nghiệp, bạn bè của NCS Nguyễn Thị Đông.
Luận án tiến sĩ của NCS Nguyễn Thị Đông, ngoài phần mở đầu, kết luận, nội dung luận án dài 142 trang, gồm 04 chương chính, cụ thể: Chương 1: Tổng quan các nghiên cứu liên quan đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành của thành phố lớn theo hướng phát triển bền vững; Chương 2: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành của thành phố lớn theo hướng phát triển bền vững; Chương 3: Thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành của thành phố Hà Nội theo hướng phát triển bền vững giai đoạn 2009-2017; Chương 4: Định hướng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành của thành phố Hà Nội đến năm 2030 theo hướng phát triển bền vững.
Về mặt học thuật, lý luận, luận án đã đưa ra quan niệm về cơ cấu kinh tế ngành (CCKTN) của thành phố lớn (quan hệ tỉ lệ giữa khối ngành dịch vụ với công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp đô thị trong CCKT); Quan niệm về chuyển dịch CCKTN của thành phố lớn theo hướng phát triển bền vững (việc thay đổi, làm mới CCKTN theo hướng hiện đại và theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời đảm bảo sự bền vững của bản thân việc chuyển dịch CCKTN và góp phần vào việc phát triển bền vững của cả nền kinh tế); Phương thức thực hiện chuyển dịch CCKTN đó là thay đổi cơ cấu đầu tư và phát triển doanh nghiệp lớn. Đồng thời, luận án đã chỉ ra 5 điều kiện cơ bản để chuyển dịch CCKTN của thành phố lớn theo hướng phát triển bền vững (PTBV): (i)Ý chí chính trị và quyết tâm của chính quyền địa phương; (ii) Đội ngũ doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn, có tiềm lực; (iii) Sự ủng hộ và quyết tâm của dân cư và cộng đồng doanh nghiệp; (iv) Thị trường; (v) Kết cấu hạ tầng thuận lợi. Luận án xác định hai nhóm chỉ tiêu đánh giá kết quả và đóng góp của chuyển dịch CCKTN vào hiệu quả phát triển kinh tế của thành phố lớn, gồm: Nhóm 1: Đánh giá kết quả chuyển dịch CCKTN theo hướng PTBV; Nhóm 2: Đánh giá đóng góp của chuyển dịch CCKTN vào hiệu quả phát triển kinh tế.
Về mặt thực tiễn, luận án đã phân tích, đánh giá thực trạng và đưa ra những nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, yếu kém trong chuyển dịch CCKTN của Hà Nội đó là: (1) Công tác quản lý và điều hành chuyển dịch CCKTN còn nhiều bất cập; (2) Cơ cấu đầu tư chưa hợp lý; (3) Thiếu các doanh nghiệp lớn; (4) Thiếu nhân lực chất lượng cao; (5) Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa hiện đại, đồng bộ; (6) Thị trường phát triển nhưng chưa bền vững.
Trên cơ sở khoa học và thực tiễn, luận án đề xuất 06 giải pháp cơ bản cần phải thực hiện đồng bộ nhằm đảm bảo chuyển dịch CCKTN của thành phố Hà Nội đến năm 2030 theo hướng PTBV, gồm: (1) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với chuyển dịch CCKTN đặc biệt có chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển, chuyển dịch CCKTN theo định hướng đã xác định; (2) Đổi mới đầu tư đáp ứng yêu cầu chuyển dịch CCKTN theo hướng PTBV; (3) Phát triển hệ thống doanh nghiệp với nhiều doanh nghiệp lớn và hoạt động có hiệu quả; (4) Phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp và phát triển lĩnh vực công nghệ cao, ngành sản phẩm chủ lực; (5) Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh mạng; (6) Phát triển đồng bộ các loại thị trường, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.