Tọa đàm khoa học "Phát triển bền vững ở Việt Nam – Từ khía cạnh phát triển năng lượng”

30/09/2016 20:36


Chiều ngày 29/9/2016, tại trụ sở 65 Văn Miếu, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi tọa đàm về vấn đề "Phát triển bền vững ở Việt Nam – Từ khía cạnh phát triển năng lượng” do GS. Dimiter Ialnazov đến từ trường Đại học Kyoto trình bày. Tham dự tọa đàm có Phó Viện trưởng Phan Ngọc Mai Phương, Phó Viện trưởng Nguyễn Văn Vịnh, đại diện lãnh đạo một số Ban và đông đảo nghiên cứu viên của Viện.

Tại tọa đàm, GS. Dimiter Ialnazov đã chia sẻ tóm tắt bốn nội dung trong chủ đề "Phát triển bền vững ở Việt Nam – Từ khía cạnh phát triển năng lượng” mà ông đã trình bày tại Hội thảo quốc tế "Xây dựng xã hội phát triển bền vững: Hợp tác Việt Nam Nhật Bản” tại Hà Nội vào ngày 28 tháng 9 năm 2016, gồm: (1) Kể từ sau cải cách, "Đổi mới”, Việt Nam đã đạt được những bước phát triển kinh tế đáng chú ý, tuy nhiên đây không phải là sự phát triển bền vững; (2) Việc triển khai thực hiện Năng lượng tái tạo (RE) là một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển bền vững; (3) Về việc triển khai thực hiện năng lượng tái tạo tại Việt Nam; (4) Về quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong phát triển năng lượng tái tạo.

GS. Dimiter Ialnazov cho biết, mặc dù tiềm năng của RE tại Việt Nam rất lớn, nhưng trên thực tế việc triển khai lại khá chậm chạp. Việt Nam chủ yếu tập trung vào năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ và năng lượng sinh khối. Trong báo cáo nghiên cứu của mình giáo sư cũng đã đưa ra bốn loại chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo cho Việt Nam như: Biểu giá chi phí tránh được (Avoided Cost Tariff –ACT); giá bán điện năng sản xuất từ nguồn RE (FIT); ưu đãi về thuế và ưu đãi trong sử dụng đất.

Trong quan hệ hợp tác Nhật Bản – Việt Nam, GS. Dimiter Ialnazov cũng chia sẻ, Nhật Bản nói chúng và Văn phòng JICA Hà Nội nói riêng đã có hỗ trợ trong lĩnh vực năng lượng cho Việt Nam từ nhiều năm nay, như hỗ trợ xây dựng các nhà máy thủy điện quy mô lớn, nhà máy điện đốt than, nhà máy điện khí đốt,… và hỗ trợ cho việc xây dựng thể chế và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng. Giáo sư cũng cho biết, cho đến năm 2030 Nhật Bản tiến hành hỗ trợ Việt Nam xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Sau nghi nghe bài trình bày của GS. Dimiter Ialnazov, các lãnh đạo và nghiên cứu viên của Viện đã có nhiều ý kiến trao đổi với giáo sư xoay quanh vấn đề năng lượng, những giải pháp để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, những kinh nghiệm của Nhật Bản và áp dụng vào Việt Nam.v.v… ./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.