Học thuyết Abenomics, kỳ vọng và quan ngại
15/08/2014 15:49
"Học thuyết Kinh tế Abe” còn gọi là "Abenomics”, đang thu hút sự quan tâm của giới lãnh đạo và các chuyên gia kinh tế trên toàn cầu, nhất là ở châu Âu, trong bối cảnh các chính sách mạnh mẽ của Thủ tướng Nhật Bản S.Abe đang đưa kinh tế "Đất nước mặt trời mọc” dần ra khỏi suy thoái. Đa số người dân Nhật Bản và nhiều chuyên gia kinh tế châu Âu kỳ vọng "Abenomics” là phương thuốc hữu hiệu chống suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, khi mà "những mũi tên” trong chính sách táo bạo này chỉ vừa mới được "phóng đi”, hiện còn không ít quan ngại và nghi ngờ về tính hiệu quả của Abenomics.
Theo ông Akio Hosono, chuyên gia nghiên cứu của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chiến lược "ba mũi tên” trong học thuyết kinh tế của Thủ tướng S.Abexuất phát bởi ý tưởng và cách gọi từ câu chuyện trong truyền thuyết Moori Motonari của Nhật Bản. Theo đó, Moori là một danh tướng tài ba luôn biết chuẩn bị chu đáo để dành thắng lợi. Ông dạy bà người con trai mình rằng: "Một mũi tên thì có thể dễ dàng bị bẻ gãy, nhưng hợp ba mũi tên cùng nhau thì không thể bị bẻ gãy”.
Ý tưởng táo bạo giúp phục hồi kinh tế Nhật
"Abenomics” ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tế, trong bối cảnh kinh tế Nhật đang chìm trong khó khăn sau gần hai thập kỷ giảm phát nghiêm trọng và cần phải có một "liều thuốc mạnh mẽ và hiệu quả”. Theo các chuyên gia kinh tế của Nhật Bản, đặc trưng của chính sách kinh tế họcAbelà nhằm xây dựng và triển khai chiến lược "kiềng ba chân”, bao gồm chính sách tiền tệ mạnh mẽ, chính sách tài khóa linh hoạt và chiến lược tăng trưởng khuyến khích đầu tư tư nhân. Trongbàiphát biểu trước Quốc hội Nhật Bản vào ngày 28-2-2013, ôngAbecòn gọi đây là "ba mũi tên” nhằm đưa nền kinh tế Nhật thoát khỏi trì trệ, suy thoái. Bằng cách thực hiện đồng thời các biện pháp kinh tế mạnh nêu trên, Chính phủ Nhật hướng tới mục tiêu biến chuyển xu hướng co lại cố hữu của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra nhiều việc làm hơn.
Trên thực tế, những "mũi tên” trong chiến lược "kiềng ba chân” của ôngAbeđã và đang được tích cực triển khai ở Nhật và mang lại thành quả đáng khích lệ. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm chống giảm phát. Theo đó, đặt mục tiêu đưa lạm phát lên 2% trong vòng 2 năm thông qua tăng cường mua trái phiếu chính phủ và các tài sản tài chính có sự rủi ro hơn như các quỹ đầu tư tín thác. Giữa tháng 5 vừa qua, Chính phủ của Thủ tướngAbeđã kích hoạt khoản ngân sách khổng lồ 92.610 tỷ Yen (906,2 tỷ USD), tập trung vào các công trình công cộng sẽ tạo đòn bẩy giúp phục hồi nền kinh tế.
Trong diễn văn công bố chiến lược kinh tế đầu tháng 6, tại Hội nghị về cạnh tranh công nghiệp diễn ra ở Tokyo, Thủ tướng Abe nhấn mạnh: "Xương sống của chính sách kinh tế chính là chiến lược tăng trưởng, là một trong ba mũi tên. Chiến lược này là nhằm khuyến khích cải cách công nghệ trong mọi lĩnh vực và khuyến khích các hoạt động sáng tạo rộng khắp ở khu vực tư nhân." Theo chiến lược này, Tokyo cam kết thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực tư nhân và hoạt động của khối doanh nghiệp và hoạch định chương trình phát triển kinh tế cho 5 năm tới, coi đây là "giai đoạn cải cách cơ cấu kinh tế khẩn cấp.” Chính quyền đề ra các mục tiêu cụ thể như tăng tổng vốn đầu tư cho doanh nghiệp thêm 10% trong ba năm tới lên mức khoảng 70.000 tỷ Yen (khoảng 700 tỷ USD) và tăng tổng thu nhập bình quân đầu người thêm hơn 1,5 triệu Yen, so với mức của năm 2012 là 3,84 triệu Yen, trong vòng 10 năm tới. Tokyo sẽ tiếp thêm sinh lực cho hoạt động của các doanh nghiệp như giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời thiết lập các đặc khu kinh tế. Chiến lược tăng trưởng cũng chỉ ra những mục tiêu rõ ràng khác đối với ngành điện lực và lĩnh vực xuất khẩu nông sản.
