Đẩy nhanh việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ở nước ta

10/04/2025 09:40


Việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh không chỉ là đòi hỏi tất yếu của hệ thống y tế hiện đại trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, mà còn là đòn bẩy để các cơ sở y tế phát triển, mở rộng cung ứng dịch vụ cho xã hội, dần hướng đến xóa bỏ chênh lệch về giá dịch vụ giữa khu vực y tế công và tư; qua đó kiến tạo sự phát triển bình đẳng và hợp tác hiệu quả giữa công và tư để cùng nâng cao chất lượng dịch vụ. Do vậy, việc đẩy nhanh tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế ở nước ta ngày càng trở nên cấp thiết.

Khái quát tình hình tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện nay

Hiện nay, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09/01/2023; Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17/10/2024 quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Theo quy định tại Điều 110 Luật Khám bệnh, chữa bệnh, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. 

Trên thực tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mới chỉ kết cấu 2 yếu tố, chi phí nhân công và chi phí trực tiếp, chưa kết cấu đủ 2 yếu tố còn lại là chi phí quản lý và chi phí khấu hao.

Chi phí để đảm bảo cho một bệnh viện hoạt động là rất lớn, trong khi nguồn lực ngân sách có hạn. Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là khách quan và biện chứng, cần tính đúng, tính đủ chi phí theo cơ chế thị trường thì ngành y tế mới có khả năng phát triển, đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân. Trước đây, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được ngân sách nhà nước đảm bảo nhưng chất lượng dịch vụ nói chung, mức độ hài lòng của bệnh nhân cũng như người dân nói riêng nhìn chung còn thấp. Khám bệnh, chữa bệnh tuy mất ít tiền, nhưng người bệnh không hài lòng, phòng bệnh xuống cấp, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, y, bác sĩ không chú tâm trau dồi chuyên môn… Với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện nay, các bệnh viện công thiếu nguồn lực tái đầu tư cũng như chi trả tiền lương, tiền công thỏa đáng cho đội ngũ y, bác sỹ. 

Sự cần thiết phải tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ước tính chỉ tác động đến 45% trong tổng phần thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (tiền thuốc, vật tư y tế thanh toán theo thực tế sử dụng). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đã là 93,35% (hết năm 2023) nên dù điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì chi phí tăng ở phần đồng chi trả cũng không quá cao. Tức là người bệnh không phải bỏ ra quá nhiều tiền mặc dù có điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. 

Những điều nêu trên cho thấy, việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là cần thiết, giúp các bệnh viện có thêm nguồn lực, chi phí để nâng cao dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ nhu cầu của người dân, đồng thời, chi trả tiền công, tiền lương thỏa đáng, giữ chân các bác sỹ giỏi và quay lại phục vụ người bệnh, đảm bảo quyền và lợi ích của người bệnh.

Giải pháp hoàn thiện lộ trình tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Việc định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải căn cứ trên các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại thời điểm định giá; quan hệ cung cầu của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, khả năng chi trả của người bệnh và chủ trương, chính sách, pháp luật về tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong từng thời kỳ; chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ theo lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do Chính phủ quy định.

Theo đó, khi tính toán để kết cấu các yếu tố chi phí vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần được nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, trong đó kiến nghị:

Bộ Y tế cần rà soát, phân loại dịch vụ và ban hành định mức kinh tế -kỹ thuật làm cơ sở ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với chất lượng dịch vụ, khả năng cung ứng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và khả năng cân đối của Quỹ bảo hiểm y tế, đánh giá tác động của mức giá kết cấu thêm chi phí quản lý, chi phí khấu hao đến chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế, mức giảm ngân sách nhà nước cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập…

Khi định giá, cần bám sát các nguyên tắc định giá quy định tại khoản 3 Điều 110, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và phương pháp định giá do Bộ Y tế ban hành tại Thông tư số 21/2024/TT-BYT, trong đó lưu ý không tính vào giá những chi phí đã được ngân sách nhà nước đảm bảo, các khoản chi không được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ để xác định giá thành dịch vụ. Đối với chi phí liên quan đến nhiều dịch vụ mà không thể tách riêng được thì tập hợp và phân bổ theo tiêu chí phù hợp (doanh thu, chi phí, số lượng, khối lượng, thời gian, từng biện pháp, từng nội dung công việc). Việc xác định tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến (nếu có) theo tỷ suất lợi nhuận hoặc mức lợi nhuận hoặc mức tích lũy (nếu có) theo quy định của pháp luật phù hợp với mặt bằng thị trường. 

Bên cạnh đó, cần có những chính sách khuyến khích tiến tới bắt buộc các bệnh viện nhanh chóng chuyển đổi số, ứng dụng càng triệt để càng mang lại nhiều tiện ích như sử dụng bệnh án điện tử, đăng ký khám qua mạng, trả lời thắc mắc của bệnh nhân, thanh toán online... việc này còn có ý nghĩa tiết giảm chi phí khám bệnh, chữa bệnh cũng như tạo điệu kiện thuận lợi cho người bệnh. Hiện nay, đã có một số bệnh viện triển khai và bước đầu được người bệnh đánh giá rất tích cực như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Y dược Thành phố Hồ Chí Minh…

Đồng thời, để tối ưu hóa việc sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế tiết kiệm, hiệu quả, kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo đánh giá nghiêm túc tổng thể chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường phòng chống lạm dụng, trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cùng với đó, kiến nghị Bộ Y tế đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người tham gia theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, tránh lạm thu, thu sai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.

Tăng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhằm nâng cao và đảm bảo quyền lợi của người bệnh, nghe như là một nghịch lý nhưng trên thực tế, khi tăng giá dịch vụ, bệnh viện có điều kiện hướng tới chất lượng dịch vụ tương xứng, hoàn hảo hơn. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối kết hợp của các cơ quan có thẩm quyền (Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh…) và đặc biệt cần sự đồng thuận của người dân. Tuy vậy, việc thực hiện điều chỉnh giá cần thận trọng, có lộ trình, phải đánh giá chỉ số giá tiêu dùng để vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.

                                                                                                                             Kim Dung

Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế, tài chính và thống kê