Sinh hoạt khoa học về chia sẻ phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của cộng đồng trong công tác xóa đói giảm nghèo

28/11/2016 10:39


Sáng ngày 24/11/2016, Tại 65 Văn Miếu, Hà Nội, Ban Phát triển nhân lực và xã hội đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học về Phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của cộng đồng (PRA) trong công tác xóa đói giảm nghèo do Ths. Nguyễn Quỳnh Trang trình bày. Buổi sinh hoạt khoa học do Ths. Nguyễn Thu Lan, Phó trưởng ban Ban Phát triển nhân lực và xã hội chủ trì. Tham dự có lãnh đạo Ban Phát triển nhân lực và xã hội, các cán bộ nghiên cứu thuộc Viện.

Tại buổi sinh hoạt, Ths. Nguyễn Quỳnh Trang đã giới thiệu đến các nghiên cứu viên trong Viện về phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của cộng đồng; đặc điểm, nguyên tắc, công cụ và lợi ích sử dụng phương pháp PRA; áp dụng phương pháp PRA ở Việt Nam. PRA là viết tắt của Participatory Rural Appraisal. Phương pháp PRA là cách tiếp cận từ dưới lên, khai thác các nguồn thông tin từ người dân, giúp họ tự tìm ra vấn đề và biện pháp khắc phục. Phương pháp này xuất hiện từ năm 1980 tại Ấn Độ và Châu Phi, do các nhà hoạt động trong công tác xóa đói giảm nghèo của Anh (Robert Chamber) nghiên cứu. Phương pháp PRA được phát triển từ phương pháp RRA (Rapid Rural Appraisal).

Nguyên tắc của phương pháp PRA là chủ yếu sử dụng kết quả định tính, kết quả định lượng chỉ mang tính hỗ trợ; kiểm tra chéo các nguồn thông tin từ các nhóm đối tượng khác nhau; vận dụng linh hoạt, sử dụng các phương tiện đơn giản, dễ hiểu; bình đẳng trong sự tham gia, tránh phân biệt giới và đối xử thiếu công bằng.

Phương pháp PRA cũng mang lại một số lợi ích như: nâng cao được tính xác thực, tính hiệu quả, bền vững cho quá trình xóa đói giảm nghèo và phát triển; tạo ra công bằng xã hội trong xóa đói giảm nghèo và phát triển; làm giảm bớt đi được sự phụ thuộc vào nguồn lực của nhà nước vì thông qua quá trình PRA sẽ phát huy được trách nhiệm của người dân trong phát triển cộng đồng.

Chủ đề sinh hoạt cũng đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi xoay quanh vấn đề làm thế nào để có thể áp dụng phương pháp này vào Việt Nam một cách hiệu quả cũng như lồng ghép phương pháp vào các quy hoạch, chiến lược mà Viện thực hiện trong thời gian tới.

Kết thúc buổi sinh hoạt, Ths. Nguyễn Thu Lan, Phó trưởng ban Ban Phát triển nhân lực và xã hội cảm ơn bài chia sẻ của Ths. Nguyễn Quỳnh Trang và mong muốn sẽ có nhiều buổi sinh hoạt khoa học như thế này để các nghiên cứu viên trong Viện cùng tìm hiểu, nghiên cứu và chia sẻ những thông tin bổ ích./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.