Sinh hoạt khoa học với chủ đề "Cách mạng Công nghiệp 4.0 và một số dự báo tác động của nó đến nền kinh tế Việt Nam”

28/08/2017 15:30


Sáng ngày 23/8/2017, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện, Ban chấp hành đoàn thanh niên Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề "Cách mạng Công nghiệp 4.0 và một số dự báo tác động của nó đến nền kinh tế Việt Nam” do Ths. Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng ban Ban Tổng hợp trình bày. Tham dự buổi sinh hoạt khoa học có Viện trưởng Bùi Tất Thắng , toàn thể đoàn viên thanh niên và công chức, viên chức của Viện.

Buổi sinh hoạt khoa học đã được nghe Ths. Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng ban Ban Tổng hợp giới thiệu vài nét về các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lần thứ 2, lần thứ 3 và tổng quan Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (1760-1850): Cuộc cách mạng công nghiệp này đã mang đến nhiều thay đổi có tính bước ngoặt trong phát triển sản xuất, như sự xuất hiện của: năng lượng mới (hơi nước); vật liệu mới (thép); máy móc, thiết bị; mô hình sản xuất mới (nhà máy); phương tiện giao thông mới (xe lửa, tàu thủy);… và trong thời kỳ này "của cải được tạo ra chưa bao giờ nhiều đến thế”. Cách mạng công nghiệp lần thứ hai (1850-1914): Xuất hiện nhiều nhà sáng chế nổi tiếng như: Edison, Bell, Carnegie,… Đó là thời kỳ Kỷ nguyên của Khoa học Kinh tế như: Marx, Webber, Veblen, Fisher, Ludwig Von Mises,… Và trong thời kỳ này có sự xuất hiện điện thoại, đường sắt (phổ biến), thư tín, điện, hóa chất, thang máy, động cơ đốt trong (ô tô và máy bay). Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 (1950 - nay) đã xuất hiện máy tính, thiết bị điện tử, tự động hóa và nhiều ngành khoa học được phát triển và ra đời.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là sự tương tác và tích hợp những công nghệ bậc cao nhất của loài người trong nhiều lĩnh vực như: sinh học, vật lý, số,… Điều đó tác động rất lớn đền nền kinh tế nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Nó sẽ dẫn đến sự thay đổi căn bản cuộc sống của loài người. Những phát minh, ứng dụng nổi trội có thể thấy ở tương lai gần như: Trí thông minh nhân tạo tạo ra những dữ liệu lớn, tạo ra rô bốt và sự kết nối siêu việt của nó, in 3D, bản đồ gen,…

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ có những tác động lớn đến Việt Nam như: Thất nghiệp và thiếu việc làm có thể tăng cao ở độ tuổi 30 đến ngoài 60 trong 20 năm tới, mô hình sản xuất kinh doanh thay đổi mạnh mẽ,… Chính vì vậy Việt Nam cần có những cải cách và chủ động bắt nhịp với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.

Buổi sinh hoạt đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, thảo luận của các đoàn viên thanh niên và cán bộ trong Viện.

Kết thúc buổi sinh hoạt khoa học, Viện trưởng Bùi Tất Thắng biểu dương Ban chấp hành đoàn thanh niên Viện đã tổ chức được một buổi sinh hoạt khoa học có ý nghĩa. Đồng thời Viện trưởng hoan nghênh tinh thần nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi của toàn thể cán bộ, đoàn viên trong Viện. Viện trưởng hy vọng sẽ có nhiều buổi sinh hoạt khoa học hơn nữa được Ban chấp hành đoàn thanh niên Viện tổ chức trong thời gian tới./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.