Xây dựng khu kinh tế thương mai xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan, tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào

12/04/2024 08:55


Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Khu kinh tế thương mại đặt biệt Lao Bảo đã có bước phát triển đáng kể, hình thành diện mạo của khu đô thị biên giới. Về phía Lào, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ Lào đã ban hành Nghị định số 25/TTg về Khu thương mại biên giới Đensavan và Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet đã ban hành Quyết định về chính sách khuyến khích đầu tư vào khu kinh tế này. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, các hoạt động đầu tư, thương mại, dịch vụ tại hai khu kinh tế nói trên chưa được như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Trong bối cảnh kết nối, hợp tác phát triển đang trở thành xu hướng chung của khu vực, Việt Nam và Lào đang nỗ lực đề xuất các sáng kiến kết nối, tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế song phương, việc xây dựng và phát triển Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới (KKTTMXBG) chung Lao Bảo – Đensavan có ý nghĩa chiến lược, tạo động lực mới cho hợp tác Việt Nam – Lào.

1. Khu Kinh tế thương mại chung có ý nghĩa chiến lược với Việt Nam và Lào trong bối cảnh mới

Nghiên cứu xây dựng khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới (KKTTMXBG) chung Lao Bảo – Đensavan là vấn đề đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước của Việt Nam và Lào cũng như lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet đặc biệt quan tâm. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Trị đã chủ động đề xuất với Trung ương phương hướng nghiên cứu xây dựng KKTTMXBG chung Lao Bảo – Đensavan. Văn bản số 35-TB/VPTW ngày 21/04/2017 của Văn phòng BCH Trung ương thông báo về kết quả chuyến thăm và làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại tỉnh Quảng Trị, đã đồng ý việc “Chọn tỉnh Quảng Trị làm điểm để nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội tại Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Đensavan”.

Văn bản số 6977/VPCP-QHĐP ngày 07/8/2019 của Văn phòng Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Quảng Trị xây dựng Đề án Phát triển KKTTMXBG nói trên. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị đã nêu rõ chủ trương về việc “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với Hành lang kinh tế Đông - Tây. Nghiên cứu thí điểm mô hình Khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên hành lang kinh tế Đông - Tây”. Tiếp đó, văn bản số 993/VPCP-QHQT ngày 30/03/2023 của Văn phòng Chính phủ thông báo chủ trương giao tỉnh Quảng Trị “phối hợp các cơ quan phía Việt Nam và phía Lào báo cáo cấp thẩm quyền hai nước xem xét, nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên Hành lang kinh tế Đông - Tây đảm bảo trình tự, theo thủ tục quy định”.

Từ nhận thức chung về tầm quan trọng của KKTTMXBG chung nói trên, phía Lào và tỉnh Savannakhet cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam nghiên cứu xây dựng KKTTM này. Trong chuyến thăm và làm việc của Đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tại tỉnh Savannakhet (17 - 19/02/2022): “Hai bên thống nhất phối hợp nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù trình Bộ Chính trị, Chính phủ hai nước cho thí điểm xây dựng Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan.[1]” 

Việc xây dựng và phát triển KKTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đen Sa Vẳn có ý nghĩa chiến lược trong thúc đẩy kết nối kinh tế Việt Nam – Lào; góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Lào và bảo đảm quốc phòng, an ninh cho cả hai nước. Xây dựng và phát triển của KKTTM này trở thành nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong bối cảnh tình hình hợp tác, kết nối vùng, kết nối khu vực đã và đang xuất hiện những yếu tố mới đáng lưu ý như sau:

Thứ nhất, kết nối kinh tế, mà trong đó kết nối hạ tầng giao thông, kết nối thương mại là trọng tâm, đang trở thành một xu hướng lớn của các quốc gia trong khu vực. Giữa Trung Quốc với Lào, Trung Quốc với Việt Nam và các nước trong khu vực đã triển khai mô hình Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới; thí điểm các mô hình thông quan mới, cửa khẩu thông minh… Đây là những mô hình tốt để Việt Nam và Lào tham khảo trong nghiên cứu xây dựng KKTTMXBG chung.

