Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở đề tài "Phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn đến năm 2030” của NCS Nguyễn Thị Hằng

08/05/2018 14:37


Sáng ngày 04 tháng 5 năm 2018, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở chuyên ngành Kinh tế phát triển cho NCS Nguyễn Thị Hằng với đề tài: "Phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn đến năm 2030”.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở do GS.TS. Ngô Thế Chi, nguyên Giám đốc Học viện Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng cùng các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Kinh tế và Quản trị doanh nghiệp trực thuộc Đại học Thái Nguyên, Học viện Chính sách và Phát triển, Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Chiến lược phát triển .

Với mục tiêu của luận án là: Vận dụng cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển công nghiệp để đánh giá tiềm năng, phân tích thực trạng phát triển ngành công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển hơn nữa ngành công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn tiếp theo. Tác giả đã hoàn thành luận án dài 159 trang (không kể mục lục và tài liệu tham khảo) với nội dung gồm bốn chương chính: Chương I: Tổng quan tình hình nghiên cứu; Chương II: Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển công nghiệp trong thời đại toàn cầu hóa; Chương III: Thực trạng phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2000 - 2017; Chương IV: Phương hướng, giải pháp phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở đánh giá luận án là một công trình nghiên cứu độc lập và nghiêm túc của tác giả. Luận án có cấu trúc hợp lý cả về nội dung và hình thức. Tác giả đã phân tích khá rõ tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước và ngoài nước những vấn đề đã được các công trình đề cập đến và những khoảng trống trong các công trình này. Tác giả đã phân tích chỉ rõ thực trạng phát triển công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên, trong đó phân tích lợi thế so sánh của tỉnh, các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp, gồm các nhóm nhân tố bên trong và nhóm nhân tố bên ngoài. Từ đó tác giả đề xuất 8 giải pháp phát triển công nghiệp. Các giải pháp được Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở cho rằng cơ bản mang tính khả thi.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở đánh giá luận án đã đáp ứng được các yêu cầu đối với một luận án tiến sĩ theo Quy chế hiện hành và thống nhất đề nghị Viện Chiến lược phát triển cho NCS Nguyễn Thị Hằng được bảo vệ ở cấp cao hơn sau khi đã chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.