"Mũi tên thứ ba” còn bao hàm cả các chính sách mang "màu sắc Abe.” Theo Thủ tướng Abe, để khai phá những thị trường mới, chính phủ nước này cam kết sẽ thực hiện các giải pháp tăng cường nguồn nhân lực có khả năng hoạt động hiệu quả ở nước ngoài và tạo môi trường làm việc tốt hơn cho phụ nữ. Tokyo cam kết tăng kim ngạch thương mại với các nước ký kết hiệp định mậu dịch tự do lên 70% từ nay đến năm 2018, tăng 19% so với hiện nay, và thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm văn hoá đại chúng dưới chủ đề "Cool Japan” như hoạt hình, truyện tranh, âm nhạc, ẩm thực... Y học tái sinh với trọng tâm là ứng dụng công trình khoa học về tế bào gốc đa năng (iPS) cũng được coi là một nhân tố giúp phục hồi kinh tế.
Theo một bình luận của mạng "Sankei Biz,” thành công đầu tiên của "Abenomics" tính đến thời điểm này là chiến lược trên đã tạo cho người dân "cảm giác kỳ vọng về sự tái sinh của nền kinh tế Nhật Bản.” Niềm tin ấy được "thổi" vào thị trường chứng khoán Nhật với những pha tăng điểm kỷ lục tới 35% kể từ đầu năm, trái ngược hẳn với bức tranh màu xám của chứng khoán khu vực và thế giới. Chỉ số Nikkei 225 đã tăng từ mức 10.688,11 điểm hồi đầu năm lên ngưỡng 11.000 điểm, 12.000 điểm, rồi 15.000 điểm. Trong phiên giao dịch ngày 20/5, Nikkei 225 leo lên 15.360,81 điểm - mức cao nhất trong hơn nửa thập kỷ qua. Hai "mũi tên” đầu tiên mang tên nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu công đã góp phần hạ giá đồng yên trên thị trường hối đoái. Lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua, đồng USD vượt đỉnh 100 Yen trong phiên giao dịch ngày 9/5. Sau đó, đồng USD tiếp tục vượt mốc 103 Yen/1USD. Giá đồng nội tệ này của Nhật đã giảm khoảng 30% kể từ giữa tháng 11/2012, tạo thay đổi khả quan cho lĩnh vực xuất khẩu. Các hãng sản xuất ôtô và hàng điện tử là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất do hàng xuất khẩu có giá rẻ hơn tại các thị trường nước ngoài, đẩy lợi nhuận ở nước ngoài tăng cao.
Kỳ vọng mở "lối thoát” cho các nền kinh tế ốm yếu
Những biện pháp kích thích của Chính phủ đang giúp kinh tế Nhật lấy lại đà tăng trưởng. Văn phòng Nội các Nhật Bản (CO) ngày 10/6 đã điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong quý 1/2013 từ 3,5% theo thống kê sơ bộ hôm 16/5 lên 4,1% (trên cơ sở hàng năm và đã điều chỉnh theo lạm phát), vượt xa mức tăng của các nước công nghiệp phát triển khác. Mức tăng trưởng GDP thực của Nhật Bản trong quý 1/2013 (so với quý trước đó) cũng được điều chỉnh từ 0,9% lên 1%. Một số liệu khả quan nữa là lòng tin của người tiêu dùng trong tháng 5/2013 cải thiện so với tháng trước đó, với số người dân nước này tin vào khả năng giá tăng lên cũng xấp xỉ mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Các nhà phân tích nhận định kinh tế Nhật sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,6% trong năm 2013. Cho đến nay, đa số người dân Nhật vẫn tin tưởng và kỳ vọng "Abenomics” sẽ mang lại "phép mầu” cho nền kinh tế Nhật. Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) vừa công bố kết quả điều tra cho thấy 65% số người được hỏi bày tỏ kỳ vọng vào chính sách "Abenomics” mà Thủ tướng Shinzo Abe đang theo đuổi nhằm vực dậy nền kinh tế Nhật Bản đang chìm trong giảm phát trong khi chỉ có 29% trả lời không mấy tin tưởng. Giới phân tích cho rằng tình trạng nhiễu loạn của thị trường chứng khoán thời gian gần đây đã tạo gánh nặng cho tỷ lệ ủng hộ song những kỳ vọng cao đối với chính sách của ông Abe được cho sẽ hỗ trợ chính quyền của ông trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản. Về biện pháp nới lỏng tiền tệ hiện nay của Nhật Bản, 25,6% muốn duy trì chính sách này và 20,2% nói rằng cần phải xem lại trong khi 50,3% cho biết họ không có ý kiến nào về vấn đề này.
Hãng tin AFP cho rằng, việc "Abenomics” giúp kinh tế Nhật phục hồi đang khiến học thuyết này thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo châu Âu. Một số chuyên gia kinh tế châu Âu đang kỳ vọng "bàithuốc” của Nhật Bản sẽ giúp các nền kinh tế khu vực này hết "ốm yếu”. Tổng thống Pháp Hollande trong chuyến thăm Nhật Bản 3 ngày đầu tháng 6 vừa qua, ngoài việc thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương, cũng rất mong muốn học hỏi thêm về "Học thuyết Kinh tếAbe” – chính sách chi tiêu lớn và nới lỏng tiền tệ nhằm thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản của Thủ tướng ShinzoAbe- để tìm ra nhữngbàihọc có thể áp dụng cho nước Pháp.
Phát biểu nhân chuyến thăm Nhật Bản, ông Hollande cho rằng, "Abenomics”, gồm các nội dung chi tiêu tài chính lớn, lãi suất thấp và cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng, là có lợi cho sự phục hồi kinh tế châu Âu. Đối với một châu Âu đang "kiệt sức" vì các biện pháp khắc khổ, thì "phương thuốc" của ông Abe có phần hấp dẫn hơn chủ trương cắt giảm ngân sách của Đức. Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh rằng, Nhật Bản và châu Âu cần phải đẩy mạnh hợp tác để thúc đẩy kinh tế nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên. Tổng thống cũng lưu ý Nhật Bản và châu Âu đều đang đối mặt với những thách thức tương tự nhau và phải đi theo một con đường để lấy lại lòng tin và thúc đẩy tăng trưởng.
Chưa hết những nghi ngờ và quan ngại
Tuy nhiên, du "Abenomics” đã phát huy kết quả bước đầu, đang được quan tâm và kỳ vọng, song vẫn có không ít ý kiến bày tỏ quan ngại rằng "phương thuốc” này là "lợi bất cập hại” đối với kinh tế Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung. Những biện pháp "mạnh tay” kích thích của Chính phủ nhật theo tinh thần Học thuyến kinh tếAbethời gian qua đã gây ra những phản ứng trái chiều. Bên cạnh các ý kiến ủng hộ, một số chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, chính sách nới lỏng tiền tệ của BOJ sẽ dẫn đến cuộc đua giảm giá đồng nội tệ, châm ngòi cho "cuộc chiến tiền tệ” và làm gia tăng bong bóng tài sản…
"Abenomics”, cũng đã bị đưa ra chất vấn trước những biến động mạnh trên thị trường chứng khoán Nhật gần đây. Chương trình này đã làm suy yếu đồng Yen và tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu, từ đó khiến chỉ số Nikkei tăng cao. Thế nhưng, thị trường chứng khoán lại đang không ổn định. Sự biến động này khiến các nhà đầu tư đặt dấu hỏi rằng, liệu các nhà làm chính sách Nhật có thể hãm phanh quá trình "nới lỏng tiền tệ” mà vẫn tránh được những cái bẫy trên con đường kích thích tăng trưởng?. Dư luận cũng quan tâm các hệ lụy của chính sách "Abenomics”. Thứ nhất, nợ công của Nhật dự kiến sẽ tương đương 230% GDP vào năm 2014 sau nhiều năm liên tiếp bị thâm hụt ngân sách. Với chương trình nới lỏng tiền tệ đang triển khai, nợ sẽ chồng lên nợ. Thứ hai, chỉ số Nikkei đã được lợi nhiều nhất từ chương trình Abenomics. Chỉ số Nikkei đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay (mặc cho đợt sụt giảm gần đây). Nhưng không chắc các lĩnh vực khác trong nền kinh tế cũng sẽ nhận được sự hào hứng này. Lương của người lao động vẫn không tăng, trong khi doanh số bán lẻ và các chỉ số khác không có gì nổi bật. Thứ ba, một số các cải cách kinh tế quan trọng trong chương trình Abenomics vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, đây là mấu chốt quan trọng làm nên thành công của chương trình này trong dài hạn.
Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) - đảng đối lập chính ở Nhật Bản, ngày 25/6 đã công bố cương lĩnh tranh cử trong cuộc đua vào Thượng viện mùa Hè này cũng đã chỉ trích các chính sách theo "Abenomics”. Theo đó các nội dung tranh cử trái ngược với các chính sách kinh tế hiện nay của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trả lời báo giới tại trụ sở của đảng, Chủ tịch DPJ Banri Kaieda cho rằng Chính phủ Nhật Bản hiện nay mới chỉ chú trọng đến các tập đoàn và vấn đề quốc gia "nhưng điều đó sẽ không có ý nghĩa nếu người dân chưa được hưởng thịnh vượng.” DPJ chỉ trích các chính sách mang tên Abenomics của chính quyền đương nhiệm nhằm giải quyết tình trạng giảm phát với khoản chi ngân sách khổng lồ, nới lỏng tiền tệ và các biện pháp kích thích khác đồng thời cho rằng các chính sách này đang "gây ra tác dụng phụ” đối với nền kinh tế theo đó Nhật Bản sẽ đối mặt với tình trạng "vật giá leo thang.”
Nguyễn Quốc Trường
(đăng NCTT tháng 7/2013)