Thứ hai, tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào đã chính thức đi vào hoạt động tác, khánh thành ngày 03/12/2021, tác động mạnh đến kết nối khu vực. Theo đó, thúc đẩy phát triển du lịch và các ngành công nghiệp, cũng như giao lưu kinh tế thương mại cho Lào và các nước trong khu vực; tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Lào và gia tăng nhu cầu hàng hóa đi qua cửa khẩu Lao Bảo – Đensavan.

Thứ ba, Việt Nam và Lào đang đẩy mạnh phát triển, kết nối kinh tế. Việt Nam đã quy hoạch và phát triển nhiều dự án hạ tầng giao thông thúc đẩy kết nối Đông – Tây và kết nối Vùng duyên hải Nam Trung Bộ và kết nối với Lào. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị[2] xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi nội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và liên vùng; kêu gọi và thúc đẩy đầu tư tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo; đầu tư xây dựng mới cảng hàng không Phan Thiết, cảng hàng không Quảng Trị… 

Thứ tư, Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Lào đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhưng đã chững lại trong những năm gần đây với biểu hiện cụ thể là kim ngạch đầu tư, thương mại tăng trưởng chậm. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thương mại, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu Campuchia và Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9,7%/năm, trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Lào và Việt Nam có xu hướng giảm rõ rệt trong giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng âm 2%/năm. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có mô hình, giải pháp sáng tạo hơn để nâng cao số lượng và chất lượng hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Nhận thức về tầm quan trọng của KKTTMXBG chung Lao Bảo – Đensavan và bối cảnh nêu trên tạo cơ hội thuận lợi và cơ hội thành công cho KKTTM này. Đồng thời, cũng cho thấy yêu cầu cấp thiết xây dựng KKTTM để tạo bước đột phá và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa hai nước láng giềng anh em.

2. Hướng đi mới, những thuận lợi và khó khăn

Triển khai xây dựng KKTTMXBG chung Lao Bảo – Đensavan, Việt Nam và Lào cùng đối diện một số thuận lợi và khó khăn chủ yếu sau:

 2.1. Những thuận lợi chủ yếu

- Việt Nam và các nước trong khu vực đã từng bước triển khai xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, có mô hình để tham khảo. Đến nay, Việt Nam đã, đang nghiên cứu, triển khai các mô hình Khu hợp tác kinh tế qua biên giới với Trung Quốc và Lào tại 05 cửa khẩu quốc tế (04 với Trung Quốc; 01 với Lào).     

- Lòng tin chính trị và quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào phát triển tốt đẹp. Việt Nam tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Lào với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD. Một số dự án kết nối giao thông chiến lược đang được tích cực triển khai. Tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet có quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp.

- KKTTM đặc biệt Lao Bảo có vị trí thuận lợi, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch thuộc HLKT Đông - Tây, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế, hạ tầng giao thông quan trọng của khu vực. Theo đó, thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ như vận tải và logistics, thương mại, du lịch...

- Khung khổ pháp luật và điều kiện phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào tương đối thuận lợi. Việt Nam và Lào đã xây dựng được những cơ chế, chính sách về quản lý và điều hành hoạt động thương mại biên giới tương đối toàn diện, bao gồm quy định về xuất nhập cảnh người và phương tiện; quy định về hàng hóa được mua bán, trao đổi qua biên giới...

- Hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến hoạt động thương mại biên giới của 2 cửa khẩu đã từng bước được đầu tư phát triển. Trong những năm qua, 2 tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng thương mại bao gồm hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng giao thông kết nối với cửa khẩu và chợ biên giới, kho hàng... Dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới qua cửa khẩu ngày càng được tăng cường.

2.2. Khó khăn chung

- Chính phủ hai nước chưa có chủ trương đàm phán Hiệp định về xây dựng KKTTMXBG chung Lao Bảo – Đensavan.

- Mô hình Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới được Trung Quốc triển khai với các nước láng giềng từ năm 2006 đến nay, nhưng hiện chưa có mô hình nào thành công để có thể tham khảo.

- KKTTM đặc biệt Lao Bảo và Khu TMBG Đensavan nằm ở địa bàn miền núi biên giới; xa trung tâm tỉnh lỵ, sân bay, cảng biển nên trở ngại khó khăn về đi lại, vận chuyển hàng hóa. Trong khi đó, tình hình phát triển kinh tế, thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào hiện nay chưa đủ để tạo ra sức hút mạnh với các nhà đầu tư để họ đầu tư vào KKTTMXBG chung của hai nước.

- Việc triển khai mô hình thí điểm hợp tác kinh tế như KKTTMXBG Lao Bảo - Đensavan đòi hỏi phải sửa đổi nhiều quy định pháp luật của Việt Nam cũng như của Lào. Tại Việt Nam, trước đây một số dự án kết nối tương tự thường ít nhận được sự đồng tình ủng hộ của các Bộ, ngành[3]. 

3. Đề xuất phương hướng và lộ trình hợp tác xây dựng KKTTMXBG chung

Trên cơ sở đánh giá sự cần thiết, bối cảnh mới và những thuận lợi khó khăn nêu trên, chúng tôi kiến nghị tỉnh Quảng trị, tỉnh Savannakhet đề xuất Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Lào xây dựng KKTTMXBG chung Lao Bảo – Đensavan với các nội dung chủ yếu sau:

3.1. Về diện tích, phạm vi, chức năng của KKTTM

- Tổng diện tích Khu KTTM xuyên biên giới chung (khu vực trung tâm) là 3.224 ha; trong đó, diện tích phía Việt Nam là 1.724 ha; diện tích phía Lào là 1.500 ha. Khu vực phát triển bao gồm toàn bộ Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo có diện tích 15.804 ha và Khu TMBG Đensavan có diện tích khoảng 4.000 ha.

- Về tính chất, chức năng: Là KKTTM tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong phạm vi KKTTM có các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu phi thuế quan, các điểm du lịch… Các lĩnh vực, ngành nghề trọng tâm phát triển tại KKTTM gồm:

+ Công nghiệp: Sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may công nghệ hiện đại, các ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp năng lượng (điện gió, điện mặt trời, chế biến nông sản....).

+ Dịch vụ: Dịch vụ vận tải và logistics; dịch vụ thương mại; dịch vụ du lịch; dịch vụ tài chính; dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các loại hình dịch vụ khác phục vụ cư dân KKTTM và vùng phụ cận.

- Về chức năng: KKT là vùng kinh tế động lực, cực tăng trưởng mới của tỉnh Quảng Trị, tỉnh Savannakhet nói riêng, tuyến biên giới Việt Nam – Lào nói chung; nơi thí điểm chính sách, triển khai một số mô hình, dự án sản xuất mới. Đồng thời, KKTTM cũng là khu vực trọng điểm mở rộng đô thị hóa, tăng cường kết nối vùng, ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương và khu vực phụ cận.

Hình 1: Sơ đồ Quy hoạch mặt bằng KKTTMXBG chung

Lao Bảo 1

3.2. Mô hình Kinh tế thương mại mới

Qua kinh nghiệm đàm phán, bước đầu triển khai xây dựng các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới giữa Trung Quốc với Lào, Việt Nam và các nước trong khu vực, Đề án lựa chọn mô hình “hai nước hai khu” (mô hình đối xứng) để áp dụng đối với KKTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan (xem Hình 2).

