Sinh hoạt khoa học về triển khai thực hiện Luật Quy hoạch

26/01/2018 09:26


Ngày 24 tháng 11 năm 2017, Quốc hội khoá XIV, kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật Quy hoạch, có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 01 năm 2019. Riêng các quy định về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2018.

Nhằm khẩn trương chuẩn bị cho việc thực hiện Luật, trong khuôn khổ các nhiệm vụ để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, ngày 24 tháng 01 năm 2018, Hội đồng khoa học Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học mở rộng trong thời gian một ngày, do Viện trưởng Bùi Tất Thắng - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện chủ trì với hai nội dung chính: Nghiên cứu phân vùng phục vụ quy hoạch và Nội dung quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch.

Tại buổi sinh hoạt khoa học, TS. Trần Hồng Quang - Phó Viện trưởng đã trình bày một số nội dung về phân vùng, theo đó thường được xem xét trên các yếu tố: (1) Các địa phương có điều kiện tương đồng về điều kiện tự nhiên, sinh thái, lịch sử; (2) Các địa phương có mối quan hệ, liên kết tương đối chặt chẽ; (3) Quy mô của vùng phù hợp để xác định các định hướng phát triển theo tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, mang lại hiệu quả tổng thể cao nhất. Từ năm 1975 đến nay, nước ta đã có một số cách phân chia vùng khác nhau trong mỗi giai đoạn. Giai đoạn 1975 – 1980 chia làm 08 vùng kinh tế lớn, gồm: (1) Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ; (2) Quảng Ninh; (3) Tây Bắc Bắc Bộ; (4) Cao Bằng - Lạng Sơn - Bắc Thái; (5) Thanh Nghệ Tĩnh - Bình Trị Thiên; (6) Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung; (7) Đông Nam Bộ; (8) Đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn 1980 - 1986 lãnh thổ Việt Nam phân thành 04 vùng kinh tế lớn, dưới vùng kinh tế lớn có 06 tiểu vùng, gồm: (1) Vùng Bắc Bộ gồm 16 tỉnh, được chia thành 02 tiểu vùng: Tiểu vùng Trung du - Miền núi, Tiểu vùng Đồng bằng sông Hồng; (2) Vùng Bắc Trung Bộ: Gồm 3 tỉnh: Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa; (3) Vùng Nam Trung Bộ gồm 7 tỉnh, được chia thành 02 tiểu vùng: Tiểu vùng Duyên hải khu 5, Tiểu vùng Tây Nguyên; (4) Vùng Nam Bộ gồm 14 tỉnh, được chia thành 02 tiểu vùng: Tiểu vùng Đông Nam Bộ, Tiểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn 1986 - 2000 nước ta được phân thành 08 vùng kinh tế - xã hội (53 tỉnh, thành phố), gồm: (1) Vùng Đông Bắc gồm 10 tỉnh; (2) Vùng Tây Bắc gồm 3 tỉnh; (3) Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 7 tỉnh, thành phố; (4) Vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh; (5) Vùng Duyên hải Miền Trung gồm 5 tỉnh thành phố; (6) Vùng Tây Nguyên gồm 3 tỉnh; (7) Vùng Đông Nam Bộ gồm 8 tỉnh, thành phố; (8) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 11 tỉnh. Giai đoạn 2000 - nay cả nước phân thành 06 vùng kinh tế - xã hội, gồm: (1) Vùng Trung du - Miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh; (2) Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố; (3) Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung gồm 14 tỉnh; (4) Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh; (5) Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố; (6) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố.

TS. Trần Hồng Quang - Phó Viện trưởng trình bày tại buổi sinh hoạt khoa học.
 
Để phục vụ cho thực hiện Luật Quy hoạch, Phó Viện trưởng Trần Hồng Quang cũng đã trình bày một số luận chứng phân vùng trong giai đoạn 2021 – 2030, trong đó đưa ra một số phương án để trao đổi, thảo luận, như phương án 6 vùng hiện tại; phương án 8 vùng, phương án 7 vùng. Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm và còn nhiều ý kiến khác nhau, đó là các tiêu chí phân vùng và phương án phân vùng nào phù hợp. Các nội dung này tiếp tục được các đơn vị, cá nhân của Viện Chiến lược phát triển nghiên cứu, tham gia ý kiến và trao đổi, thảo luận trong các buổi sinh hoạt khoa học tiếp theo.
Về nội dung quy hoạch tỉnh, ThS. Nguyễn Hoàng Hà – Trưởng ban Ban Tổng hợp của Viện đã giới thiệu về quy hoạch của một số thành phố lớn trên thế giới, đồng thời đưa ra một số ý kiến, đề xuất đối với quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch, như: cần làm rõ sự cần thiết của bản quy hoạch, hay nói cách khác là bản quy hoạch này nhằm mục đích gì? có ý nghĩa như thế nào? phục vụ cho các đối tượng như thế nào? Báo cáo quy hoạch cần bổ sung quy trình xây dựng quy hoạch hay cách thức bản quy hoạch được xây dựng như thế nào? Bổ sung tầm nhìn quy hoạch. Các mục tiêu nên rõ ràng, gắn trực tiếp với người dân và dễ đánh giá, kiểm soát,…

ThS. Nguyễn Hoàng Hà - Trưởng ban Ban Tổng hợp trình bày tại buổi sinh hoạt khoa học.
 

Kết thúc buổi sinh hoạt khoa học, Viện trưởng Bùi Tất Thắng đã hoan nghênh ý kiến đóng góp của các nghiên cứu viên trong Viện. Các ý kiến đã thể hiện sự quan tâm đến vấn đề quy hoạch và thực hiện Luật Quy hoạch, trong đó yêu cầu tích hợp đòi hỏi người làm quy hoạch cần có cái nhìn sâu và rộng hơn nữa trong xây dựng quy hoạch. Các buổi sinh hoạt khoa học về triển khai thực hiện Luật Quy hoạch sẽ tiếp tục được Hội đồng khoa học Viện tổ chức, nhằm phục vụ tốt cho xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch, Thông tư về định mức cho hoạt động quy hoạch cũng như triển khai lập quy hoạch khi Luật Quy hoạch chính thức có hiệu lực.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.