Hội thảo nội bộ bình luận báo cáo Việt Nam 2035

26/04/2017 14:56


Sáng 24/4/2017, tại 65 Văn Miếu, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức buổi hội thảo nội bộ bình luận báo cáo Việt Nam 2035. Tham dự hội thảo có đông đủ các cán bộ nghiên cứu trong Viện. Hội thảo do PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chủ trì.

Tiếp nối buổi tọa đàm trao đổi nội bộ diễn ra vào ngày 15 tháng 3, hội thảo lần này đã nhận được rất nhiều bài bình luận của các ban nghiên cứu và các nghiên cứu viên trong Viện. Hội thảo đã nghe 7 báo cáo của 7 ban nghiên cứu, gồm: Ban Tổng hợp, Ban Phát triển nhân lực và Xã hội, Ban Thông tin và Hợp tác quốc tế, Ban Phát triển các ngành sản xuất, Ban Phát triển Vùng, Ban Phát triển Hạ tầng, Ban Các vấn đề quốc tế và 4 bài bình luận cá nhân.

Mở đầu bài bình luận, ThS. Nguyễn Hoàng Hà, đại diện Ban Tổng hợp đã đưa ra một số ý kiến xoay quanh các vấn đề được thể hiện và không được thể hiện trong Báo cáo VN2035 như: Công nghiệp hóa là con đường tất yếu để các nước đang phát triển đuổi kịp các nước phát triển. Trong suốt hàng thập kỷ qua, Việt Nam đã tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa. Nhưng trong báo cáo lại không đề cập đến; Đối với Chương 3 về "Xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia”, ThS. Hà cho rằng cần xem xét, bổ sung những đánh giá về: công nghệ động và công nghệ tĩnh, cải cách hệ thống cơ sở nghiên cứu công lập, sở hữu trí tuệ, khoa học xã hội,… Thất nghiệp và thiếu việc làm của lực lượng lao động vào thời điểm sau năm 2025 là vấn đề được Ban Tổng hợp cho rằng là nỗi lo lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Vấn đề về năng suất lao động đã được ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Trang, đại diện Ban Phát triển nhân lực trình bày tại hội thảo. Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam vẫn tăng trong giai đoạn vừa qua, song tốc độ tăng có xu hướng giảm dần. Để giải quyết vấn đề này thì cần đến giải pháp ở cả 3 trụ cột của Báo cáo. Bài bình luận cũng đã trao đổi thêm về một số vẫn đề về phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động.

TS. Trần Anh Tuấn, đại diện Ban Thông tin và Hợp tác quốc tế đưa ra những bình luận tập trung vào những vấn đề về phát triển bền vững. Tiến sĩ Tuấn cho biết, để thực hiện phát triển bền vững trong điều kiện một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam hiên nay, nên chăng cần xây dựng một cách hệ thống và cần có lộ trình hợp lý, trong đó có xác định vấn đề ưu tiên cần giải quyết theo từng giai đoạn, xác định vùng trọng điểm, các ngành trọng điểm cần ưu tiên dành nguồn lực tập trung phát triển.

TS. Kim Quốc Chính, đại diện Ban Phát triển các ngành sản xuất bình luận tập trung vào hai vấn đến liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của Ban đó là: Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; Hiện đại hóa và thương mại hóa khu vực nông nghiệp. Theo bài bình luận của Ban Phát triển các ngành sản xuất thì quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay chỉ mang ý nghĩa cơ học, trong một số trường hợp còn làm tăng quy mô doanh nghiệp, đội vốn. Việt Nam cần có một giải pháp hiệu quả hơn.

Đại diện Ban Phát triển Vùng, TS. Cao Ngọc Lân đã trình bày bình luận về 03 nội dung như sau: (1) Bình luận chung về Báo cáo VN2035; (2) Bình luận đối với nội dung phân tích đô thị hóa ở Việt Nam theo 3 chiều: Mật độ, khoảng cách và phân biệt; (3) Bình luận về các khuyến nghị chính sách của Báo cáo VN2035. Theo TS. Lân việc quản lý vùng là rất cần thiết. Tuy nhiên, không nên thành lập chính quyền vùng mà nên thành lập cơ quan quản lý vùng ở cấp trung ương.

ThS. Lê Anh Tuấn, đại diện Ban Phát triển Hạ tầng cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu và làm rõ một số vấn đề về chuyển đổi như: Hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; Đô thị hóa và nâng cao hiệu quả kinh tế; Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. ThS. Tuấn cũng đưa ra kiến nghị, sau Báo cáo VN2035 cần xây dựng Chương trình hành động để thực hiện.

Một số vấn đề về tăng trưởng dài hạn là nội dung được ThS. Đặng Huyền Linh, đại diện Ban Các vấn đề quốc tế bình luận. Khái niệm về tăng trưởng nhanh và tăng trưởng bền vững đã được ThS. Linh nhắc đến trong bài bình luận này. Theo bài bình luận thì Việt Nam đã đạt được tăng trưởng nhanh trong khoảng 10 năm đầu Đổi Mới. Nhưng ở giai đoạn tiếp theo từ 2001-2013, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lại thiếu bền vững ở cả 03 nền tảng chính là: Ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng trên diện rộng và bền vững về môi trường.

Tổng kết lại các bài bình luận của các đơn vị và các cá nhân, Phó Viện trưởng Nguyễn Văn Vịnh đánh giá cao các bài bình luận đã trình bày tại hội thảo cũng như các bài bình luận đã gửi về Văn phòng Viện. Các bài bình luận này sẽ giúp ích cho nhóm rà soát các khuyến nghị ưu tiên của Báo cáo VN2035 trong quá trình thực hiện.

Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đánh giá cao các ban và cá nhân đã tích cực nghiên cứu và có những bài bình luận ý nghĩa. Viện trưởng hy vọng sẽ có những bài bình luận sâu hơn nữa trong thời gian tới./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.