Hình 2: KKTTM theo mô hình “hai nước hai khu” 

 z5340271709246_44090a50d6aaa611849bdcaefb38eb0d

3.3. Đề xuất cơ chế chính sách phát triển (chính sách thí điểm chung cho cả Việt Nam và Lào)

Theo tinh thần “thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội tại KKTTM đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Đensavan” mà các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ hai nước nhấn mạnh như đã nêu ở mục 1 của báo cáo này, KKTTMXBG chung cần được áp dụng cơ chế, chính sách thí điểm với mức ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam. Một số chính sách cụ thể như sau:

- Về chính sách đất đai, thời hạn giao đất cho thuế đất đối với tổ chức để thực hiện dự án không quá 50 năm hoặc 70 năm;

- Về huy động nguồn vốn đầu tư: Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu từ nguồn thu ngân sách Trung ương hưởng (hoặc để lại cho ngân sách địa phương một phần số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu) phát sinh tại KKTTMXBG chung trong thời gian từ 10 – 15 năm để đầu tư kết cấu hạ tầng tại KKTTM. Ngân sách địa phương hai tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại trong KKTTM xuyên biên giới chung. 

- Hai bên cùng tạo thuận lợi trong thủ tục đầu tư, vay vốn của doanh nghiệp Việt Nam, Lào và doanh nghiệp nước khác đầu tư vào KKTTM; doanh nghiệp Việt Nam được áp dụng thủ tục đầu tư, vay vốn đầu tư tại KKTTM đơn giản như đầu tư trong nước. 

- Về thuế, doanh nghiệp tại KKTTMXBG chung được áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất về thuế theo quy định hiện hành của Việt Nam hoặc Lào.

- Về lao động và nhân lực, cho phép KKTTM áp dụng linh hoạt cơ chế tuyển dụng lao động theo hợp đồng lao động. Tỷ lệ lao động là người Việt Nam, người Lào làm việc tại các dự án trong KKTTM được phép cao hơn quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và Lào…

3.4. Lộ trình xây dựng, phát triển KKTTM

Việc trao đổi, đàm phán, triển khai xây dựng và vận hành, phát triển KKTTM cần thực hiện theo lộ trình với 03 giai đoạn sau:

- Giai đoạn 2024 - 2025: Xin chủ trương đàm phán từ Chính phủ; hai bên đàm phán và thông qua Hiệp định về Xây dựng KKTTMXBG chung Lao Bảo – Đensavan và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Hiệp định.

- Giai đoạn 2026-2030: Tập trung vào thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi chung, đầu tư hoàn thiện khu vực cửa khẩu, hình thành một số khu phi thuế quan, khu công nghiệp, logicstic.

- Giai đoạn sau năm 2030: Thúc đẩy toàn diện các nội dung hợp tác (như đã nêu ở phần trên).

Từ những phân tích, đánh giá, đề xuất nêu trên, chúng tôi cho rằng, việc nghiên cứu xây dựng KKTTMXBG chung Lao Bảo – Đensavan là nhiệm vụ rất mới, rất khó, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh Quảng Trị, tỉnh Savannakhet, các bộ ngành và Chính phủ hai bên. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách trong bối cảnh mới hiện nay và nếu thực hiện thành công, KKTTMXBG này sẽ tạo đông lực quan trọng thúc đẩy kết nối và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Lào; đồng thời, KKTTM này cũng là một tiền lệ đóng góp thiết thực cho việc hình thành mô hình khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới của khu vực và thế giới.

z5339879564764_a7dccfbe715013303675bc938a2d2338
Các chuyên gia Việt Nam và Lào nghe giới thiệu về quy hoạch không gian
Khu KTTMXBG lao Bảo – Đensavan, trong chuyến khảo sát tại Đensavan ngày 21/3/2024.


[1] Biên bản nội dung phiên làm việc chính thức giữa đoàn công tác cấp cao 02 tỉnh Savannakhet và Quảng Trị ngày 18/02/2022.
[2] Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
[3] Việc triển khai xây dựng Phương án tổng thể chung cho các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc tiến triển chậm.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển