Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở đề tài "Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” của NCS Nguyễn Xuân Thọ
28/11/2018 15:47
Chiều ngày 16 tháng 11 năm 2018, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở chuyên ngành Kinh tế phát triển, mã số 9310105 cho NCS Nguyễn Xuân Thọ với đề tài: "Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở do GS.TS. Ngô Thắng Lợi đến từ trường Đại học Kinh tế quốc dân làm Chủ tịch Hội đồng cùng các nhà khoa học: GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Phản biện 1; TS. Nguyễn Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Phản biện 2; PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Ủy viên; PGS.TS. Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam, Ủy viên; TS. Trần Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Ủy viên; TS. Kim Quốc Chính, Trưởng ban Ban Chiến lược phát triển các ngành sản xuất, Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên thư ký. Tham dự buổi bảo vệ còn có TS. Đinh Lâm Tấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, đại diện đơn vị đào tạo; PGS. TS. Bùi Tất Thắng, người hướng dẫn khoa học thứ nhất cho nghiên cứu sinh và các cá nhân có quan tâm
Với mục tiêu của luận án là: Hệ thống hóa một số vấn đề lý luận cơ bản về năng lực cạnh tranh nói chung và đối với sản phẩm dệt may nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phân tích, đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam hiện nay và nguyên nhân của tình hình. Từ đó đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩn dệt may, tham gia sâu vào chuỗi may mặc thế giới.
Trên cơ sở đó, tác giả đã hoàn thành luận án dài 144 trang (không kể mục lục và tài liệu tham khảo) với nội dung gồm bốn chương chính: Chương I: Tổng quan các công trình khoa học liên quan đến đề tài; Chương II: Một số vấn đề lý luận về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh; Chương III: Thực trạng năng lực cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam; Chương IV: Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm dệt may trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Luận án đã nghiên cứu và xác định được bộ tiêu chí cơ bản đánh giá năng lực cạnh trang sản phẩm dệt may bao gồm: Thị phần sản phẩm dệt may, chất lượng nguồn nhân lực dệt may, công nghệ thiết bị dệt may, thương hiệu sản phẩm dệt may, chi phí lao động dệt may, thời gian sản xuất sản phẩm dệt may và chính sách của nhà nước.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở đánh giá luận án là một công trình nghiên cứu độc lập và nghiêm túc của tác giả. Nội dung nghiên cứu có một số kết quả tốt cả về lý luận và thực tiễn. Luận án dự báo khá toàn diện và cập nhật về bối cảnh quốc tế đến năm 2030, có quan điểm về nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam và các giải pháp thực hiện. Các giải pháp tác giả đưa ra khá gắn với ngành dệt may của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở đánh giá luận án đã đáp ứng được các yêu cầu đối với một luận án tiến sĩ theo Quy chế hiện hành và thống nhất đề nghị Viện Chiến lược phát triển cho NCS Nguyễn Xuân Thọ được bảo vệ ở cấp cao hơn sau khi đã chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển