Trung Quốc chuẩn bị vượt qua chặng đường nhiều thách thức
17/12/2014 14:58
Công cuộc cải cách mở cửa mà Đặng Tiểu Bình khởi xướng tại Trung Quốc từ năm 1978 đã làm thay đổi toàn diện đất nước Trung Quốc rộng lớn, từ chính trị đến kinh tế, văn hoá; từ thành thị đến nông thôn; từ vùng duyên hải giàu có đến các khu vực xa xôi như Tân Cương, Tây Tạng...Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các động lực tăng trưởng của Trung Quốc đang dần cạn và thực tế này đòi hỏi phải đẩy mạnh cải cách để phát triển. Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2011-2015, Văn kiện Đại hội 18 và Báo cáo "Trung quốc 2030” đã xác định lộ trình, giải pháp phát triển của Trung Quốc trong chặng đường đến năm 2030 với những cơ hội lớn và cả thách thức lớn.
Hướng tới 2030: nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức
Sau hơn 35 năm thực hiện cải cách, mở cửa, với tốc độ tăng GDP cao, trên dưới 10%, Trung Quốc đã vươn lên nhanh chóng vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đang có cơ hội trở thành một cường quốc toàn diện, thậm chí soán ngôi nền kinh tế số 1 của Mỹ trong tương lai không xa. Cùng với cải cách chính trị, Đảng CS Trung Quốc đã không ngừng sáng tạo lý luận, mở đường cho cải cách phát triển phù hợp với nhu cầu, tình hình mới của đất nước qua từng giai đoạn. Lịch sử phát triển của Trung Quốc hơn 30 năm qua cho thấy, mỗi khi phải đối mặt các thách thức về phát triển đất nước, Trung Quốc luôn chủ động nghiên cứu, đưa ra các định hướng chiến lược để vượt qua những thách thức đó. Lý luận Đặng Tiểu Bình; tư tưởng "ba đại diện” của Giang Trạch Dân; "quan niệm phát triển khoa học” của Hồ Cẩm Đào; tư tưởng về "giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình hiện nay…là những minh chứng cho thấy điều đó.
Sau 35 năm cải cách, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và liên tục, Trung Quốc đã giành được những thành tựu đáng ngưỡng mộ như trên. Trung Quốc đang đứng trước cơ hội lớn "hoàn thành xã hội khá giả” vào năm 2020 như mục tiêu mà Đại hội 18 đã đặt ra và vươn lên thành cường quốc phát triển. Tuy nhiên, thực tế cũng đang đặt ra một loạt thách thức với Trung Quốc, trong bối cảnh mô hình phát triển truyền thống đang bộc lộ nhiều bất cập, những ưu thế phát triển trước đây của Trung Quốc đang cạn dần. Một loạt thách thức lớn, cả về kinh tế, xã hội, mà Trung Quốc đang phải đối mặt bao gồm các vấn đề: chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chỗ dựa vào đầu tư, xuất khẩu là chính, sang dựa vào các ngành dịch vụ và nhu cầu trong nước là chính; cải cách thể chế và nâng cao chất lượng tăng trưởng; giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và tình trạng tiêu hao tài nguyên quá mức; rút ngắn khoảng cách giàu – nghèo và bất bình đẳng trong xã hội ngày càng gia tăng...
Giới nghiên cứu và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thức rõ rằng, để tiếp tục đưa đất nước tiến lên, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển trung bình vào giữa thế kỷ này, Trung Quốc cần nhanh chóng vượt qua những thách thức nêu trên. Theo đó, ngay từ năm 2011, Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc đã xác định các trọng tâm cải cách kinh tế-xã hội với những trọng tâm nêu trên. Sau đó, những nội dung cải cách cơ bản trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 đã được làm sâu sắc thêm trong văn kiện Đại hội 18 và một báo cáo chiến lược dài hạn có tầm nhìn đến năm 2030 - Báo cáo Trung Quốc 2030. Trước thềm Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc , Chính phủ nước này đã thành lập một Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường (nay là Thủ tướng) đứng đầu, để phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng báo cáo "Trung Quốc 2030”, là văn kiện mang tính định hướng chiến lược cho sự phát triển của Trung Quốc trong gần hai thập kỷ tới.
Các văn kiện nêu trên đã định hình rõ các thách thức, nhiệm vụ và phương hướng phát triển đất nước của Trung Quốc đến năm 2030. Theo đó, trong thời gian từ nay đến các mốc thời gian 2015, 2020, 2030, Trung Quốc phải triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng và vượt qua những thách thức lớn như: Cần chuyển đổi mô hình phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện không bền vững, do quá phụ thuộc vào đầu tư; tăng trưởng vốn chiếm tới 50% tăng trưởng GDP. Trung Quốc cũng cần nhanh chóng chuyển đổi chức năng của Chính phủ cho phù hợp yêu cầu thị trường, bởi sau hơn 30 năm Trung Quốc thực hiện cải cách, mở cửa, mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường, giữa chính quyền và doanh nghiệp đang bộc lộ nhiều bất cập. Ngoài ra, thực tế cũng đang đòi hỏi Trung Quốc giải quyết một loạt vấn đề cấp bách khác như: Giải quyết bất cập trong chính sách đất đai; điều chỉnh phân phối thu nhập và chống bất bình đẳng xã hội; giải quyết các thách thức về môi trường; cải cách doanh nghiệp nhà nước; vượt quabẫythu nhập trung bình; chống tham nhũng và chống lợi ích nhóm; đối phó những thách thức trong quan hệ đối ngoại trong bối cảnh Trung Quốc càng lớn mạnh thì việc xử lý các mối quan hệ với thế giới bên ngoài càng phức tạp…
Thông qua các văn kiện nêu trên, Trung Quốc đã xác định rõ các lĩnh vực, nhiệm vụ và giải pháp cải cách cả ngắn hạn và trung hạn. Theo đó, trong giai đoạn trước mắt, một số nhiệm vụ cải cách kinh tếchủ yếu gồm: (1) Thúc đẩy cải cách trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ; (2) Chuyển đổi mô hình và nâng cao chấtlượng tăng trưởng; (3) Thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng thị trường hóa; (4) Cải cách thể chế và xây dựng nền kinh tế thị trường XHCH mang đặc sắc Trung Quốc; (5) Đẩy mạnh đô thị hóa. Những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện các cải cách nêu trên đã được xác định rõ trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 và Văn kiện Đại hội 18 Đảng CS Trung Quốc.
Trung Quốc cần tiếp tục cải cách để làm nên các kỳ tích mới về kinh tế.
Kinh nghiệm Trung Quốc và vài gợi ý đối với Việt nam
Từ thực tế hoạch định con đường cải cách và phát triển của Trung Quốc đến năm 2030 nêu trên, có thể thấy, Trung Quốc đang quyết tâm tìm động lực tăng trưởng cho một thời kỳ phát triển mới. Trong đó,trọng tâm chủ yếu là tiêu dùng; các trụ cột khác để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu dùng là đô thị hóa và cải cách tài chính. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích trong và ngoài Trung Quốc, các định hướng chiến lược nêu trên dù đã được vạch ra, song việc cụ thể hóa bằng chính sách và thực hiện thành công là vô cùng khó khăn.
Cải cách thời gian tới ở Trung Quốc sẽ là tiến trình lâu dài, đầy thử thách. Vào năm 1992, khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình thực hiện chuyến thị sát ở phía Nam Trung Quốc, ông đã có câu nói nổi tiếng "dò đá qua sông”. Trung Quốc đã thực hiện phương châm ấy trong giai đoạn vừa qua, vừa thực hiện cải cách, vừa rút kinh nghiệm để đưa đất nước tiến lên. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những chặng đường "gần bờ” dễ đi của tiến trình cải cách ở Trung Quốc nay đã không còn. Trung Quốc đã lớn mạnh hơn rất nhiều so với thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, do vậy việc "dò đá qua sông” là không hề đơn giản. Bên cạnh đó, sự phát triển của Trung Quốc không theo một mô hình nào từng có trong lịch sử thế giới, do vậy những thử nghiệm, cải cách có độ rủi ro cao.
Một vấn đề nữa đặt ra là các văn kiện chiến lược nêu trên của Trung Quốc còn đề cập quá ít đến cải cách chính trị.Trong khi đó, các chuyên gia của Trung Quốc cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất với Trung Quốc trong thời kỳ tới là cải cách chính trị chưa song hành với cải cách kinh tế và điều này có nguy cơ gây ra những mâu thuẫn xã hội lớn trong tương lai, cản trở sự phát triển của Trung Quốc.
Nghiên cứu các văn kiện có tính định hướng chiến lược phát triển đất nước của Trung Quốc nêu trên, có thể thấy, đa số những vấn đề đặt ra với Trung Quốc hiện nay cũng đang và sẽ là vấn đề đặt ra với Việt Nam. Một số vấn đề cấp thiết đang đặt ra với Trung Quốc như chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, tăng cường bảo đảm xã hội…đang là vấn đề cấp bách đặt ra với Việt Nam. Các vấn đề đô thị hóa, vượt qua bẫy thu nhập trung bình mà Trung Quốc đang quan tâm hiện nay…khoảng 10 năm nữa cũng là vấn đề cấp thiết của Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc là vô cùng quan trọng. Từ định hướng chiến lược phát triển đất nước của Trung Quốc nêu trên, có thể gợi mở cho Việt Nam một số nhiệm vụ, định hướng chiến lược trong cải cách và phát triển đất nước thời gian tới như:
Một là, Việt Nam cần sớm xác định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và xa hơn, bởi kể từ Đại hội VI- đại hội khởi đầu công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay, qua mỗi kỳ Đại hội Đảng, Việt Nam đều xác định một mục tiêu cho nhiệm kỳ tới hoặc thời kỳ chiến lược 10 năm. Tuy nhiên, các mục tiêu đặt ra thường là ngắn hạn và trung hạn, với tầm nhìn không quá 20 năm. Ngay ở thời điểm này, trong bối cảnh chúng ta bắt đầu chuẩn bị văn kiện Đại hội XII, Việt Nam cần phải xác định mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2030 là gì và thậm chí mục tiêu phát triển dài hạn xa hơn nữa là đến năm 2050.
Hai là, trước mắt, Việt nam cũng cần xây dựng một báo cáo chiến lược có tầm nhìn đến năm 2030 như cách làm Báo cáo "Trung Quốc 2030”. Việc xây dựngBáo cáo "Việt Nam 2030” là rất cần thiết để cung cấp luận cứ khoa học cho việc đề xuất chiến lược, chính sách, giải pháp giải quyết những vấn đề phát triển cấp bách và trung hạn của Việt Nam hiện nay.
Ba là, trong định hướng chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, Việt Nam cũng cần đặc biệt chú trọng một số lĩnh vực cải cách mà Trung Quốc đã và đang rất quan tâm như: cải thiện khả năng điều hành của chính phủ phù hợp với yêu cầu kinh tế thị trường; coi đô thị hóa là động lực quan trọng của hiện đại hóa, trong bối cảnh đến năm 2020, dân số đô thị là 46 triệu người, chiếm 45% dân số cả nước và Việt Nam chuẩn bị bước vào thời kỳ "bùng nổ” đô thị hóa (Theo "Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị đến năm 2020" mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt trong Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23/1/1998); thúc đẩy sáng tạo mới, ứng dụng khoa học-công nghệ, phát triển nền kinh tế xanh; chuẩn bị để vượt qua bẫy thu nhập trung bình...
Chỉ Số Căn Bản Kinh Tế Trung Quốc 2012 | |
GDP (tỷ giá chính thức) | 8.250 tỷ USD (xếp thứ 03 thế giới) |
Tăng trưởng | 7,8% (xếp thứ 16 thế giới) |
GDP bình quân đầu người (PPP) | 9.100 USD (2011: 8.500 USD; 2010: 7.800 USD) |
GDP theo khu vực kinh tế | Nông nghiệp: 9,7%; Công nghiệp: 46,6%; Dịch vụ: 43,7% |
Lực lượng lao động | 795,4 triệu người: Nông nghiệp: 36,7% Công nghiệp: 28,7% Dịch vụ: 34,6% |
Tỷ lệ thất nghiệp | 6,4%(xếp thứ 67 thế giới)(2011: 6,5%) |
Hệ số Gini về phân phối thu nhập | 48/100(năm 2009 xếp thứ 27 thế giới) (2007: 41,5/100) |
Tỷ lệ đầu tư so với GDP | 45,9% GDP (xếp thứ 03 thế giới) |
Thâm hụt ngân sách | - 2,3% GDP (xếp thứ 81 thế giới) |
Tỷ lệ nợ công so với GDP | 38,5% (2011)(xếp thứ 95 thế giới) |
Lạm phát | 3,1%(2011: 5,5%) |
Xuất khẩu | 2.021 tỷ USD(xếp thứ 02 thế giới) (2011: 1.899 tỷ USD) |
Nhập khẩu | 1.780 tỷ USD(xếp thứ 03 thế giới) (2011: 1.740 tỷ USD) |
Dự trữ ngoại hối và vàng | 3.549 tỷ USD(xếp thứ 01 thế giới) (2011: 3.213 tỷ USD) |
Tỷ giá RMB/USD | 2012: 6,3110 2011: 6,4615 2010: 6,7703 2009: 6,8314 2008: 6,9358 |
Nguyễn Quốc Trường