Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở đề tài "Phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh biến đổi khí hậu” của NCS Phạm Thị Diệu Linh

28/01/2021 16:39


Sáng ngày 27 tháng 01 năm 2021, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở chuyên ngành Kinh tế phát triển, mã số 9310105 cho NCS Phạm Thị Diệu Linh với đề tài: "Phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở do PGS.TS. Ngô Doãn Vịnh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển làm Chủ tịch Hội đồng cùng các nhà khoa học gồm: PGS.TS. Bùi Đức Tuân đến từ Đại học Kinh tế quốc dân, Phản biện 1; GS.TS. Nguyễn Đình Hương, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Phản biện 2; PGS.TS. Nguyễn Thị Nguyệt, Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên Hội đồng; PGS.TS. Ngô Hạnh Phúc, Học Viện Chính sách và Phát triển, Ủy viên Hội đồng (vắng mặt, có gửi bài nhận xét); PGS.TS. Nguyễn Cúc, Học Viện Chính trị khu vực I, Ủy viên Hội đồng; TS. Cao Ngọc Lân, Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên, Thư ký.

Tham dự buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở còn có TS. Đinh Lâm Tấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển.

Với mục đích của luận án là đề xuất định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh biến đổi khí hậu đến năm 2025 một cách có căn cứ khoa học, tác giả đã hoàn thành luận án dài 149 trang (không kể mục lục và tài liệu tham khảo) với nội dung gồm bốn chương chính: Chương I: Tổng quan các công trình khoa học có liên quan đến phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Chương II: Cơ sở lý luận về phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và kinh nghiệm thực tiễn; Chương III: Thực trạng phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2011-2019; Chương IV: Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025.

Qua quá trình nghiên cứu, tác giả cho rằng, trong giai đoạn 2011-2019, sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tuy có bước phát triển khá hơn nhưng nhìn chung chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh; hiệu quả đang còn thấp, thiếu bền vững. Để phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2020-2025 ở tỉnh Thanh Hóa nhất thiết phải thực hiện các giải pháp cơ bản sau: (1) Cần bắt đầu từ đổi mới quản lý nhà nước; (2) Sản xuất nông nghiệp phải được tổ chức một cách khoa học; (3) Tiếp tục gia tăng quy mô vốn đầu tư cho việc phát triển nông nghiệp và để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đổi mới cơ cấu đầu tư theo hướng ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ, tạo và nhập giống có năng suất và chất lượng cao. Đổi mới quy trình canh tác và chế biến sâu nông sản.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở đánh giá cao nội dung nghiên cứu của tác giả, tác giả đã thực hiện nghiên cứu một cách công phu, nghiêm túc. Tác giả đã làm rõ nội hàm, bản chất của phát triển nông nghiệp bền vững đối với tỉnh; đánh giá tương đối rõ mặt được và chưa được, nguyên nhân thành công cũng như hạn chế trong việc phát triển nông nghiệp bền vững ở tỉnh Thanh Hóa trong thời gian vừa qua và đã đề xuất được 05 giải pháp lớn nhằm phát triển nông nghiệp bền vững ở tỉnh này. Các tài liệu, số liệu sử dụng trong luận án đều được ghi rõ nguồn gốc trích dẫn, thể hiện tính trung thực. Luận án đã đáp ứng được các yêu cầu đối với một luận án tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế phát triển theo Quy chế hiện hành và thống nhất đề nghị Viện Chiến lược phát triển cho NCS Phạm Thị Diệu Linh được bảo vệ ở cấp cao hơn sau khi đã chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển