Những ẩn họa từ "Kỷ nguyên vàng”

20/01/2015 15:18


Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa nhận định, với nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng nhanh như hiện nay, thế giới sẽ bước vào "kỷ nguyên vàng” của khí đốt tự nhiên, thông qua việc mở rộng khai thác nguồn nhiên liệu này trên toàn cầu. Tuy nhiên, LHQ và các tổ chức môi trường quốc tế đã cảnh báo về hàng loạt ẩn họa từ "kỷ nguyên vàng” của khí đốt. Trong đó, nghiêm trọng nhất là tình trạng Trái đất ấm lên nhanh hơn, do khai thác và sử dụng khí đốt.

Theo báo cáo mà IEA vừa công bố, các công nghệ mới được sử dụng trong những năm gần đây đã giúp khai thác được khí đốt tự nhiên chứa trong các tầng địa chất hoặc các dạng vật chất khác nhau, dẫn đến tình trạng dư thừa lượng khí đốt lớn trên toàn cầu. Cơ quan này dự báo, lượng khí đốt tự nhiên được sử dụng trên thế giới sẽ tăng hơn 50% vào năm 2035.

Nước lớn đua nhau khai thác khí đốt từ đá phiến

Cụ thể, lượng khí đốt khai thác từ đá phiến ở Mỹ hiện nay đã tăng gấp 12 lần từ năm 2000. Mỹ hiện đang là cường quốc về khí đốt đá phiến. Theo tính toán, trữ lượng khí đốt đá phiên của Mỹ vào khoảng162 nghìn tỷ m3. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã tăng cường khai thác khí đốt thông thường trong thời gian gần đây.

Trong một nỗ lực nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục leo thang từ đầu năm 2012, tháng 5 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã phê chuẩn dự án khai thác gần 4.000 giếng khí đốt trên lãnh thổ Mỹ. Quyết định này cũng được coi là một giải pháp của Nhà Trắng để xoa dịu tâm trạng không đồng tình của một bộ phận đông đảo cử tri về hiệu quả của chính sách năng lượng của chính quyền Obama.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh khai thác khí đốt đá phiến để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng mạnh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Mạng tin "Oil price" mới đây dẫn dữ liệu của Bộ Đất đai và tài nguyên Trung Quốc cho biết, trữ lượng khí đốt đá phiến của nước này đủ để đáp ứng nhu cầu nội địa trong 200 năm tới.

Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố chưa phát huy hết lợi thế của trữ lượng tài nguyên này, song sự gia tăng khai thác khí đốt đá phiến tại Mỹ cho thấy Trung Quốc đang ngày càng "để mắt" đến loại khí đốt mới này. Trung Quốc hy vọng nếu có thêm các nguồn đầu tư nước ngoài và thay đổi công nghệ khai thác đã lạc hậu quốc gia này sẽ nhanh chóng dẫn đầu thế giới trong quá trình khai thác và sở hữu loại khí đốt này.

Theo nghiên cứu sơ bộ, Trung Quốc hiện có trữ lượng khí đốt đá phiến lên tới hơn 265 nghìn tỷ m3. Dự kiến, với trữ lượng như vậy sẽ đủ đáp ứng nhu cầu khí đốt nội địa tại Trung Quốc trong 200 năm và khí đốt đá phiến sẽ trở thành phần quan trọng trong ngành năng lượng vào năm 2020. Đến năm 2020 Bắc Kinh sẽ sử dụng khí đốt đá phiến cho 10% nhu cầu năng lượng của nền kinh tế nước này để cân bằng lượng khí thải do sự phụ thuộc quá mức vào than đá. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ dự báo nhu cầu khí đốt tự nhiên nội địa của Trung Quốc sẽ tăng gấp ba vào năm 2035, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 5%/năm.

Mặc dù khí đốt khai thác từ đá phiến được cho là "phao cứu sinh” năng lượng cho nhân loại trong những thập kỷ tới, khi nguồn dầu lửa đang dần cạn kiệt. Tuy nhiên, IEA cũng như giới khoa học, các tổ chức môi trường quốc tế cũng đã cảnh báo một loạt hiểm họa với nhân loại và Trái đất, khi bước vào "kỷ nguyên vàng” khí đốt.

Những thảm họa môi trường được báo trước

Trước ngưỡng cửa của "kỷ nguyên vàng” khí đốt, điều khiến giới khoa học và các cơ quan của LHQ quan ngại nhất chính là việc khoan và khai thác khí đốt từ đá phiến và các dạng chứa khí đốt không thông thường khác sẽ đặt Trái Đất vào thảm họa biến đổi khí hậu. Nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã đẩy hàng triệu người vào đói nghèo, phá hoại sự sống hoang dã và gây thiệt hại cho các nền kinh tế thế giới hàng trăm tỷ USD.

Theo IEA việc tăng cường khai thác và sử dụng khí đốt tự nhiên nhiều như kể trên có thể làm tăng nhiệt độ của Trái Đất lên hơn 3,5 độ C, vượt xa mức 2 độ C mà LHQ xác định có thể chấp nhận được để duy trì hệ sinh thái hỗ trợ sự sống. Trong khi đó, ngay cả khi thế giới chưa bước vào kỷ nguyên khí đốt như hiện nay, thì tình trạng Trái đất ấm lên cũng đang ở mức báo động. Uỷ ban liên chính phủ của LHQ về biến đổi khí hậu (IPCC) vừa cho biết, những tính toán mới nhất của 5 viện khoa học của Pháp đã khẳng định việc duy trì nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 là "kịch bản lạc quan nhất" để đảm bảo an toàn cho nhân loại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị khoa học mới đây ở Chicago (Mỹ), Giáo sư Christopher Field, nhà khoa học hàng đầu của IPCC còn cho rằng, tốc độ tăng nhiệt toàn cầu đang diễn ra nhanh hơn so với dự báo của giới khoa học. Ông khẳng định dự báo nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng từ 1,1 độ C tới 6,4 độ C trong vòng một thế kỷ tới, theo như báo cáo năm 2007 về biến đổi khí hậu, là quá thấp. Theo ông, các số liệu mới nhất chứng tỏ lượng khí thải nhà kính trong giai đoạn 2000 - 2007 tăng nhanh hơn dự kiến nhiều lần làm Trái đất ấm lên nhanh.

Bên cạnh đó, công nghệ khai thác mới hiệu quả hơn thông qua bơm lượng nước và hóa chất khổng lồ vào lòng đất sẽ gây ô nhiễm và đầu độc các nguồn nước ngầm - một trong những nguồn nước sạch phục vụ cuộc sống con người. Khai thác khí đốt từ đá phiến cũng gây hiểm họa nghiêm trọng đến môi trường và quá trình đốt và xử lý đá cũng góp phần làm nhiệt độ của hành tinh nóng lên.

Giám đốc Chương trình môi trường và khí hậu thuộc Viện Theo dõi thế giới Alexander Ochs còn nhấn mạnh rằng, trong kỷ nguyên vàng của khí đốt, giá rẻ của nguồn năng lượng này sẽ là trở ngại lớn cho việc phát triển các nguồn năng lượng tái sinh trên toàn cầu. Theo ông, nghiên cứu của IEA đã đánh giá thấp tiềm năng sử dụng năng lượng tái sinh khi dự báo rằng các công nghệ xanh chỉ đáp ứng được 5% tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu trong vòng 25 năm tới. Ông khẳng định trái với dự báo của IEA, về kinh tế và về công nghệ, hơn 50% sản lượng điện thế giới có thể được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái sinh ngay từ năm 2030.

Trước thực trạng nêu trên, LHQ mới đây khuyến cáo rằng, việc gia tăng sử dụng khí đốt sẽ làm tình trạng biến đổi khí hậu càng thêm trầm trọng. Bên cạnh đó, các tổ chức môi trường quốc tế như Tổ chức "Những người bạn của Trái Đất”, tổ chức "Hoà bình Xanh”… đã bác bỏ các lý giải của các cơ quan khai thác khí đốt quốc tế cho rằng những tiến bộ khoa học mới sẽ giúp làm giảm tác động của việc tăng cường khai thác và sử dụng khí đốt tự nhiên đến môi trường. Mặc dù IEA nói rằng các nước đã tuân thủ các quy chế chặt chẽ về khai thác khí đốt, kêu gọi trách nhiệm của các chính phủ cũng như sự tuân thủ quy định nghiêm ngặt của ngành công nghiệp khai thác đối với thiệt hại môi trường, song các tổ chức môi trường vẫn cảnh báo IEA hiểm họa về việc khuyến khích sử dụng khí đốt tự nhiên trong bối cảnh nhiệt độ Trái Đất ngày càng nóng lên như hiện nay.

BOX:

Trái Đất ấm lên đe dọa các vựa lúa ở châu Á

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), nhiệt độ tăng trong hơn 25 năm qua đã khiến sản lượng lúa gạo tại một số vựa lúa lớn ở châu Á giảm từ 10% đến 20%. Tình trạng sẽ tồi tệ hơn khi nhiệt độ tiếp tục tăng vào giữa thế kỷ này. FAO cảnh báo việc sản lượng lúa gạo giảm sẽ đẩy nhiều người vào cảnh diện nghèo đói, bởi đây là cây cung cấp lương thực hàng ngày cho khoảng 3 tỷ người trên thế giới.

Nguyễn Quốc Trường

Viện Chiến lược phát triển.

Đăng trên Nhịp cầu tri thức t7.2012