Xây dựng hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại áp dụng cho Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

18/02/2020 10:36


Mặc dù hệ tiêu chí của một nước công nghiệp hay đã hoàn thành quá trình công nghiệp hóa là một chủ đề không mới đối với cả trong nước và quốc tế, tuy nhiên việc xác định nó để áp dụng cho Việt Nam trong một bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động, thay đổi nhanh chóng như hiện nay vẫn rất cần thiết. Đây cũng là một nhiệm vụ được đặt ra trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII . Bài nghiên cứu này có mục đích tổng quan một số các kết quả nghiên cứu cũng như đưa ra một số ý kiến cá nhân làm phong phú thêm các "góc nhìn” khác nhau về nội dung này.

1. Định nghĩa về công nghiệp hóa và vai trò của ngành công nghiệp sản xuất

Trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ về thế nào là công nghiệp hóa bởi một nước công nghiệp là một nền kinh tế được coi đã hoàn thành quá trình này. Định nghĩa về công nghiệp hóa đã được nhiều học giả quốc tế đưa ra, nhưng nhìn chung, nó có thể được định nghĩa theo ba cách khác nhau (Hewitt và các cộng sự 1992a:3-6 được trích trong Kiely 1998:3). Đầu tiên là định nghĩa đơn giản nhất khi xác định công nghiệp hóa là "sản xuất tất cả các hàng hóa vật chất không được trồng trực tiếp trên đất”. Định nghĩa thứ hai cụ thể hơn, gắn công nghiệp hóa với các phân ngành trong Tài khoản quốc gia (SNA) khi cho rằng công nghiệp hóa là khu vực kinh tế bao gồm khai thác mỏ, chế biến và năng lượng. Định nghĩa thứ ba là định nghĩa được sử dụng rộng rãi hơn cả khi xem công nghiệp hóa là "một cách tổ chức sản xuất cụ thể và giả định rằng đó là một quá trình thay đổi kỹ thuật và xã hội không ngừng liên tục làm tăng năng lực của xã hội trong sản xuất hàng loạt các loại hàng hóa” (Hewitt và các cộng sự 1992a:6 được trích trong Kiely 1998:3). Đây được xem là một định nghĩa mở rộng; trong định nghĩa này, công nghiệp hóa được coi là toàn bộ quá trình, tác động đến xã hội thông qua việc tăng chưa từng có trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Đây cũng là định nghĩa mà tác giả sử dụng trong bài này khi đề cập đến công nghiệp hóa.

Với tầm ảnh hưởng sâu rộng, không chỉ đến riêng ngành công nghiệp mà đến toàn bộ nền kinh tế, các tác động hay biểu hiện chủ yếu của công nghiệp hóa đối với nền kinh tế có thể được minh họa như trong Hình 1.
 

Hình 1. Các tác động của công nghiệp hóa
Nguồn: Chandra (1992:5)

Tuy nhiên, qua các nghiên cứu và các bằng chứng thực tiễn cho thấy (Chandra 1992, Kiely 1998, Upadhyaya 2013, Westkämper 2014, Friedly và các cộng sự 2014) dù công nghiệp hóa có được hiểu theo cách nào đi chăng nữa hoặc có được gắn thêm với các tiêu chí về sự phát triển của nền kinh tế đi chăng nữa thì hạt nhân cốt lõi của nó vẫn phải là sự ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hay là ngành công nghiệp sản xuất (TA: manufacturing). Nếu ngành công nghiệp này không phát triển thì quốc gia đó không có thể coi là công nghiệp hóa, không trở thành nước công nghiệp. Hay nói cách khác, tiêu chí phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phải là tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất của một nước đã công nghiệp hóa (TA: industrialized).

Theo Chandra (1992), ngay cả khi công nghiệp sản xuất không được xem là một sự thay thế cho nông nghiệp thì nó vẫn được khuyến khích phát triển bởi sự hỗ trợ của nó cho khu vực nông nghiệp là rất lớn. Nên lưu ý rằng, hầu hết các nước đang phát triển là các xã hội nông nghiệp. Sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất có thể giúp ngành nông nghiệp bằng nhiều cách khác nhau. Cách đơn giản nhất là "chế biến”, xử lý các mặt hàng nông sản như đóng gói, bảo quản, cách thức thu hoạch. Giá trị của những việc chế biến này như tạo ra một sản phẩm nông nghiệp mới có giá trị cao hơn rất nhiều so với sản phẩm nông nghiệp chưa qua giai đoạn này. UNCTAD đã ước tính rằng việc chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu của các nước đang phát triển có thể làm tăng thu nhập của các nước này ít nhất 50 phần trăm.

Trong khi đó, Friedly và các cộng sự (2014) thậm chí đưa ra các bằng chứng cho thấy ngay cả các nước phát triển như Hoa Kỳ hay CHLB Đức đều gặp phải rất nhiều khó khăn khi phi công nghiệp hóa bởi ngành công nghiệp chế biến có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của ngành nông nghiệp và ngành dịch vụ. Quá trình phi công nghiệp hóa sớm có những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội và chính trị của mỗi quốc gia. Về kinh tế, quá trình phi công nghiệp hóa sớm cản trở sự tăng trưởng và trì hoãn những nước đang phát triển theo kịp những nền kinh tế tiên tiến. Những ngành công nghiệp chế tạo được gọi là "ngành công nghiệp thang cuốn”: năng suất lao động của nhân công trong ngành chế tạo có xu hướng gia tăng, ngay cả trong các nền kinh tế nơi chính sách, các thể chế, và địa lý cùng nhau góp phần làm chậm sự tiến bộ của các ngành khác trong nền kinh tế. Cũng theo Friedly và các cộng sự (2014:3), hơn 6,8 triệu lao động các ngành khác nhau đang phụ thuộc vào 11,8 triệu lao động chế biến ở Hoa Kỳ. Đồng thời, cũng theo các tác giả này, ngành công nghiệp chế biến có tác động số nhân lớn nhất trong các ngành. Ở Hoa Kỳ, cứ 1 USD sản lượng của ngành chế biến tạo ra 1,4 USD sản lượng của các ngành khác. Đó là lý do tại sao sự tăng trưởng nhanh chóng trong lịch sử luôn gắn liền với công nghiệp hóa, ngoại trừ một số ít các nước nhỏ có trữ lượng lớn tài nguyên thiên nhiên. Sự giới hạn công nghiệp hóa gần như chắc chắn đồng nghĩa với việc sẽ có ít hơn những phép màu tăng trưởng trong tương lai. Theo UNIDO (2016), tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu trung bình đạt 7,7% trong giai đoạn 2005-2013. Trong năm 2013, thương mại toàn cầu đạt mốc mới với giá trị hơn 18 nghìn tỷ USD, với 84% từ các sản phẩm chế biến, chế tạo. Do vậy, các nước phương Tây đang thực hiện một cuộc công nghiệp hóa mới, phù hợp hơn với trình độ phát triển và bối cảnh phát triển hiện nay. Đối với các nước đang phát triển, họ không thể đi theo mô hình cũ mà Nhật Bản và các NIE (Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong và Singapore) đã từng đi, mà cần phải tìm con đường mới, có sự chủ động hơn để tiếp nhận công nghệ "sạch hơn” và việc lựa chọn đối tác (từ các nước phát triển) trở nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

2. Tổng quan nghiên cứu về bộ tiêu chí công nghiệp hóa

Đã có rất nhiều nghiên cứu nhằm xác định hay định nghĩa về nước công nghiệp hoặc tiêu chí hoàn thành công nghiệp hóa ở cả trong nước và quốc tế. Trong đó có các công trình tiêu biểu đáng chú ý dưới đây.

Thứ nhất, OECD (1979) được trích trong Chowdhury và Islam (1993:3) định nghĩa 3 tiêu chí như sau về NIEs:

- Tăng trưởng nhanh về cả giá trị tuyệt đối về lao động công nghiệp và tương đối (tỷ trọng) của lao động công nghiệp trong tổng lao động;

- Gia tăng nhanh về tỷ trọng trong xuất khẩu toàn cầu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo;

- Tăng nhanh chóng về giá trị GDP bình quân đầu người thực tế như là một sự thu hẹp về khoảng cách đối với các nước phát triển.

Thứ hai, trong khi tìm kiếm một ngưỡng để xác định nhóm các nước đã công nghiệp hóa, Upadhyaya (2013) trong ấn phẩm nghiên cứu của UNIDO đã dựa vào kết luận được rút ra từ các nghiên cứu nội bộ của tổ chức này kết luận rằng giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến bình quân đầu người (MVApc) là một tiêu chí thích hợp để phân nhóm nước theo mức độ công nghiệp hóa. MVApc cho biết trình độ sản xuất công nghiệp của một quốc gia so với quy mô dân số của nó. UNIDO coi đây là chỉ tiêu quan trọng về mức độ công nghiệp hóa của một quốc gia và đã được sử dụng liên tục qua nhiều năm trong ấn phẩm hàng đầu của UNIDO Báo cáo Phát triển công nghiệp. Mặc dù cách tiếp cận tiêu chuẩn đơn lẻ tự nó không thể được sử dụng cho phân nhóm quốc gia của UNIDO, nhưng MVApc là cơ sở của ngưỡng tuyệt đối cho nhóm các nền kinh tế công nghiệp hóa. Đồng thời, bất kỳ nền kinh tế có GDP bình quân đầu người trên 20.000 USD quốc tế được xem là nằm trong nhóm các nền kinh tế đã công nghiệp, không kể MVApc của quốc gia đó là bao nhiêu. MVApc (đã điều chỉnh) ≥ 2.500 USD hoặc GDP đầu người (PPP) ≥ 20.000 USD (giá cố định năm 2011). Theo cách thức phân nhóm này, Việt Nam có MVApc chỉ vào khoảng trên 1.000 USD PPP và thuộc vào nhóm các nước công nghiệp mới nổi.

Thứ ba, tổng kết thực tiễn phát triển của các NIE và các nền kinh tế mới nổi khác như Trung Quốc và các nước ASEAN, Ohno và Nguyễn Văn Thường (2005) có đề xuất một số kiến nghị trong phát triển công nghiệp ở Việt Nam, trong đó có liên quan đến các chỉ tiêu có thể được xem như là một nước công nghiệp. Có một số mục tiêu rất đáng lưu ý được các học giả này đưa ra, đó: (i) Mức thu nhập tương đối: Việt Nam phải hướng đến việc trở thành một quốc gia có mức thu nhập khá; (ii) Cơ cấu xuất khẩu: các mặt hàng chế biến, chế tạo[1]chiếm ít nhất 75% kim ngạch xuất khẩu; (iii) Hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ với tỷ lệ nội địa hóa cao cũng như (iv) năng lực của lao động trong nước (trên 70%) có khả năng tiếp nhận các dịch vụ hỗ trợ từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2014) đã trình Ban Kinh tế Trung ương Bộ tiêu chí phấn đấu để nền kinh tế Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Với việc tham khảo các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội – môi trường của các NIE trong giai đoạn công nghiệp hóa, cộng với việc tính đến yếu tố bền vững, bộ tiêu chí được đề xuất bao gồm 14 chỉ tiêu dựa trên 3 trụ cột của phát triển bền vững (kinh tế, xã hội và môi trường), cụ thể:
 

3. Đề xuất bộ tiêu chí nước công nghiệp cho Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và toàn cầu hóa sâu rộng

3.1 Một số đặc trưng và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

a) Một số đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ra đời dựa trên cơ sở nền tảng của sự tích hợp của ba đại thế giới: vật lý, số và sinh vật (Trần Hồng Quang và Nguyễn Hoàng Hà 2016; Nguyễn Hoàng Hà 2017). Ranh giới giữa các thế giới này có thể bị xóa nhòa dần và cộng với quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, tác động của cuộc cách mạng này đến sự phát triển của loài người là sự tác động mang tính cộng hưởng, với tốc độ ở cấp số nhân về phạm vi và chiều sâu mang tính hệ thống. Cũng theo các tác giả này, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có 03 đặc trưng nổi trội gắn với những đột phá công nghệ trong 03 thế giới được nêu ở trên. Cụ thể là (i) những bước tiến vượt bậc về các thiết bị tự động hóa, công nghệ in 3D, rô-bốt hiện đại và các dạng vật liệu mới; (ii) những đột phá mạnh mẽ trong tương tác giữa thế giới thực - ảo bởi phát triển của Internet vạn vật (IoT) cùng với việc ra đời các cảm biến hiện đại, sẽ hình thành trí thông minh nhân tạo; và (iii) sự tiến bộ của công nghệ sinh học, nhất là những đột phá về hiểu biết đối với bản đồ gen của loài người cùng các dạng sinh vật sống trên trái đất.

Trong khi đó, theo Delloite (2014), cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có 4 đặc trưng, gắn với tính "tích hợp” của các công nghệ. Cụ thể:

- Xuất hiện mạng lưới dọc các hệ thống sản xuất thông minh, ví dụ như các nhà máy thông minh, hệ thống kho vận thông minh, marketing thông minh và các sản phẩm thông minh. Sản phẩm có tính cá nhân hơn, có tính địa phương hơn.

- Tích hợp theo chiều ngang bằng một thế hệ mới các mạng lưới tạo ra giá trị toàn cầu, bao gồm tích hợp cá đối tác kinh doanh và khách hàng, tích hợp các mô hình kinh doanh và hợp tác mới xuyên quốc gia và lục địa.

- Ứng dụng khoa kỹ xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất cho tới khâu tiêu thụ sản phẩm (toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm).

- Tăng tốc sản xuất thông qua công nghệ theo cấp số nhân (công nghệ có tính đột phá) làm cho giá thành giảm xuống rất thấp.

Còn theo Clark II và Cooke (2014), cách mạng công nghiệp sắp tới là cuộc cách mạng xanh, gắn với những sự đột phá về năng lượng. Cụ thể là năng lượng tái sinh, dự trữ năng lượng, chia sẻ năng lượng linh hoạt, và tích hợp vận tải.

Như vậy, có thể thấy rằng đặc trưng sắp tới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự tích hợp về năng suất và sự tinh vi, phức tạp của những công nghệ hiện đại nhất của loài người trong thời điểm hiện tại. Nó có thể là giải pháp giải quyết được những vấn đề thách thức hiện tại như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nạn đói,… nhưng cũng có thể là sự kết thúc cho loài người (NIC 2017, Hawkin 2016).
 

Hình 2 Tiến trình của các cuộc cách mạng công nghiệp

Nguồn: Nguyễn Hoàng Hà (2017)

b) Một số thách thức đối với Việt Nam

- Đối với giải quyết việc làm: Với sự mở rộng ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, điều khiển, tự động hóa. Các hệ thống robot có trí thông minh nhân tạo sẽ thay thế con người trong nhiều công đoạn hoặc trong toàn bộ dây chuyền sản xuất nhất là trong những ngành sử dụng nhiều lao động. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn dựa nhiều vào các ngành thâm dụng lao động giá rẻ. Trong khi đó, theo xu thế phát triển của kinh tế tri thức, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi, có năng lực sáng tạo mới là lợi thế. Các công nghệ hiện đại châm ngòi cho cuộc cách mạng mới trong nhiều ngành trong nền kinh tế thế giới như công nghệ in 3D, robot và tự động hóa lại sử dụng rất ít nhân công. Các loại hình công nghệ này sẽ thách thức mô hình "sản xuất hàng loạt” bằng mô hình "tùy chỉnh hàng loạt” và tự động hóa với chi phí thấp hơn. Vào thời điểm sau năm 2025, nỗi lo lớn nhất theo tác giả chính là sự thất nghiệp và thiếu việc làm của lực lượng lao động. Hiện nay, thất nghiệp và thiếu việc làm tập trung vào độ tuổi 35-50 ở khu vực nông thôn. Đây là độ tuổi khó tiếp thu được những kiến thức mới, trong khi những người ở độ tuổi trẻ hơn đang làm việc chủ yếu ở khu vực có thâm dụng lao động như nông nghiệp, dệt may, kế toán, lắp ráp và sửa chữa thiết bị. Số lao động này hiện đang chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong lực lượng lao động của nước ta hiện nay. Mười năm tới đây, trong khi những người đang thất nghiệp và thiếu việc làm hiện tại vẫn nằm trong độ tuổi lao động trong khi những người trẻ hiện nay lại rất dễ mất việc làm khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ. Không những vậy, chuyển dịch cơ cấu lao động trong gần 20 năm qua của Việt Nam rất chậm và càng làm trầm trọng thêm mối quan ngại này.

- Quản trị nhà nước cùng nguy cơ tụt hậu xa hơn cũng là một trong những thách thức lớn nhất đối với nước ta. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn nếu công cuộc cải cách cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đi chệch hướng, không thành công như mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó những thách thức về an ninh phi truyền thống sẽ tạo ra áp lực lớn nếu Nhà nước không đủ trình độ về công nghệ và kỹ năng quản lý để ứng phó.

- Các nước công nghiệp mới nổi và nhiều nước đang phát triển đều cạnh tranh quyết liệt, tìm cách thu hút, hợp tác để có đầu tư, chuyển giao công nghệ, nhanh chóng ứng dụng những thành tựu công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đem lại để giành lợi thế phát triển. Áp lực lớn cho Việt Nam về sự tỉnh táo trong hội nhập, hợp tác quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường nhất là thị trường khoa học công nghệ, cải thiện đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh, tích lũy đầu tư để thu hút chuyển giao, ứng dụng nhanh những thành tựu khoa học công nghệ vào phát triển nền kinh tế.

3.2 Quan điểm đề xuất

- Bộ tiêu chí phải được dựa trên các luận cứ vững chắc về cả mặt lý thuyết và mặt thực tiễn; có tính kế thừa và tính thời đại nhằm có thể áp dụng trong một thời gian dài.

- Bộ tiêu chí và chỉ tiêu đi kèm được đề xuất phải dễ dàng đo lường được và đối sánh quốc tế được.

- Bộ tiêu chí không nên gồm nhiều chỉ tiêu, đảm bảo tính "đậm đặc” đồng thời đảm bảo tính dẫn dắt, lan tỏa sâu rộng đến nền kinh tế.

3.3 Bộ tiêu chí, chỉ tiêu được đề xuất và chú giải

(1) Tiêu chí cứng và quan trọng nhất của một nước công nghiệp đối với Việt Nam phải gắn với ngành công nghiệp chế biến. Theo tác giả nên là MVApc ≥ 2.500 USD (tính theo PPP giá cố định năm 2011). Đây cũng là chỉ tiêu duy nhất đo lường ngưỡng công nghiệp hóa của UNIDO hiện nay. Bên cạnh đó, trên thực tế, những nước có mức MVApc cao là những nước hiện nay chiếm tỷ trọng lớn trong tỷ trọng xuất khẩu công nghiệp chế biến, chế tạo của toàn cầu. Nó cũng thể hiện được sức cạnh tranh của nền kinh tế.

(2) Tiêu chí thứ 2 phải là độ lớn của thu nhập quốc dân bình quân đầu người. Phát triển công nghiệp phải cùng chiều, thậm chí có ảnh hưởng lớn nhất đến tăng trưởng kinh tế của toàn nền kinh tế, đến sự thịnh vượng của người dân. Có thể sử dụng một trong ba chỉ tiêu: GDPpc, GNPpc hoặc GNIpc, tuy nhiên nên sử dụng GNIpc­ bởi đây là chỉ tiêu được sử dụng khá phổ biến (ví dụ được WB áp dụng) và có ý nghĩa thực tế hơn. Đối với Việt Nam, khi trở thành nước công nghiệp thì nền kinh tế phải là nền kinh tế có thu nhập cao (theo WB là 12.475 USD đối với năm 2015). Chỉ tiêu này cũng đảm bảo cho Việt Nam trở thành một thị trường có sức mua rất lớn với hơn 100 triệu dân sau năm 2025 (Tổng cục Thống kê, 2011)

(3) Tiêu chí thứ 3 là số lao động của ngành công nghiệp với chỉ tiêu tỷ trọng của lao động ngành này trong tổng số lao động đang làm việc của nền kinh tế trên 50%. Đây cũng là một chỉ tiêu rất quan trọng, thể hiện cơ cấu của nền kinh tế được chuyển đổi về chất. Nền kinh tế không chỉ có sự thay đổi về cơ cấu kinh tế mà phải có sự thay đổi về cơ cấu lao động. Trong hai chỉ tiêu cơ cấu này, chỉ tiêu về lao động thể hiện tính cốt lõi, căn bản hơn. Hiện nay, tỷ trọng lao động của ngành công nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam chỉ chiếm 23%, bằng hơn ½ so với tỷ trọng lao động của ngành nông nghiệp (44%). Với năng suất của ngành công nghiệp gấp gần 4 lần so với ngành nông nghiệp hiện nay, nếu số lượng lao động của ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 50%, nền kinh tế Việt Nam thực sự sẽ có sự thay đổi căn bản về chất.

(4) Tiêu chí thứ 4 được gắn với công nghệ cao với chỉ tiêu cơ cấu công nghệ trung bình cao trở lên trong giá trị gia tăng (VA) hoặc trong xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn, từ 75% trở lên. Chỉ tiêu này cũng đồng thời phản ánh cho trình độ công nghệ của nền kinh tế. OECD (2011) đã phân loại các ngành công nghiệp dựa trên mức độ tiên tiến của công nghệ thành các nhóm như sau:

- Các ngành công nghiệp công nghệ cao bao gồm máy bay và tàu vũ trụ; dược phẩm; kế toán và máy tính văn phòng; máy phát thanh, ti vi và thiết bị truyền thông; thiết bị y tế, thiết bị có độ chính xác cao và dụng cụ quang học.

- Các ngành công nghiệp có công nghệ trung bình cao bao gồm máy móc và thiết bị điện, xe có động cơ, xe rơ-mooc và xe bán rơ-mooc; hoá chất trừ dược phẩm; thiết bị đường sắt và thiết bị vận tải; máy móc và thiết bị.

- Các ngành công nghiệp công nghệ trung bình thấp bao gồm xây dựng và sửa chữa tàu thuyền; các sản phẩm cao su và nhựa; than cốc, các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và nhiên liệu hạt nhân; các sản phẩm khoáng sản phi kim loại khác; các kim loại cơ bản và các sản phẩm từ kim loại.

- Các ngành công nghiệp công nghệ thấp bao gồm sản xuất; tái chế; gỗ, bột giấy, giấy, sản phẩm giấy, in ấn và xuất bản; thực phẩm, đồ uống và thuốc là; dệt may, sản phẩm dệt may, da giầy.

Ngoài ra, qua tổng kết từ thực tiễn phát triển cho thấy một quốc gia có nền công nghệ hiện đại sẽ dẫn tới những hệ lụy tốt đối với môi trường như mức cường độ điện năng thấp hay khí thải CO2 bình quân đầu người thấp. Công nghệ cao cũng phản ánh trình độ khả năng hấp thụ, làm chủ và ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

(5) Chỉ tiêu thứ 5 là sự lớn mạnh của khu vực tư nhân trong nước gắn với chỉ tiêu tỷ trọng xuất khẩu công nghiệp chế biến, chế tạo của khu vực kinh tế tư nhân trong tổng xuất khẩu, phải lớn hơn 75%. Kinh nghiệm của tất cả các NIE cho thấy không có khu vực tư nhân trong nước năng động, mạnh mẽ, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ thất bại. Tư nhân mạnh cũng thể hiện khả năng nội địa hóa mạnh mẽ trong các sản phẩm trong nước liên kết với các doanh nghiệp FDI. Đối với Việt Nam hiện nay, tỷ trọng xuất khẩu của khối FDI đang chiếm tỷ trọng lớn (70%) dù rằng tỷ trọng trong GDP của khối này chỉ chiếm 20%. Khu vực kinh tế tư nhân trở thành chủ đạo là một trong những nền tảng đảm bảo cho kinh tế Việt Nam có thể phát triển bền vững, có khả năng độc lập, tự chủ tương đối, giảm bớt sự lệ thuộc vào các cú sốc bên ngoài. Điều đó cũng thể hiện sự dịch chuyển về vai trò của Nhà nước. Nhà nước thực sự là nhà nước kiến tạo phát triển, minh bạch, trách nhiệm giải trình và luôn đổi mới, cải cách, tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi.

Trên đây là 5 tiêu chí cứng được tác giả đề xuất áp dụng cho Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong bối cảnh mới. Mặc dù, bộ tiêu chí này có thể không toàn diện, tuy nhiên nó đảm bảo đúng được các quan điểm đề xuất đã nêu trên./.
Ths.Nguyễn Hoàng Hà

* Bài đã được in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia, Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại: áp dụng cho Việt Nam trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, trang 132-44


[1]Các hàng hóa thuộc nhóm mã 5, 6, 7 và 8 trong hệ SITC hoặc khái niệm tương đương.